| Hotline: 0983.970.780

Cá Hề và giai thoại "tứ đại đồng đường"

Thứ Năm 19/03/2009 , 08:00 (GMT+7)

Cá Hề là tên gọi nôm na của các loài cá Khoang cổ. Chúng không thuộc loại quý hiếm, không đắt tiền nhưng một bể CCB không thể thiếu một vài chú cá Hề...

Cá Hề là tên gọi nôm na của các loài cá Khoang cổ. Chúng không thuộc loại quý hiếm, không đắt tiền nhưng một bể CCB không thể thiếu một vài chú cá Hề bởi chúng có màu sắc sặc sỡ, nấp trong bụi Hải quỳ tạo nên một sự kết hợp sinh động và đẹp mắt.

Có thể nói chưa có con CCB nào lại “nổi tiếng” và có nhiều “giai thoại” như cá Hề, nhất là sau khi phim hoạt hình “Finding Nemo” (Đi tìm Nemo) được công chiếu năm 2003...

>> Nuôi kinh doanh cá biển: Nghề mới ở Khánh Hòa

Vì sao chúng lại có tên là cá Hề? Bởi ngoài bộ cánh sọc sặc sỡ như những chú hề, chúng còn rất “vui tính”. Những con nhỏ hầu như không bao giờ bơi chậm hoặc đứng yên. Chốc chốc chúng lại ngúc ngắc cái đầu theo chiều dọc. Trông chúng cứ nhô lên, trụt xuống liên hồi cứ như đang muốn chọc cười ai đó. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Liege Bỉ thì cử chỉ này chính là phương cách giao tiếp của cá Hề. Đặc biệt là khi muốn thể hiện “tình yêu” với “bạn gái” hoặc sự tức giận, “ghen tuông” với kẻ xâm lăng. Trong lúc giao tiếp chúng phát ra 5 tiếng lách cách mỗi giây và tiếng kêu này phóng to lên nghe như tiếng gõ cửa hoặc tiếng hai hàm răng va vào nhau khi rét.

Nhắc đến cá Hề không thể không nhắc đến Hải quỳ. Sống cộng sinh với Hải quỳ là một khả năng đặc biệt của cá Hề. Hải quỳ được xem như là “tổ ấm” của cá Hề. Trong khi xúc tu của Hải quỳ có thể gây tê liệt cho các loài cá khác thì cá Hề lại thường nằm trên cơ thể Hải quỳ và sử dụng một phần chất dinh dưỡng từ những xúc tu của Hải quỳ. Cá Hề cùng “chia sẻ” nguồn thức ăn với Hải quỳ, ngược lại Hải quỳ dùng xúc tu gây tê liệt làm vũ khí chống lại kẻ địch cho cá Hề. Trong môi trường tự nhiên, cá Hề khó có thể tồn tại và sinh sôi nếu không có Hải quỳ. Vì vậy mới có giai thoại cá Hề có thể tìm đường về nhà, bởi ngay sau khi rời tổ vì bất cứ lý do gì, chúng đều phải tìm về tổ Hải quỳ để ẩn nấp, nếu không muốn bị ăn thịt.

Cá Hề thuộc nhóm cá lưỡng tính với giới tính đực có trước. Điều này có nghĩa là tất cả các cá Hề nhỏ đều là con đực, đến một kích thước nào đó và gặp điều kiện thích hợp thì chúng sẽ chuyển giới tính thành cá cái. Ví như khi con cái bị chết hoặc biến mất vì một lý do nào đó, con đực thành thục sinh dục lớn nhất trong đàn sẽ chuyển đổi giới tính để trở thành con cái. Con đực lớn thứ hai sẽ nhanh chóng phát triển thành con đực thành thục sinh dục và kết cặp với con cái đó. Theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học, trong 1 tổ cá Hề, chỉ có 1 con cái duy nhất và là con lớn nhất làm “nữ hoàng” cai trị. Ngay sau khi “nữ hoàng băng hà” thì con đực lớn nhất sẽ nhanh chóng biến thành cá cái để lên ngôi “nữ hoàng”. Vì vậy có thể nói cá Hề rất “tôn thờ” “phụ nữ” và đặc biệt “thích” chuyển đổi giới tính để được thành “phụ nữ”(!).

