Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với UBND xã Bình Đức, huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm tuần hoàn nước tại hộ anh Trần Minh Hải, ấp Tân Thuận B (xã Đức Bình).
Đối tượng chính của mô hình là cá chạch lấu được nuôi trong bể có quy mô khoảng 40m3, thả nuôi 5.700 con cá giống. Phía trên bể trồng rau thủy canh giữ vai trò lọc sinh học góp phần làm sạch nguồn nước để nuôi cá. Nước nuôi cá sau khi qua bể lắng cặn và ly tâm được bơm cấp cho rau, nhờ đó tiết kiệm được lượng nước không nhỏ so với trồng rau độc canh. Rau phát triển tốt và cho năng suất tương đương với cách trồng truyền thống, song chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì chỉ dùng nước chứa chất thải của cá thay cho phân bón thông thường.
Ông Trần Minh Hải, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: Quy mô diện tích của mô hình không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, phù hợp theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Do quản lý được chất lượng nguồn nước nuôi cá, quản lý được bệnh nên hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc và hóa chất để điều trị bệnh cho cá như theo cách nuôi truyền thống, từ đó giảm chi phí sử dụng thuốc, góp phần tăng thêm lợi nhuận.
Thời gian nuôi cá 12 tháng, tỷ lệ cá sống trên 70%, cỡ thu hoạch 250g/con, năng suất ước đạt 263 tấn/ha, chất lượng cá đạt an toàn thực phẩm.
Ông Nông Thành Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang cho biết, ưu điểm của mô hình là hạn chế thay nước, chỉ cấp bù khi cần thiết nên có ý nghĩa tích cực trong nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi, xâm nhập mặn như hiện nay.
Bên cạnh đó, nước xả thải được kiểm soát nên hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển bởi mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều khía cạnh cả về kinh tế, xã hội, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, rất cần được nhân rộng trong thời gian tới.