| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Nông nghiệp cần những điều mới mẻ'

Chủ Nhật 01/10/2023 , 16:13 (GMT+7)

Đó là gợi mở mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm tại Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 9, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 10/2023.

Nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao

Mở đầu Hội nghị giao ban diễn ra sáng 1/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho phát video về những câu chuyện bán hàng qua mạng xã hội để đưa nông sản Việt Nam đi xa hơn.

Kết thúc video, Bộ trưởng nói: “Video gợi mở nhiều điều với những góc nhìn vui hơn, tươi hơn về nông nghiệp Việt Nam. Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần những điều mới mẻ, cần thay đổi tư duy về quản trị trên nền tảng truyền thông đa phương tiện. Thay đổi tâm thức trên cơ sở tận dụng nền tảng của chuyển đổi số. Đừng chỉ chú ý vào việc ban hành văn bản, đôi khi chỉ cần một video nhưng lại có tác động rất lớn”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần những điều mới mẻ, cần thay đổi tư duy về quản trị trên nền tảng truyền thông đa phương tiện. Ảnh: Quang Dũng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần những điều mới mẻ, cần thay đổi tư duy về quản trị trên nền tảng truyền thông đa phương tiện. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thông tin, 9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Cụ thể, sản lượng thu hoạch lúa đạt 33,6 triệu tấn, tăng 0,7%.

Với cây ăn quả, diện tích đạt hơn 1.260 nghìn ha, tăng 14,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao hơn so với cùng kỳ. Với cây công nghiệp, diện tích đạt hơn 2.190 nghìn ha, tương đương với cùng kỳ năm 2022 nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên cây công nghiệp chủ lực đều cho sản lượng cao hơn cùng kỳ.

Về chăn nuôi, 9 tháng đầu năm 2023, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi đều tăng, trừ đàn trâu tiếp tục có xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng mức giảm đã thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản có nhiều tín hiệu tốt, nhất là về khai thác. Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 6,8 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 3,6%.

Ông Việt đánh giá, xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 9 tương đối tốt, đạt 4,8 tỉ USD, tăng 22% so với tháng 9/2022. Tất cả lĩnh vực đều tốt, nhóm nông sản đạt 2,45 tỉ USD, tăng 46,9%; chăn nuôi 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỉ USD, tăng 7,3%; thủy sản 850 triệu USD, chỉ giảm còn 0,8%... Tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm ước đạt 38,48 tỉ USD.

“Nếu 3 tháng còn lại cứ giữ nguyên kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đạt 5 tỉ USD thì xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2023 sẽ bằng năm 2022, còn nếu tăng trưởng khả quan hơn thì sẽ đạt 54 tỉ USD”, ông Việt nói thêm.

Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện giá lợn tăng lên, tuy một số quy mô vẫn chưa có lãi nhưng phần nào đã có động lực lớn để bà con và trang trại tái đàn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 9 cũng đã giảm 1-3% tùy mặt hàng. Đây cũng là tín hiệu cho thấy sự ổn định trở lại sau một thời gian dài tăng giá. Ngành chăn nuôi tự tin đáp ứng đủ sản phẩm thịt, trứng, sữa trong cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn ngành nông nghiệp ghi nhận tăng trưởng toàn diện, tương đối cao, phát huy vai trò là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế.

Còn nhiều việc cần làm

Ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung một số giải pháp như: Chỉ đạo các đơn vị, 28 tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và khắc phục kịp thời hậu quả mưa, bão, lũ năm 2023. Tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, đàm phán gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung vào các thị trường chủ lực…

Thủy sản hiện đang có nhiều tín hiệu tốt, nhất là về lĩnh vực khai thác. Ảnh: Hồng Thắm.

Thủy sản hiện đang có nhiều tín hiệu tốt, nhất là về lĩnh vực khai thác. Ảnh: Hồng Thắm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành nông nghiệp năm 2023 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53 - 54 tỉ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%.

Để hoàn thành các mục tiêu, ông Việt cho rằng, từ nay đến cuối năm cần tập trung cho nhóm hàng đang có thế mạnh, triển vọng tăng mạnh như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai để chỉ đạo định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; theo dõi sát tình hình sản xuất vụ lúa mùa, thu đông để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung - cầu, bảo đảm ổn định giá…

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: “Trong thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực đa dạng hóa thị trường. Theo đó đã mở thêm một thị trường cho xuất khẩu ớt là Malaysia, đàm phán thêm tại thị trường Ấn Độ để mở rộng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản. Các thị trường như Úc, Hàn Quốc… hiện đang hợp tác rất tốt. Riêng với Trung Quốc, đây là thị trường quan trọng, chúng ta đang tập trung vào xuất khẩu dưa tươi, cây dược liệu và các sản phẩm đông lạnh, trong đó có quả sầu riêng đông lạnh…

Ông Đạt cho biết thêm: “Về mặt hàng gạo, chúng ta cũng đã mở cửa thêm thị trường sang Uzbekistan; chanh leo đi Úc thì toàn bộ dự thảo đã được gửi đến nước bạn, hy vọng sẽ sớm được thông qua…”.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2023 đạt 1,6 tỉ USD. Ảnh: TL.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2023 đạt 1,6 tỉ USD. Ảnh: TL.

Còn theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp, từ đầu năm đến nay, số thị trường xuất khẩu, số mã số vùng trồng vẫn rất ổn định, đây là điều rất tốt, tạo dư địa cho cuối năm. Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục khắc phục khuyến cáo của IUU trong đợt thanh tra vừa rồi, xác định Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định là hai tỉnh trọng điểm; cần phản ứng nhanh với các thay đổi của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; tăng cường hoạt động truyền thông kết nối giao thương…

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa hình ảnh sản phẩm muối rất đa dạng và bắt mắt như muối kết hợp với các loài hoa, muối kết hợp thảo dược… được bày bán tại siêu thị ở Áo, Bỉ. Bộ trưởng nói, điều này để thấy rằng đó là tư duy tích hợp đa giá trị, từ muối dưới biển cộng với các sản phẩm thảo dược trên rừng đã cho ra đời những sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm giá trị cao chứ không đơn thuần chỉ là nêm nếm trong các món ăn nữa.

Quay trở lại với câu chuyện của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá: Tất cả chúng ta đều ghi nhận những thành quả của ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2023. Chúng ta đã đi qua 3/4 quãng đường, chỉ còn một quý cuối cùng nữa nhưng còn rất nhiều việc cần làm.

Theo đó, cần nỗ lực cao hơn, các đơn vị cần tập trung chỉ đạo thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT. Bổ sung vào kế hoạch chuyển đổi số vấn đề thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp để có kế hoạch toàn diện hơn. Với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai, cần chủ động đưa ra những dự báo và kịch bản ứng phó. Về thị trường, tiếp tục tập trung vào các thị trường trọng điểm mà chúng ta hướng tới như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ…

Cần sát sao với vấn đề mã số vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Chủ động thực hiện với EU về hai đề xuất lớn của chúng ta để EU hỗ trợ về kinh tế thủy sản, kinh tế biển và Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Ngành nông nghiệp đến thời điểm này đã vơi dần những nỗi lo, tuy vẫn còn một vài vấn đề nhưng gần đây đã phục hồi. Ngành đã tự tin kích hoạt được thị trường, tháo gỡ được thể chế và đã đạt được những con số tích cực trong 9 tháng đầu năm 2023. Đó là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy, sáng tạo, các đơn vị của Bộ NN-PTNT đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, quan trọng nhất là đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy thị trường, lấy chuẩn mực điều chỉnh sản xuất”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.