| Hotline: 0983.970.780

Đỉnh cao nuôi biển: Bài 7 - Sự thống trị của con cá mú lai

Thứ Ba 11/06/2019 , 13:25 (GMT+7)

Là loài có sức đề kháng cao, nhanh lớn, cùng với giá bán thương phẩm luôn giữ mức cao và ổn định, cá mú lai thương phẩm đang là hướng đi triển vọng của người nuôi trồng thủy sản. Thực tế thời gian qua, nhiều người nuôi cá mú lai đã kiếm tiền tỷ.

* Nhiều hộ kiếm tiền tỷ
 

Bỏ cá mú đen sang nuôi mú lai

Cá mú lai hay còn gọi cá mú Trân Châu. Đây là con lai giữa cá song vua (mú nghệ, đực) với cá song hổ hay còn gọi mú cọp (cái) nên thừa hưởng ưu thế của cá mú nghệ và cá mú cọp, đó là vừa có ngoại hình đẹp, phát triển nhanh, vừa chống chịu tốt môi trường khắc nghiệt.

Cá mú lai đạt trọng lượng 1 kg/con sẽ được xuất bán.

Hiện nguồn giống cá này, ngoài việc nhập từ Đài Loan, Indonesia, thì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng đã sản xuất thành công, đáp ứng nhu cầu phần nào cho người nuôi. Nhờ vậy vài năm trở lại đây, cá mú lai được người nuôi phát triển vùng ven biển cả nước, nhất là tại một số các tỉnh miền Nam và TP Cam Ranh (Khánh Hòa).

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, thống kê sơ bộ toàn TP hiện có trên 120 ha nuôi cá mú lai. Trong đó xã Cam Thịnh Đông nuôi nhiều nhất với khoảng 80 ha; phường Cam Phúc Bắc nuôi 28 ha và phường Cam Nghĩa nuôi 28 ha.

Thế nhưng ghi nhận PV tại vùng nuôi xã Cam Thịnh Đông thì diện tích cá mú lai đã mở rộng hơn nhiều so với số liệu phòng Kinh tế cung cấp.

Ông Lê Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cho biết: Do hiệu quả kinh tế từ cá mú lai mang lại nên người nuôi địa phương ngày càng mở rộng diện tích. Nếu như năm 2017 toàn xã chỉ vài hộ nuôi cá mú lai, nay đã lên đến 120 ha với 60 hộ nuôi, trong đó vùng nuôi nhiều nhất là thôn Hiệp Thanh.

Vùng nuôi này trước đây đối tượng nuôi chính là tôm sú. Thời gian sau tôm sú nuôi không còn hiệu quả nữa, người nuôi đã chuyển sang nuôi cá mú đen và ốc hương. Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, các đối tượng nuôi trên cũng bị “soán ngôi” bởi con cá mú lai.

Cá mú lai đang "soán ngôi" tôm sú, cá mú đen và ốc hương.

Trưởng thôn Hiệp Thanh Huỳnh Hữu Phụng cũng xác nhận và cho biết, vùng nuôi thủy sản địa bàn có diện tích trên 100 ha, nay đã chiếm gần 90% ao đìa nuôi cá mú lai.

Về hiệu quả nuôi cá mú lai, theo người nuôi nơi đây đánh giá, hơn hẳn nhiều loài thủy sản khác. Ví dụ so với cá mú đen, thì cá mú lai sức đề kháng cao hơn, ít xảy ra dịch bệnh, thời gian nuôi cũng ngắn hơn từ 2 - 3 tháng. Cụ thể, thời gian nuôi cá mú lai thả giống cỡ 5 - 6 phân đến khi thu hoạch là 10 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 1 con/kg, còn cá mú đen phải nuôi đến từ 12 - 13 tháng.

Đặc biệt, cá mú lai hiện được thị trường ưa chuộng hơn, giá bán cao và ổn định, dao động từ 180 - 280 nghìn đồng/kg, trong khi cá mú đen thấp hơn từ 10 - 20 ngàn đồng/kg, lại tiêu thụ chậm. Và, thời điểm cá mú lai thương phẩm có giá nhất là trong tháng 11 âm lịch hay tháng 12 dương dịch, lúc mà thị trường Trung Quốc ăn mạnh.

Còn nếu so với cá chẽm thì lợi nhuận càng hơn hẳn, trong khi chi phi đầu tư về thức ăn gần như nhau, nhưng giá cá thương phẩm cá chẽm thấp, chỉ từ 60 - 80 ngàn đồng/kg.

Vùng nuôi trồng thủy sản thôn Hiệp Thanh giờ nuôi cá mú lai rất nhiều.

Ông Nguyễn Lựu, một người nuôi cá mú lai ở thôn Hiệp Thanh bộc bạch: Trước đây, tôi nuôi cá chẽm, mỗi năm thả 10.000 con, với chi phí đầu tư thấp, nhất là giá mồi (thức ăn tươi) chỉ 6 - 7 nghìn đồng/kg, nhưng thu hoạch lãi cao nhất chỉ trên dưới 200 triệu đồng là cùng. Nhưng nuôi cá mú lai thì lãi hơn nhiều.

