| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Ngày xưa nhất nước, nhì phân…, bây giờ là nhất giống’

Thứ Năm 13/10/2022 , 14:52 (GMT+7)

BẾN TRE Ngày 12-13/10/2022, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có chuyến khảo sát và làm việc với tỉnh Bến Tre về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 13/10, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp Bến Tre đã phát triển theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng nâng lên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (áo xanh) thăm và làm việc với HTX Bưởi da xanh sáng 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (áo xanh) thăm và làm việc với HTX Bưởi da xanh sáng 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Thách thức biến đổi khí hậu

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 57 làng nghề đã được công nhận, có 177 HTX và hơn 1.100 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác, 59 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đáng ghi nhận trên chuỗi giá trị cây dừa có 32 tổ hợp tác, 28 HTX; trên chuỗi bưởi da xanh có 7 tổ hợp tác, 12 HTX.

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 158 sản phẩm từ 3 sao trở lên, trong đó có 78 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao (trong đó có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Riêng công tác xây dựng nông thôn mới, Bến Tre đã có 80/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện nông thôn mới và Thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát hồ nước ngọt Kênh Lấp ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri ngày 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát hồ nước ngọt Kênh Lấp ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri ngày 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Đạt được những kết quả nổi bật như trên, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT cho tỉnh trong thời gian qua. Cũng theo lãnh đạo tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng... có nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp; hệ thống thủy lợi dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, khép kín.  

Do đó, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ Bến Tre trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, hỗ trợ địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Về biến đổi khí hậu, Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mong các đơn vị nghiên cứu của Bộ giúp Bến Tre nghiên cứu các cây, con giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Rất mong lãnh đạo Bộ giúp cho Bến Tre hoàn thiện các công trình thích ứng biến đổi khí hậu như hệ thống cống, đê biển, đê bao ngăn mặn, đặc biệt là hệ thống đê chống sạt lở bờ biển”, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre kiến nghị.

Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại hộ nông dân Nguyễn Minh Nhũ ngày 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại hộ nông dân Nguyễn Minh Nhũ ngày 12/10. Ảnh: Minh Đảm.

Tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất giống quốc tế

Sau khi nghe báo cáo cũng như kiến nghị của tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT đã phát biểu gợi mở và giải quyết các kiến nghị của tỉnh Bến Tre. Trong sản xuất nông sản, cần nâng chất lượng hàng hóa, chú trọng công tác lai chọn giống chất lượng cao, chuyển từ tuy duy sản xuất sang tư duy kinh tế, quan tâm giải quyết đầu ra, quan tâm đến thị trường nội địa song song với xuất khẩu, gắn với việc xây dựng mã số vùng trồng, tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tránh tình trạng phát triển nông nghiệp mù mờ...

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có thế mạnh trong sản xuất cây giống, đặc biệt là cây ăn trái, tập trung ở huyện Chợ Lách với khoảng 6.000 hộ tham gia sản xuất 40 triệu sản phẩm/năm cung cấp cho cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, chất lượng giống cây trồng đang là vấn đề cần được quan tâm hơn.

Hiện nay vấn đề sản xuất cây giống ở Bến Tre gặp rất nhiều trở ngại về pháp luật, thể chế… Chính vì thế, Cục Trồng trọt đang phối hợp với Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL xây dựng “Địa chỉ xanh” để thu hút cơ sở sản xuất tốt nhằm cung cấp cây giống tốt cho sản xuất trong khuôn khổ tuân thủ về vấn đề pháp luật, thương mại và liên kết sản xuất.

Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở bờ biển tại cồn Ngoài xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở bờ biển tại cồn Ngoài xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng: Tỉnh Bến Tre đang có uy tín trong lĩnh vực sản xuất cây giống với bạn bè trong nước. Do đó, ông đề nghị hàng năm, tỉnh nên có diễn đàn về cây giống cấp quốc gia.

“Chúng ta nên thành lập trung tâm nghiên cứu sản xuất giống cây trồng cấp tỉnh, nghiên cứu cả hoa kiểng, giống lúa. Bến Tre không nên đi vào sản xuất hàng hoá nhiều mà nên đi vào sản xuất cây giống. Khi có trung tâm nghiên cứu sản xuất giống cây trồng thì Bến Tre sẽ là trung tâm đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị. Chúng ta nâng cấp lên nữa, nói hơi quá sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng cấp vùng Đông Nam Á, thậm chí là cấp quốc tế”, ông Lê Thanh Tùng khuyến nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ thêm với lãnh đạo, sở ban ngành tỉnh về định hướng phát triển của nền nông nghiệp nước nhà trong thời gian tới. Đặc biệt là nghị quyết của Đảng về chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; những câu chuyện gợi mở trong hợp tác, thích ứng với sản xuất, phát triển kinh tế trong tình hình mới; mô hình hội quán; nông nghiệp 6.0 của người Hàn Quốc…

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Bến Tre ngày 13/10. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Bến Tre ngày 13/10. Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bến Tre cần quan tâm công tác nâng cao chất lượng sản phẩm giống cây trồng. “Ngày xưa ông bà mình nói nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống, nhưng bây giờ phải là nhất giống…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các kiến nghị của tỉnh Bến Tre về đầu tư các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết sẽ giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, cân đối nguồn vốn để có cơ sở xem xét phân bổ thực hiện.

Trước đó, ngày 12/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có chuyến khảo sát thực địa tìm hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre như: Làm việc với thành viên của HTX Bưởi da xanh Bến Tre (huyện Châu Thành); tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của nông dân Nguyễn Minh Nhũ, khảo sát hồ nước ngọt Kênh Lấp xã Tân Xuân, tình hình sạt lở bờ biển tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri).          

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.