Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận |
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) dẫn báo cáo của Chính phủ đề cập thực trạng chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ.
Sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông... gây ra bức xúc trong dư luận. Theo đại biểu, những thiếu sót này đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước đây , năm nay vấn đề trở lên nóng hơn khi một loạt gian lận thi cử được phát hiện tháng 9 vừa qua.
Đại biểu yêu cầu cơ quan điều hành có giải pháp có tính đột phá, tìm ra mắt xích lỗi trong quá trình vận hành vì những giải pháp được trình bày vãn gần giống các giải pháp đã nêu kỳ họp trước.
Đề nghị tiếp tục thi “2 trong 1”
Giải trình thêm trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích, giáo dục là lĩnh vực tác động tới mọi nhà, mọi người nên được quan tâm nhiều. Ông Nhạ phân trần thêm về 2 nội dung nổi lên trong năm qua là chuyện thi tốt nghiệp THPT quốc gia và vấn đề sách giáo khoa.
Theo ông Nhạ, thi cử là một trong nhiều vấn đề gây chú ý, thậm chí bức xúc của xã hội. Kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức mấy năm qua là hiện chủ trương của Quốc hội về việc tiến tới đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới thi cử. Định hướng đưa ra là tổ chức thi tuyển sinh cao đẳng, đại học và xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội mà vẫn đánh giá đúng năng lực học sinh.
“Quốc hội muốn có kỳ thi đáp ứng những yêu cầu này nên chúng tôi đã nghiên cứu, tổ chức cuộc thi như vậy với những điểm đổi mới có lộ trình. Mục tiêu đề ra là sao để đến 2020, cả nước có một kỳ thi giúp đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông, sau đó để cho các trường cao đẳng, đại học xét tuyển” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích.
Bộ trưởng Giáo dục khẳng định, Bộ đã chuẩn bị kỹ cho cách thức tổ chức thi “2 trong 1”, trong đó ý thức rất sâu sắc rằng, việc chuẩn hoá đề thi là quan trọng. Qua các năm áp dụng, chất lượng đề thi, ra đề đã được cải thiện dần, hoàn thiện hơn.
Ông Nhạ khái quát, với mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, kỳ thì THPT quốc gia đã thể hiện rõ ưu điểm.
Về công tác thanh tra, chấm thi, trước hết là tính khách quan, trung thực thể hiện qua thi cử, Bộ trưởng Giáo dục so sánh, trước đây, cả kỳ thi tốt nghiệp lẫn thi vào cao đẳng, đại học, tình trạng quay cóp rất nhiều, với nhiều điểm nóng về tiêu cực, thiếu trung thực đã từng phát hiện ở Đồi Ngô, Phú Xuyên. Kỳ thi “2 trong 1” với hướng thi trắc nghiệm đã giúp hạn chế nhiều tình trạng đó.
“Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực thì vẫn luôn có. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đúng là năm bộc lộ các vấn đề về tính trung thực và chúng tôi sẽ phải xử lý, khắc phục” – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.
Theo đó, khi tiêu cực nổ ra tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình nổ ra, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ và cùng Bộ cCng an vào cuộc điều tra ngay, coi là việc phải làm rõ ràng, xác định đối tượng nào sai làm đến đâu phải xử lý nghiêm minh đến đó.
Hiện đã xác định 151 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi, điểm số không trung thực. Theo Bộ trưởng Nhạ, tới đây Bộ sẽ rà soát, làm tiếp với tinh thần “sai là phải sửa”.
Ông Nhạ quả quyết: “Cá nhân tôi với tư cách Bộ trưởng, tôi phản đối các biểu hiện tiêu cực và quyết xử lý đến cùng các sai phạm”.
Một bộ sách quản lý còn phức tạp, nhiều bộ sách thì sao?