Ông Lựu cho biết, cá mú lai ít xảy ra dịch bệnh. Các bệnh cá thường mắc là bệnh đường ruột và bệnh do ký sinh trùng làm lở loét. Tuy nhiên nếu thường xuyên kiểm tra và phòng bệnh bằng cách bổ sung các loại men vi sinh, cũng như trị bệnh lở loét bằng cách tắm cá với dung dịch Formalin 70-150ppm trong 30-60 phút, sục khí mạnh hoặc tắm cá với dung dịch formalin 25ppm trong 1-2 ngày kèm sục khí mạnh thì không có vấn đề gì lo ngại.
Ưu điểm  nữa đối với con mú lai so với các đối tượng thủy sản khác, là nếu xảy ra dịch bệnh cũng sẽ không thiệt hại hoàn toàn.
Ví dụ thả 10.000 ngàn con, bị thiệt hại đến 80% sản lượng nhưng số còn lại nuôi vẫn có thể lấy được vốn đầu tư.

Do đó, hiện vùng nuôi này không còn ai nuôi cá chẽm, vì chi phí đầu tư, thức ăn tươi ngày càng tăng cao.
 

Nhiều hộ kiếm tiền tỷ

Ông Nguyễn Trung Cân, một trong những người nuôi cá mú lai đầu tiên ở thôn Hiệp Thanh, cho biết, đến nay gia đình ông đã có 5 năm kinh nghiệm nuôi cá mú lai, được chuyển từ diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả.

Các năm trước, mỗi năm ông thả 10.000 con giống (kích cỡ 5 - 6 phân) với giá 3 - 4 ngàn đồng/phân cho diện tích 5 sào. Nhờ nuôi hiệu quả, không xảy dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, giá bán cá ổn định và cao nên mỗi năm ông thu hoạch lãi từ 300 - 500 triệu đồng.

“Cá mú lai dễ nuôi. Thức ăn của chúng đa dạng có thể ăn thực phẩm hoặc thức ăn tươi.

Ưu điểm cá này nhiều khi người nuôi bận rộn quên cho ăn vẫn sống tốt, thậm chí có thể bỏ đói 3 - 4 ngày vẫn không sao.

Đặc biệt cá này ăn khỏe, lớn nhanh, nuôi khoảng 10 tháng đã có thể xuất bán cá thương phẩm.

Thời điểm năm ngoái, giá cá thương phẩm lên đến 270 - 280 nghìn đồng/kg nhiều người nuôi kiếm tiền tỷ.

Như gia đình tôi mặc dù thả 10.000 con, có thể do chất lượng con giống có vấn đề hoặc chăm sóc chưa tốt, hao hụt đến 60%, song doanh thu vẫn đạt 1 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng, rất phấn khởi”, ông Cân chia sẻ.

Còn gia đình ông Nguyễn Lựu cũng chuyển từ diện tích trên 1 ha nuôi cá mú đen sang nuôi cá mú lai khoảng 3 năm nay. Nhờ cá mú lai nhanh lớn, giá bán cao nên kinh tế của gia đình ông ngày càng đi lên.

Ông Lựu cho biết, cá mú lai rất dễ nuôi, sức đề kháng cao và nhanh lớn.

Ông Lựu cho biết, hiện mỗi năm gia đình thả từ 20.000 - 30.000 ngàn con giống, với tỷ lệ hao hụt từ 30 - 40% (tùy ao). Những năm trước giá mồi cho ăn chỉ từ 8 - 12 ngàn đồng/kg, nên mỗi kg cá thương phẩm xuất bán được, chi phí đầu tư của gia đình chỉ mất từ 90 - 100 ngàn đồng/con.

“Như năm ngoái gia đình thả 20.000 con, hao hụt cao đến 50%, nên thu hoạch còn 10 tấn. Với giá bán dao động từ 200 - 280 nghìn đồng/kg, doanh thu gia đình hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí gia đình kiến hơn nửa”, ông Lựu cho biết thêm.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, năm ngoái thả 15.000 con, thu được 8 tấn cá mú thương phẩm. Với giá bán như ông Lựu, sau khi trừ chi phí gia đình ông Dũng cũng kiếm cả tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cho biết, nếu giá cá mú lai ở mức cao từ 250 - 280 nghìn đồng/kg, cùng với việc thả nuôi thuân lợi, hao hụt thấp thì người nuôi kiếm tiền tỷ khá dễ dàng.

Mú lai sống được cả ở độ mặn thấp

Đó là khẳng định người nuôi cá mú lai ở thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông.

Điều này đã được chứng minh, khi thời điểm cuối năm ngoái trên địa bàn xảy ra mưa lớn đã làm độ mặn xuống thấp, chỉ còn 10 phần ngàn. Người nuôi tưởng chừng bị thiệt hại nặng, song cá mú lai vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cá vẫn ăn khỏe.

Theo người nuôi, nếu là đối tượng nuôi thủy sản khác, nhất là cá mú đen đã bị tuột nhớt, chết hàng loạt rồi.


>>Bài 6 - Nuôi cá bớp 'đớp' tiền
>>Bài 5 - Nuôi ốc hương công nghiệp mật độ siêu dày
>>Bài 4 - Sản xuất nhân tạo giống hải sâm quý
>>Bài 3 - Cặp đôi hoàn hảo ốc hương, hải sâm
>>Bài 2 - Đột phá nhân tạo giống cá song vua
>>Bài 1 - Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.