| Hotline: 0983.970.780

Liên bộ họp khẩn với các tỉnh Bắc Trung bộ vụ cá chết bất thường

Thứ Bảy 23/04/2016 , 19:40 (GMT+7)

Chiều 23/4, liên bộ NN-PTNT, TN-MT đã có buổi họp khẩn với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế để bàn giải pháp khắc phục hiện tượng cá chết bất thường.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám khuyến cáo các địa phương căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn người dân chủ động sản xuất, khai thác

Liên quan đến vụ việc những ngày gần đây hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè và cá tự nhiên, tôm, ngao... chết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Chiều 23/4, liên bộ NN-PTNT, TN-MT đã có buổi họp khẩn với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế để bàn giải pháp khắc phục.

Khuyến cáo dừng hoạt động khai thác gần bờ

13h35: Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ NTTS (Bộ NN – PTNT) khai mạc cuộc họp. Chủ trì cuộc họp gồm ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Tham dự còn có, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT; ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo các cục, viện liên quan và Sở NN-PTNT các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, việc tổ chức cuộc họp cực kỳ quan trọng và gấp gáp nhằm đánh giá đúng tình hình thủy sản ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ chết chưa rõ nguyên nhân thời gian qua.

Với tinh thần trên cuộc họp hôm nay như cuộc giao ban ngành nông nghiệp. Nếu chờ địa phương báo cáo thì sẽ chậm. Bây giờ vấn đề này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nên chúng tôi tổ chức cuộc họp này để đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp xử lý, tránh gây hoang mang cho người dân.

13h45: Ông Như Văn Cẩn báo cáo tóm tắt diễn biến tình hình cá chết từ đầu tháng 4 đến nay. Theo đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu xuất hiện ngày 6/4 tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh. Tổng thiệt hại tại các đầm nuôi đến thời điểm này ước khoảng 4,71 tỷ đồng.

Hiện tượng cá chết tại tỉnh Quảng Bình xuất hiện từ 14 – 16/4, ở bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, sau đó lan rộng xuống các xã phía Nam.


Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế kiến nghị kiểm tra thêm hoạt động của tàu thuyền hoạt động trên biển

Đặc biệt, ngày 14/4, cá tự nhiên chết nhiều trôi dạt vào bờ, chủ yếu là các đối tượng sống ở tầng đáy như cá phèn, cá đục, cá liệt, cá hanh, cá ba sọc; ngoài ra một số nhà hàng ven biển sông Nhật Lệ có hiện tượng cá chết rải rác tại các lồng nuôi.

Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè, cá biển chết hàng loạt ngay sau đó.

Thông qua kết quả quan trắc môi trường ở các tỉnh cho thấy, hiện tượng cá chết không có dấu hiệu chết do bệnh lý; một số chỉ tiêu khác về môi trường nước đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, có 3/6 mẫu quan trắc vượt quy chuẩn cho phép nhưng chỉ mang tính cục bộ.

Ông Cẩn khẳng định, việc cá chết bất thường thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống ngư dân.

13h55: Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ trưởng Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho hay, mặc dù chưa hoàn thành chuyến đi kiểm tra, thu mẫu xét nghiệm nhưng do tính cấp bách của cuộc họp nên bà đã đến Hà Tĩnh để báo cáo tình hình.

Hiện đoàn đã thu mẫu xong ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, sắp tới tiếp tục lấy mẫu ở Hà Tĩnh. Qua khảo sát, đoàn công tác Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản xác định hiện tượng cá chết chủ yếu ở tầng đáy và đều chết rất nhanh.

14h15: Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình khẳng định, tình trạng cá biển chết ảnh hưởng rất lớn kinh tế, xã hội của địa phương.

Chợ Quảng Bình không bán cá biển, tàu xa bờ đánh bắt về không tiêu thụ được, một số tàu xa khơi phải đem cá vào Đà Nẵng bán nhưng giá rất rẻ mạt, ví dụ như cá ngừ, trước bán giá 80.000đ/kg nay giảm xuống còn 40.000đ/kg. Tàu ven bờ không hoạt động được từ đó đến giờ; ngoài ra, ngành du lịch cũng ảnh hưởng lớn. Nếu không tìm ra nguyên nhân sớm thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế chung của tỉnh.


Buổi làm việc thu hút sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí 

Ngày 14/4 Sở NN-PTNT đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ NN – PTNT; TN-MT đề nghị làm rõ nguyên nhân.

14h20: Đại diện Sở NN-PTN tỉnh Quảng Trị cho biết, các sở ngành, địa phương liên quan đã khuyến cáo như dân không lấy nước vào các hồ nuôi tôm.; tập trung xử lý cá, không sử dụng làm thực phẩm, chăn nuôi hay lưu lại làm nước mắm...

Các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm tìm ra độc tố đó là gì. Bởi chúng ta không biết độc tố này chôn thế nào, quy trình ra sao, gần bờ hay xa bờ nên cực kỳ đáng lo ngại.

