| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát vịnh Vân Phong chuẩn bị chiến lược nuôi biển

Thứ Sáu 12/07/2019 , 14:18 (GMT+7)

Chuyến thị sát của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trên vịnh Vân Phong nhằm chuẩn bị cho chiến lược nuôi biển trong thời gian tới.

Sáng 12/7, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đi kiểm tra nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Đi cùng Bộ trưởng có ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các nhà khoa học các viện nghiên cứu thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thăm mô hình nuôi biển theo công nghệ Nauy tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

Mục đích chuyến thị sát, kiểm tra nuôi biển của Đoàn Bộ NN-PTNT nhằm chuẩn bị cho chiến lược nuôi biển trong thời gian tới. 

Trong chương trình nuôi biển, một đối tượng rất có tiềm năng là cá chim vây vàng. Đây là loại đặc sản mà những năm qua Viện I đã tập trung nghiên cứu từ quy trình sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, cho đến nuôi thương phẩm. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay bộ quy trình khép kín cho đối tượng nuôi này đã hoàn thành, cho kết quả rất khả quan. Đây là một cơ sở thực nghiệm để chuyển giao cho các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Đoàn đã đến thăm khu nuôi cá chim vây vàng bằng lồng công nghệ Nauy do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (gọi tắt Viện I) triển khai, với diện tích rộng 10ha.

Báo cáo Bộ trưởng, PGS.TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện I cho biết, toàn khu nuôi có 20 lồng tròn, chu vi 60m nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng để nuôi cá giống bố mẹ, ương cá giống.

Lồng nuôi bằng chất liệu nhựa HDPE chịu lực, bão, gió mạnh. Thực tế, cơn bão số 12 (Damrey) đầu tháng11/2017 đổ bộ vào vịnh Vân Phong gió giật cấp 14 - 15 nhưng lồng không bị thiệt hại gì, trong khi các lồng bè nuôi của người dân bị san phẳng. Hơn nữa, lồng nuôi này có ưu điểm với độ bền tối thiểu 50 năm dưới biển. Hiện các lồng nuôi được Viện I làm chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp nên chi phí đầu tư giảm hơn nửa so với ngoại nhập. Cụ thể, nếu ngoại nhập mỗi lồng này chi phí trên 1 tỷ, nhưng Viện I sản xuất chỉ từ 400 - 500 triệu đồng.

Hiện trang trại nuôi biển Viện I cho sản lượng từ 200 - 250 tấn/năm

Cũng theo bà Vân, hiện khu nuôi biển của Viện I cho tổng sản lượng từ 200 - 250 tấn/năm, chủ yếu cá chim vây vàng. Đây là loài đặc sản Viện I hoàn toàn làm chủ công nghệ từ sản xuất giống, công thức phối trộn thức ăn cho đến quy trình nuôi.

Và, quy trình này tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp (tỷ lệ sống thường đạt trên 75%, có mẻ đạt trên 90% so từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 6 - 7 tháng). Hiện sản lượng cá thương phẩm được phục vụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện ngành thủy sản đã đạt xấp xỉ 10 tỷ USD về xuất khẩu. Một trong những hướng tới đây chúng ta phấn đấu đảm bảo ngành thủy sản phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, thì phải đặc biệt chú ý hướng tới nuôi biển.

Bộ trưởng đánh giá cao mô hình nuôi cá chim vây vàng lồng công nghệ Nauy

“Chúng ta cần tổ chức lại cơ cấu ngành hàng khai thác, nhưng quan trọng hơn là tổ chức nuôi xa, đây là hướng tiềm năng rất lớn. Để thực hiện chiến lược này Bộ NN-PTNT giao cho các trung tâm, các viện nghiên cứu lớn chuẩn bị các bước. Trong đó nghiên cứu từ công tác giống, thức ăn, cho đến quy trình nuôi, trên cơ sở đó căn cứ để mở rộng ra 28 tỉnh thành duyên hải, nhất là khu vực trọng điểm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.