Năm 2023, ông Nguyễn Văn Quân thuê 7ha đất tại thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trồng chuối mật mốc. Sau khi làm đất, ông Quân vào các tỉnh miền Nam mua giống cây nuôi cấy mô về trồng, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động.
Thời gian đầu, cây chuối phát triển tốt. Tuy nhiên, sau đó có 2,5ha xuất hiện tình trạng vàng, rũ lá, cây phát triển chậm dần. Cây chuối vẫn trổ hoa, ra buồng nhưng thân và lá khô dần, buồng nhỏ, giữa thân cây chuối xuất hiện những chấm đen to, mùi thối.
Ông Quân đã nhiều lần sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị, diệt nấm và vi khuẩn. Hiện tượng bệnh có giảm nhưng sau đó lại tái phát khiến vườn chuối lụi tàn. Đến giữa tháng Chạp năm nay, thời điểm các vườn chuối trong vùng chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên Đán thì ông Quân có nguy cơ không thu được đồng nào.
Theo tính toán của ông Quân, 2,5ha chuối mật mốc này ông đầu tư hết khoảng 600 triệu đồng từ giống, phân bón, trồng và chăm sóc. Nếu thuận lợi, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ ông có thể thu về khoảng 450 triệu đồng. Tuy nhiên giờ đây, gần như cả vườn chuối sẽ không thu được buồng nào. Điều khiến ông Quân lo lắng nhất là tình trạng này đã lây lan nhanh sang những vườn chuối bên cạnh.
“Bệnh xuất hiện và nặng hơn khi cây chuối trổ hoa, ra buồng. Những vườn của tôi trồng vào đợt sau hiện cũng đã có một số cây xuất hiện tình trạng vàng lá, khô vỏ. Tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị nhưng vẫn không khỏi. Sắp tới, chắc tôi phải chặt bỏ vườn chuối bị bệnh, xử lý đất rồi trồng lại bằng giống chuối địa phương xem thế nào”, ông Quân buồn bã.
Cũng theo ông Quân, diện tích bị bệnh chủ yếu xuất hiện trên giống chuối nuôi cấy mô ông mua tại tỉnh Bến Tre. Số giống chuối mua tại tỉnh Gia Lai hiện phát triển tốt.
Được biết, đây là một trong số ít vườn chuối tại huyện Hướng Hóa sử dụng giống nuôi cấy mô đưa về từ địa phương khác. Mô hình mới này từng được kỳ vọng sẽ đem đến hiệu quả kinh tế cao từ cây chuối mật mốc - một đặc sản của huyện miền núi Hướng Hóa.
Thực tế này đang khiến nhiều người lo ngại bệnh trên cây chuối sẽ lây lan ra diện rộng khiến các vùng trồng chuối của huyện Hướng Hóa sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngoại trừ các vườn chuối sử dụng giống nuôi cấy mô của ông Quân, bệnh này hiện chưa có dấu hiệu lây lan sang những vườn chuối sử dụng giống địa phương tại huyện Hướng Hóa.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, vườn chuối ông Quân đã xuất hiện bệnh từ tháng 6/2024. Sau khi nhận được thông tin, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hướng Hóa và Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị đã lên kiểm tra và nhận định đây là bệnh thối gốc. Đoàn kiểm tra đã tư vấn cho chủ vườn hủy toàn bộ cây có dấu hiệu bệnh, xử lý đất rồi trồng lại để tránh tình trạng lây lan. Tuy nhiên, chủ vườn đã không làm theo khuyến cáo nên để bệnh lây lan ra những vườn khác.
Cũng theo bà Phương, trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn có một số vườn sử dụng giống nuôi cấy mô nhưng hiện vẫn phát triển tốt và không có dấu hiệu của bệnh thối gốc.