An Giang đang triển khai Đề án cá tra 3 cấp, do Tập đoàn Nam Việt cùng các DN hạt nhân trong ngành hàng cá tra của Việt Nam tiên phong ứng dụng công nghệ cao, đầu tư qui mô lớn và sẵn sàng chia sẻ với các hộ nuôi cá tra trong vùng. Đây được xem là mô hình mẫu, thực hiện chuỗi liên kết SX từ ao nuôi đến nhà máy chế biến xuất khẩu được Bộ NN-PTNT đánh giá cao.
Dự án nuôi cá tra có quy mô 600 ha với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được triển khai trên 3 ấp Bình Đức, Bình Quới, Bình Thới thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang). Trên tổng thể dự án được chia thành 2 khu. Khu SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150 ha với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, mỗi năm SX khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Nam Việt và số dư sẽ cung cấp ra thị trường. Khu công nghệ cao nuôi cá tra thương phẩm với 450 ha có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, mỗi năm SX 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Toàn bộ vùng nuôi đầu tư trang thiết bị hiện đại, trong đó công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture (“Back to the nature” - trở về với thiên nhiên) để xử lý nước trong ao nuôi. Với công nghệ này, toàn bộ diện tích nuôi cá tra ở Bình Phú không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay.
Vừa qua, tôm, cá tra chịu tác động khách quan nặng nề như thiên tai, dịch bệnh... khiến sự kết nối khó chặt chẽ. Bởi tác động khách quan xảy ra ở một mắc xích sẽ ảnh hưởng toàn chuỗi. Thí dụ dịch bệnh, giảm nuôi dẫn tới cơ sở làm con giống, thức ăn bể kế hoạch. Còn nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu, không giao hàng theo ký kết đúng hạn... Ngoài ra còn bị tác động yếu tố khó kiểm soát như sức cung của các cường quốc tôm, sức cầu tiêu dùng... nên chuỗi cá tôm đứt gãy, cũng là điều bình thường.
Vậy giải pháp nào để chuỗi hoạt động bền vững? Cái khó là mày mò giải pháp khả thi, hiệu quả. Hành lang pháp lý và ý thức chủ thể tham gia chuỗi đều còn khiếm khuyết. Các chủ thể tham gia chuỗi là bình đẳng nhưng cần một mắt xích (chủ thể) dẫn dắt mới có thể điều chỉnh hành vi các chủ thể (mắt xích) thống nhất, cùng một phía. Chủ thể đó là đầu ra sản phẩm, là cơ sở chế biến. Chủ thể phải thật sự lớn mạnh mới đảm nhận được vai trò dẫn dắt.
Hiện nay tôm, cá tra đã có DN chế biến lớn, nhưng chưa nhiều nên chưa thể hiện được tính dẫn dắt này. Thiết nghĩ sự vận động trong kinh doanh sẽ hình thành thêm nhiều DN lớn trong tương lai. Chính họ (các DN, nhà máy chế biến – PV) cũng hết sức cần thiết có nguyên liệu được kiểm soát suốt quá trình hình thành. Tôm, cá sản xuất theo chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu này.
Đến nay An Giang có diện tích mặt nước nuôi cá tra thương phẩm là 1.226 ha, có hơn 6.580 hộ nuôi thủy sản, diện tích vùng nuôi khoảng 3.400 ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 477 ha, chiếm 39% diện tích nuôi cá tra (trong đó tiêu chuẩn ASC 91 ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 386 ha), sản lượng 148.000 tấn/năm.
Tỉnh đã hình thành 3 chuỗi liên kết SX giống cá tra 3 cấp có sự tham gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh SX cá tra bột (cấp 2) và cấp 3 chi hội ương giống cá tra. Hàng năm SX, cung cấp khoảng 4,5-5 tỷ cá tra bột và khoảng 500-600 triệu cá tra giống.
Đến nay, chuỗi liên kết giống cá tra đã SX được 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Chất lượng cá tra bột được đánh giá có chất lượng tốt hơn cá tra bột SX ngoài chuỗi liên kết: kích thước cá bột lớn hơn, tỷ lệ sống cá ương 15 ngày tuổi cao hơn…