| Hotline: 0983.970.780

Bọ xít đen hại lúa và cách phòng trị

Thứ Hai 09/03/2009 , 08:00 (GMT+7)

Lúa đông xuân 2008-2009 ở chỗ chúng tôi đang bị bọ xít đen gây hại rất nhiều. Xin được nói rõ về con bọ xít này và phải làm gì để phòng trị chúng?

Hỏi: Lúa đông xuân 2008-2009 ở chỗ chúng tôi đang bị bọ xít đen gây hại rất nhiều. Cây lúa bị vàng, nếu nặng có thể làm cho cả cây lúa bị khô cháy. Xin được nói rõ về con bọ xít này và phải làm gì để phòng trị chúng?

Nguyễn Đình Miền và một số nông dân ở Hải Lăng (Quảng Trị)

Trả lời: Bọ xít đen (Scotinophora sp.), thuộc họ Bọ xít (Pentatomidae), Bộ cánh nửa (Hemiptera). Trước đây ở các tỉnh phía Nam loài bọ xít này chỉ xuất hiện rải rác và gây hại không đáng kể, nhưng những năm gần đây chúng xuất hiện và gây hại nhiều hơn, trên các giống lúa mùa cũng như các giống lúa ngắn ngày. Thực tế đồng ruộng cho thấy những giống nào không kháng được rầy nâu, thì thường là những giống bị bọ xít đen gây hại nhiều hơn những giống khác.

Con trưởng thành của loài bọ xít này dài khoảng 8-10 mm, chiều rộng cơ thể khoảng 5-6 mm, có mầu đen hoặc nâu đen. Nếu bị khua động chúng thường tiết ra mùi hôi để tự vệ. Ban ngày ẩn náu dưới gốc lúa (nếu ruộng khô chúng chui xuống các lỗ nẻ hoặc nấp trong rễ lúa). Chúng có thể lặn sâu trong nước ruộng để lẩn trốn nhờ các bọt không khí bám quanh lớp da không thấm nước. Bọ xít đen rất thích ánh sáng đèn, nên ban đêm thường thấy chúng bay vào những bóng đèn thắp gần khu vực trồng lúa, nhất là ở những vùng, những ruộng lúa vừa được gặt (do không còn chỗ trú ẩn).

Một con trưởng thành cái có thể đẻ vài trăm trứng (trung bình khoảng 200 quả). Trứng hình trụ (giống cái trống), mầu hồng hơi xanh. Trứng được đẻ thành từng ổ trên bẹ lá, phiến lá (kể cả lá khô) nằm gần mặt nước ruộng. Mỗi ổ trứng khoảng 15-20 quả, thường được xếp thành 3-4 hàng. Trứng có thể bị ung (không nở), nếu bị ngâm trong nước khoảng một ngày đêm. Giai đoạn trứng kéo dài 4-5 ngày.

Con ấu trùng có hình bầu dục, mới nở kích thước cơ thể khoảng 1-2 mm, mầu nâu đỏ, chưa có cánh, di chuyển chậm chạp. Khi lớn có mầu tro nâu. Thời gian ấu trùng kéo dài khoảng một tháng.

Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều bu bám ở phần gốc của cây lúa (gần mặt đất hoặc mặt nước) để chích hút nhựa. Để lại những đốm mầu vàng, làm cho lá chân của cây lúa bị vàng dần. Nếu bị hại nhẹ, cây lúa sinh trưởng và phát triển kém, nếu bị hại nặng cây lúa có thể bị khô héo, chết từng khóm, từng chòm (giống như bị cháy rầy). Ở thời kì trỗ, nếu bị hại nặng hạt lúa có thể bị lép, hoặc bạc trắng, gây thất thu năng suất rất nhiều.

Để hạn chế tác hại của bọ xít đen, các bạn phải tiến hành kết hợp một số biện pháp sau:

- Cuối mỗi vụ lúa hoặc trước khi xuống giống vụ sau, cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, tiêu diệt hết lúa chét, cỏ dại (nhất là cỏ mồm, cỏ bắc, cỏ đuôi chồn… là những kí chủ phụ của bọ xít), đốt hết gốc rạ vụ trước để tiêu diệt bọ xít, không cho chúng sống sót, sinh sản lan truyền cho vụ sau.

- Không nên gieo sạ quá dầy, nên sạ khoảng 100-120 kg giống cho một ha là vừa (nếu sạ hàng chỉ cần khoảng 70-80 kg).

- Cần bón cân đối hợp lý giữa đạm, lân và kali. Không nên bón quá nhiều đạm để hạn chế chồi vô hiệu. Diệt sạch sẽ cỏ dại để ruộng lúa luôn thông thoáng, giảm bớt điều kiện thuận lợi cho bọ xít phát sinh, phát triển.

- Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời. Do bọ xít đen thường tập trung ở phần gốc của cây lúa, vì thế khi đi kiểm tra các bạn phải lội hẳn xuống ruộng kiểm tra kỹ từng bụi lúa (giống như kiểm tra rầy nâu) thì mới có thể phát hiện sớm từ khi mật độ bọ còn thấp. Kinh nghiệm của một số nông dân Long An là khi thấy bọ xít đen bay vào đèn, hoặc chớm thấy lá bị vàng ngọn hoặc lá chân bị rủ thì phải kiểm tra bọ xít ngay.

Khi phát hiện có bọ xít trên ruộng, nếu ruộng chủ động nước các bạn có thể bơm nước cao khoảng 15-20 cm, rồi giữ mực nước này khoảng 2 ngày, để ổ trứng bị ngập, trứng sẽ bị ung không nở được. Sau đó rút cạn bớt nước (chỉ để còn khoảng vài cm) rồi rải thuốc hột như: Virigent 0.3G; Sago-Super 3G; Vicarp 4H; Diaphos 10G...

Cũng có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Vifast 10SC; Bifentox 30ND; Vibasa 50ND; Sherzol 205EC…

Nhớ xịt trực tiếp xuống gốc lúa, nơi bọ xít đang bu bám và gây hại.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.