
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cùng Ban tổ chức thực hiện nghi lễ cắt băng khai mạc Hội chợ VietShrimp 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngày 26/3, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp Hội Thủy sản Việt Nam giao Tạp chí Thủy sản Việt Nam và các đơn vị tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025).
Hội chợ VietShrimp 2025 thu hút trên 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Hội chợ diễn ra trong 3 ngày từ 26-28/3/2025.
Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra 4 phiên hội thảo với các chủ đề như phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam; nuôi tôm giảm phát thải; phát triển chuỗi cung ứng ngành tôm; tăng công nghệ, giảm chi phí trong nuôi tôm với sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu ngành thủy sản, các doanh nghiệp, cộng đồng người nuôi tôm…
TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2025 cho biết: “Xanh hóa vùng nuôi” là chủ đề của Hội chợ VietShrimp 2025. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cùng ngồi lại tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững.
Điều này vừa đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của ngành thủy sản, vừa đảm bảo sinh kế lâu bền của người nông dân, đồng thời giúp tôm Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tôm toàn cầu. Bởi các mô hình sản xuất xanh đang là một lợi thế lớn của ngành tôm nước ta.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ VietShrimp 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Cả nước hiện có hơn 750.000 ha nuôi tôm, trong đó trên 200.000 ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp, như tôm - rừng, tôm - lúa. Trong đó, có hàng chục nghìn ha tôm nuôi theo hướng này được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã tỏ rõ những ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính.
Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cũng cho biết, nghề nuôi tôm đang ngày càng phát triển và đóng vai trò nhất định góp phần trong phát triển ngành nông nghiệp nước nhà. Con tôm đem lại giá trị kinh tế cao không chỉ cho người nuôi tôm mà còn cho nền kinh tế đất nước.
Theo số liệu thống kê, năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 284.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 980.000 tấn, mang về kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2023.
“Sản xuất xanh” trong nuôi tôm cũng là chủ đề mà ngành nuôi trồng thủy hải sản đang hướng đến lúc này. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển của Đảng, cam kết của Chính phủ cũng như hành động của ngành nông nghiệp và môi trường trong định hướng phát triển kinh tế xanh.

Hội chợ VietShrimp 2025 được tổ chức tại TP Cần Thơ thu hút 200 gian hàng, diễn ra từ 26-28/3/2025 với chủ đề “Xanh hóa ngành tôm”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ở góc độ địa phương tổ chức Hội chợ VietShrimp 202, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2030, Cần Thơ định hướng phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, sức cạnh tranh cao, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ về thủy sản, đặc biệt là trung tâm sản xuất con giống thủy sản chủ lực chất lượng cao. Đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Hội chợ là dịp để các bên cùng trao đổi thảo luận để tìm ra giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững của ngành tôm, nhất là với xu hướng sản xuất xanh của ngành thủy sản. Đây là lần thứ 3 Hội chợ VietShrimp được tổ chức tại TP Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, nhận định: Trong suốt hai thập kỷ qua, ngành tôm luôn giữ một vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Cộng đồng ngành tôm đã nỗ lực không ngừng để con tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia cung cấp tôm hàng đầu thế giới. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 750.000 ha nuôi tôm, trong đó trên 200.000 ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp, như tôm - rừng, tôm - lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành tôm đang bước vào một giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khâu nuôi, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp tiết kiệm.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế và đạt được chứng nhận ASC, GlobalGAP, BAP. Cùng với đó, việc sử dụng thức ăn cho tôm đã và đang được cải thiện theo hướng ít phát thải carbon, tăng tính thân thiện với môi trường. Hiện nay, mục tiêu ngành tôm hướng đến không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn ưu tiên chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng bền vững.
Đây chính là chìa khóa để con tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Với sức mạnh đồng lòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tin tưởng năm 2025, cộng đồng ngành hàng tôm sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra với diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 1,3 - 1,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD.

Ông Võ Thanh Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Aqua - Vina (ảnh trái) tư vấn sản phẩm thuốc thú y, thủy sản cho khách hàng tại Hội chợ Vietshrimp 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đặc biệt, Hội chợ Vietshrimp 2025 lần này thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước và có những chuỗi hội thảo chuyên đề bàn về những vấn đề lớn của ngành tôm, nhất là xu hướng sản xuất xanh. Đồng thời có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, dinh dưỡng, công nghệ, chế biến… sẽ có nhiều giao thương kết nối, tìm hiểu, chia sẻ về ngành thủy sản Việt Nam nói chung và con tôm nói riêng.