Tại Quảng Trị đến thời điểm này vẫn còn hiện tượng cá chết. Còn kết quả quan trắc, xét nghiệm đều giống Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Ý kiến được quan tâm nhất là ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế. Ông Hùng nói rằng đặt dấu chấm hỏi, tại sao cá không chết bắt đầu từ Nghệ An, Đà Nẵng mà lại ở Hà Tĩnh – nơi có nhiều Khu cong nghiệp. Như vậy, cá chết chắc chắn do nhiễm độc. Tuy nhiên, việc tìm nguyên nhân ngoài các khu công nghiệp không thể loại trừ những chiếc tàu đang hoạt động trên biển.

Tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Trung ương nên có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng, động viên dân bám biển. Đồng thời, cần đánh giá lại tình hình hoạt động các tàu đáng cá và GTVT trên vùng biển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế để nhận định thêm nguyên nhân khác, chứ như hiện nay cá tầng đáy cũng chết thì không có con gì có thể sống.

15h: Đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định qua mổ, khám lâm sàng, xét nghiệm các mẫu cá ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều không phát hiện dấu hiệu bệnh lý.

Đường ống xả thải ngầm của Formosa có phép

15h15: Ông Lê Trần Nguyên Hùng đề nghị, cần quan trắc môi trường nước quanh khu vực  định kỳ, thường xuyên để các thông số đảm bảo liên tục, người dân nắm bắt chủ động sản xuất.

Ý kiến của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đều cho rằng không thể dừng sản xuất được. Nhưng để đảm bảo an toàn, Quảng Bình sẽ tạm dừng khai thác ven bờ, khai thác xa bờ vẫn tiếp tục.

“Ngư dân đi sản xuất nhiều ít, được hay không phụ thuộc vào người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng quay lưng lại dân sẽ không thể ra khơi”, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình nói.

15h30: Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, đường ống xả thải ngầm dưới biển mà báo chí đưa tin người dân phát hiện ra không phải họ lén chôn mà công khai, đã được sự cho phép của Bộ TN-MT. Việc xử lý nước thải có thiết kế đường ống trong bờ ra biển, khi họ xử lý nước thải đảm bảo thì được phép xả ra. Do đó, các cơ quan báo chí cần đưa thông tin khách quan, tránh gây hoang mang cho người dân.


Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, đường ống xả thải khổng lồ ở Formosa có phép

Đối với hiện tượng cá chết Bộ TN-MT đã giao Tổng cục môi trường phối hợp các địa phương tìm hiểu nguyên nhân, có giải pháp xử lý.

15h40: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám kết luận, đây là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng cá biển tầng đáy và cá nuôi lồng bè chết đồng loạt, bất thường, ảnh hưởng lến đến sản xuất của bà con ngư dân. Vấn đề này cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bước đầu các cơ quan chức năng đã nhận định được nguyên nhân có khả năng tác động đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác là gì thì cần có thời gian phân tích nhưng Bộ NN-PTNT chắc chắn không phải do dịch bệnh nguy hiểm. Thứ hai các chỉ số môi trường nước đảm bảo trong NTTS, qua phân tích mẫu những chỉ này không có gì bất thường.

Do đó, nguyên nhân cuối cùng là độc tố thì NN-PTNT sẽ cùng Bộ TN-MT, các các cơ quan liên quan tìm hiểu. Trách nhiệm Bộ NN-PTNT là xét nghiệm các yếu tố sinh học, kiểm tra tảo độc và các yếu tố sinh học khác liên quan.

Bộ NN-PTNT đã lấy mẫu, sẽ độc lập kiểm nghiệm, khi có kết quả sẽ cung cấp cho Bộ TN-MT công bố. Bộ NN-PTNT cam kết sẽ làm hết trách nhiệm. Chúng tôi cũng mong Bộ TN-MT sớm tìm ra nguyên nhân, công bố cho công chúng biết.

Từ thực trạng trên, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo công văn 3179, ngày 21/4/2016 của Bộ NN-PTNT và các chỉ đạo khác từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi trồng chủ động sản xuất, khai thác. Tất nhiên phải tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân được sử dụng sản phẩm thủy hải sản an toàn. Không vì sự việc này làm gián đoạn sản xuất, khai thác.

Về vấn đề nuôi trồng, các tỉnh cũng căn cứ kết quả quan trắc môi trường hướng dẫn người dân lấy nước thả giống.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho rằng, vì chưa loại trừ độc chất trong môi trường nên chưa biết độc chất này sẽ phát tán lúc nào. Do đó, cần chỉ đạo các địa phương có hiện tượng cá chết tạm dừng khai thác tàu nhỏ ven bờ.

Ngư trường xa bờ bà con có thể tiếp tục hoạt động, nhưng để đảm bảo ATTP nên có kiểm định nhanh để đánh giá chất lượng sản phẩm khai thác của các đội tàu xa bờ khai thác vùng biển từ Hà Tĩnh đến Huế.

Đối với đội tàu xa bờ mà sử dụng lưới rê, kéo đáy, bẫy khai thác tầng đáy cũng nên thận trọng, tạm thời di chuyển đến vùng biển khác để khai thác.

 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.