Nuôi cá Hề thương phẩm – cơ hội mới

Từ những năm 80, nhiều nước trên thế giới đã cho sinh sản thành công các giống cá Hề. Ở nước ta, cá Hề là đối tượng CCB đầu tiên được tập trung nghiên cứu từ năm 1999. Viện Hải Dương học Nha Trang đã thành công trong việc nghiên cứu hoàn thiện qui trình sản xuất giống và nuôi thương mại cá Khoang cổ đỏ (Hề đỏ cà chua).

Hiệu quả kinh tế trong một năm sản xuất là thu về 10.000 con cá thương phẩm, giá trị 188 triệu đồng, trừ tổng chi phí sản xuất gần 90 triệu, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng/năm (với 10 cặp bố mẹ). Qui trình sản xuất giống và nuôi thương mại loài cá Khoang cổ đỏ sẽ được chuyển giao đến người nuôi trong năm nay, có thể sản xuất đại trà ở qui mô nhỏ (10.000 con cá thương mại/năm) tại các trại tôm post vùng ven biển miền Trung.

Nhắc đến cá Hề là gắn với giai thoại Tứ đại đồng đường? Những chủ vựa CCB ở Nha Trang đã kể cho tôi nghe về “giai thoại” cảm động này. Ông Phạm Văn Ban và cả những người thợ lặn ở đây quả quyết rằng, họ đã từng gặp 1 tổ cá Hề khoảng trên dưới 20 con từ lớn đến bé. Con lớn nhất dài gần gang tay người, con nhỏ nhất chỉ bằng đốt ngón tay. Dường như đó là một đại gia đình “tứ đại đồng đường” gồm cả ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt… Ông Ban kể rằng, đã không ít lần lặn tại vịnh Nha Trang ông đã “bứng” cả một tổ đại gia đình cá Hề.

Cá Hề đầu đàn rất hung hăng với kẻ xâm lăng. Thấy thợ lặn, con đầu đàn liền xông ra, và những con khác cũng nhất loạt tấn công. Theo nghiên cứu của Thạc sỹ Hà Lê Thị Lộc, Viện Hải dương học Nha Trang, cá Hề rất “chung tình”. Con đực luôn luôn ở bên cạnh con cái. Con đực đảm nhận việc chọn địa điểm, dọn sạch rong tảo và rác bẩn bằng miệng để tạo nên “tổ ấm”. Trật tự trong đại gia đình cá Hề được “thu xếp” rất chặt chẽ, con cá nhỏ sẽ luôn ép xác để không lớn bằng con lớn khác trong tổ, kiểu “xếp hàng”. Và khi con đầu đàn chết, hoặc biến mất, con lớn nhì sẽ lớn nhanh như thổi để có thể thay vị trí. Đây là lời giải thích vì sao cá hề có thể sống “tứ đại đồng đường”.

Được biết, hiện nay đối tượng cá Hề Nemo, vốn chỉ nhập khẩu, cũng đã được Phòng công nghệ nuôi trồng - Viện Hải dương học Nha Trang thử nghiệm sinh sản nhân tạo thành công, kết quả này sẽ làm tiền đề cho những nghiên cứu khác đối với các loài CCB có giá trị như cá Thiên Thần Hoàng Đế (Pomacentridae), Hà Mỹ Nhân (Centrophyge bicolor ), v.v.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Quảng Bình khống chế được dịch tả lợn Châu Phi

Những ngày cận Tết, người chăn nuôi lợn tại Quảng Bình đỡ lo khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.