| Hotline: 0983.970.780

Định hướng của ngành nông nghiệp Bến Tre là 'mảnh vườn nhỏ, sản xuất lớn'

Chủ Nhật 21/11/2021 , 17:43 (GMT+7)

Định hướng lâu dài, ngành nông nghiệp Bến Tre khuyến khích nông dân tham gia liên kết xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Sản xuất nông nghiệp phục hồi khá tốt

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của kinh tế tỉnh Bến Tre. Đối với lĩnh vực nông nghiệp dù phát triển chậm nhưng vẫn có tăng trưởng dương.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, dịch bệnh đã làm các mặt hàng nông sản lưu thông khó khăn do đó giá cả cũng bị giảm rất nhiều. Khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, hàng hoá lưu thông bình thường trở lại, giá cả các mặt hàng có phần tốt hơn, ngành đã có kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Sản xuất cây giống đã phục hồi khá tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất cây giống đã phục hồi khá tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, kết quả sản xuất năm 2021 của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trên lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích và sản lượng lúa thu hoạch tăng so với cùng kỳ. Diện tích sản xuất 3 vụ trên năm đạt trên 36.600ha, tăng 66%. Sản lượng ước đạt trên 164 nghìn tấn, tăng 178%. Diện tích dừa tăng 1,16% so với cùng kỳ, với tổng diện tích đã đạt 74.850ha, sản lượng 662 triệu trái. Giá dừa ổn định từ 7.000 - 9.000 đồng/trái, góp phần ổn định đời sống của nông dân.

Trên cây ăn trái, diện tích sản xuất ước đạt trên 26.400ha, sản lượng trên 300 nghìn tấn. Dù diện tích giảm 0,68% nhưng sản lượng vẫn tăng 0,59%, do người dân chăm sóc đạt hiệu quả.

Đối với hoa kiểng, những tháng đầu năm, sản xuất tương đối thuận lợi. Mỗi năm tỉnh Bến Tre sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 40 triệu sản phẩm. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp nên ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân nên giảm 50% sản lượng so với mọi năm. Riêng lĩnh vực cây giống, đến nay sản xuất đã dần ổn định trở lại.

Ông Trần Thanh Thanh, chủ Cơ sở cây giống Thanh Thanh (ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chuyên cung cấp mít ruột đỏ, cam đào Thanh Thanh, sầu riêng Ri-6, Mongthong cho hay: Hiện nay, ở Tây Nguyên đã là thời điểm cuối vụ xuống giống cây ăn trái. Tuy nhiên, ở ĐBSCL và miền Trung đang vô vụ xuống giống. Còn tại miền Bắc, đến tết nông dân mới xuống giống cây ăn trái.  Do đó, các cơ sở sản xuất cây giống làm quanh năm để cung ứng cho cả ba miền. Khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, vấn đề lưu thông được giải quyết nên các mối lái đã đặt mua nhiều hơn. Hiện nay, lượng hàng đã tăng lên gấp đôi. 

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết chuỗi giá trị

Nói về định hướng ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh là “mảnh vườn nhỏ, sản xuất lớn”. Bởi theo ông Đảnh, hiện diện tích sản xuất của nông hộ ở Bến Tre rất nhỏ. Để phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp đối với mảnh vườn nhỏ như vậy, đòi hỏi phải có sự liên kết để xây dựng vùng sản xuất tập trung.

Ngành nông nghiệp Bến Tre định hướng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn gắn với chuỗi giá trị. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành nông nghiệp Bến Tre định hướng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn gắn với chuỗi giá trị. Ảnh: Minh Đảm.

Sau đại hội XIII, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 07 để xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Khi đó, áp dụng quy trình canh tác phù hợp, đồng nhất sẽ cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã. Quá trình liên kết lại với nhau để thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm sẽ giúp người nông dân có giá bán sản phẩm tốt hơn. Để làm được vấn đề này đòi hỏi các hộ dân phải liên kết xây dựng thành các Tổ hợp tác, HTX để liên kết với nhau.

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng được trên 100 Tổ hợp tác, 58 HTX tiêu biểu trong các chuỗi các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiêu biểu như chuỗi dừa đã có trên 12.000ha, bưởi da xanh đã có 330ha,… Bên cạnh đó, Bến Tre cũng có trên 15.000ha cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận GAP, hữu cơ tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi giá trị đang gặp không ít khó khăn. Do đó, theo ông Đoàn Văn Đảnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình HTX điểm hoạt động có hiệu quả để phát huy. Đồng thời nâng cao công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường kết nối thị trường, xúc tiến thương mại.

  • Tags:
Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất