Mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính (BNS) được triển khai trong vụ mùa năm 2024 trên quy mô 3,35ha. Mô hình nhận được sự hưởng ứng và tham gia của 11 hộ đồng bào dân tộc Chăm ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Kết quả nổi bật mà mô hình BNS ghi nhận được là năng suất tăng hơn 4 tạ/ha, tương đương tăng khoảng 5% so với sản xuất lúa đại trà ở địa phương. Bên cạnh đó, tổng chi phí sản xuất từ mô hình canh tác lúa giảm phát thải này cũng giảm hơn 1,5 triệu đồng/ha, thúc đẩy lợi nhuận tăng 20%, tương đương tăng thêm 3,7 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, mô hình BNS còn giảm 12,11 tấn CO2e, tương đương khoảng 3,6 tấn CO2e/ha, mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Ngoài ra, khi tham gia canh tác lúa giảm phát thải theo mô hình, bà con nông dân được hỗ trợ về giống. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã hướng dẫn bà con ứng dụng quy trình kỹ thuật BNS. Đây là gói giải pháp tiên tiến, tích hợp kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ (AWD) giúp giảm 30% lượng nước. Giải pháp EcoCycle Nano giúp giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng lúa từ 10 – 50%. Mặt khác, hệ thống vệ tinh Spiro Carbon sẽ đo lường, giám sát lượng phát thải khí nhà kính trong suốt quá trình canh tác, từ đó đảm bảo tính minh bạch và chính xác.
Nhân tổng kết mô hình, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã trao số tiền thưởng 6 triệu đồng cho các hộ nông dân tiên phong tham gia canh tác lúa giảm phát thải nhằm ghi nhận những nỗ lực của bà con trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Thời gian qua, Net Zero Carbon đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp nông nghiệp bền vững. Với sự hợp tác cùng Công ty Nano BSB, Spiro Carbon và các đối tác khác, doanh nghiệp cam kết tiếp tục mang đến những sáng kiến thực tiễn nhằm hỗ trợ nông dân và bảo vệ môi trường.