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Độc quyền sách giáo khoa là do nhà nước giao" |
Khái quát chung về cách thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ trưởng khẳng định, quy trình thi là chặt chẽ, đầy đủ nhưng một số khâu như chuẩn hoá đề thi, ra đề, chấm thi cần phải cải thiện hơn. Bộ sẽ học tập kinh nghiệm của các nước đã xây dựng được kỳ thi nề nếp để làm ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá tốt hơn.
Bộ xác định tới đây phải làm sao tăng chất lượng đề thi sao để phân cấp được, đánh giá được chất lượng học sinh hổ thông. Kỳ thi này cũng sẽ là cơ sở cho các trường cao đẳng, đại học sử dụng để tuyển sinh. Qua một vài năm áp dụng, càng ngày, các trường càng sử dụng tốt hơn kết quả kỳ thi này để lựa chọn sinh viên, tiến dần tới việc khắc phục tình trạng ít năm trước là 8 điểm 3 môn cũng đỗ đại học, nhất là học ngành sư phạm. Hiện nay điểm tuyển sinh ngành sư phạm đã cao hơn nhiều.
Ngoài ra, tư lệnh ngành giáo dục giải thích, việc mã hoá code đề thi hiện nay cũng là điểm sơ hở giúp cho những người có kỹ năng về vấn đề này lợi dụng, khai thác. Đó là điểm cần rút kinh nghiệm. Bộ Giáo dục cũng đã kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân trong vấn đề này.
“Tóm lại, cần kiên trì đổi mới, khắc phục hạn chế của cách thi “2 trong 1”. Bộ Giáo dục đề nghị sang năm tiếp tục thi như này. Hướng khắc phục là xây dựng đề thi bám sát kiến thức phổ thông, trong đó có những nhóm đề cần thiết phục vụ việc xét tuyển đầu vào cho bậc học trên. Như thế, kết quả thi vừa có thể sử dụng tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển cao đẳng, đại học” – ông Nhạ nêu quan điểm.
Vấn đề thứ hai Bộ trưởng GD-ĐT phân trần là về sách giáo khoa. Ông cũng viện dẫn Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kết luận cần có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn. Theo định hướng đó, Bộ đã tổ chức việc biên soạn bộ sách và giao việc biên tập, chỉnh lý, in ấn, phát hành cho Nhà xuất bản giáo dục.
“Việc độc quyền như dư luận đề vập ở đây là theo hướng nhà nước giao cho một nhà xuất bản làm sách giáo khoa” – ông Nhạ khẳng định, ưu điểm của việc xây dựng bộ sách này là chương trình dạy học được thống nhất, ổn định trong cả nước.
Nhưng một bộ sách cũng có những hạn chế như thầy cô dựa vào sách giáo khoa, dạy dập khuôn, máy móc. Chỉ làm một bột sách thì cũng chưa khai thác được hết trí tuệ của xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giáo viên cũng không còn không gian sáng tạo trong xây dựng giáo án.
Bộ trưởng cũng chia sẻ lo ngại: “Một bộ sách mà như vừa rồi việc quản lý còn rất phức tạp thì tới đây, việc có nhiều bộ sách có thể dẫn tới trình độ không đồng đều giữa học sinh các địa phương, vùng miền. Vậy nên trong Nghị quyết 88 vừa qua (năm 2014), Quốc hội vẫn giao Bộ Giáo dục xây dựng một bộ sách “mẫu” và khuyến khích các tổ chức tham gia làm sách, nhà nước không độc quyền”.
Vấn đề sách giáo khoa gây lãng phí mỗi năm cả ngàn tỷ đồng vì có thiết kế các phần bài tập để học sinh viết trực tiếp lên, Bộ trưởng Giáo dục dẫn lại hướng dẫn để hạn chế học sinh viết vào sách, giống như hướng dẫn chi tiết về vệc tổ chức lễ chào cờ, vệ sinh trường lớp học… Tuy nhiên, vì đây chỉ là hướng dẫn chứ không phải “cấm” nên việc thực hiện không đượ triệt để. Bộ sẽ chỉ đạo để khắc phục hạn chế này, giảm thiết kế những bài vẽ, tô, viết… vào sách để giảm sự lãng phí.