Khốn đốn vì chè bẩn
Vùng chè của xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên, Yên Bái) được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước khi người dân các tỉnh miền xuôi lên vùng đất này khai hoang làm kinh tế mới. Những quả đồi thoai thoải với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp là điều kiện lí tưởng để bà con phát triển mở rộng diện tích và gắn bó với cây trồng này.
Thế rồi vấn nạn chè bẩn bùng lên những năm 2010 - 2011, vì lợi nhuận trước mắt mà phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học được người dân tưới lên các đồi chè vô tội vạ để cây chè ra búp nhanh hơn, nhiều hơn. Dụng cụ thu hái bằng máy sao cho nhanh và tiết kiệm công lao động nhất. Chè được phơi đầy đường giao thông, thậm chí được pha trộn thêm bột đá, bột ngô, sắn làm tăng trọng lượng và tạo phấn trắng…
Sau khi quy trình sản xuất chè bẩn bị báo chí và ngành chức năng phanh phui, xử lí, cả vùng chè rơi vào cảnh khốn đốn bởi người tiêu dùng kinh hãi quay lưng. Sản phẩm chè búp tươi, chè khô không có người mua, giá hạ hết mức vẫn ế ẩm, nhiều hộ dân tính đến chuyện phá chè, chuyển đổi cây trồng khác.
Khoảng gần chục năm trở lại đây, một làn gió mới đã thổi vào vùng chè Hưng Khánh khi những mô hình sản xuất chè an toàn theo các tiêu chuẩn, chè hữu cơ được khởi xướng và phát triển mạnh. Những dự án xây dựng vùng chè Bát Tiên theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã giúp vùng chè này lột xác. Nhờ sự đổi mới trong phương pháp canh tác và chăm sóc cây chè, không sử dụng hóa chất độc hại, chè Bát Tiên giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi bật trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập khá cho bà con.
Sản xuất chè VietGAP để lấy lại niềm tin người tiêu dùng
Gia đình bà Trần Thị Hạnh ở thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh có hơn 3.500m2 chè, trong đó 2.500m2 chè Bát Tiên được trồng từ năm 2004 để thay thế diện tích chè trung du già cỗi. Hiện nay, mỗi năm những đồi chè mang lại cho gia đình bà Hạnh lợi nhuận gần 100 triệu đồng từ việc bán chè búp tươi cho hợp tác xã (HTX) sản xuất chè khô tại địa phương.
Bà Hạnh chia sẻ, thời điểm những năm 2013 - 2014, những hộ dân làm chè như nhà bà gặp rất nhiều khó khăn bởi không tiêu thụ được sản phẩm. Mặc dù chỉ một số hộ dân tại địa phương làm chè bẩn nhưng cả vùng chè bị mang tiếng với quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Nhiều hộ dân trong thôn thấy nao núng, nhiều người bỏ quê đi làm thuê, một số hộ phá bỏ chè để trồng quế, keo.
Năm 2015, được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp huyện và chính quyền xã, gia đình bà và một số hộ dân đã áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, cây chè bắt đầu lấy lại niềm tin người tiêu dùng bởi chất lượng và sản lượng ngày càng tăng. Tháng 7/2024, gia đình bà Hạnh tiếp tục đăng ký tham gia dự án sản xuất chè hữu cơ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai tại địa phương.
Thực hiện mô hình này, toàn bộ diện tích chè của bà Hạnh được bón phân chuồng ủ hoai mục, việc phòng trừ sâu bệnh được thực hiện bằng các chế phẩm sinh học an toàn. Quá trình chăm sóc, làm cỏ đều sử dụng máy phát và các biện pháp thủ công, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, việc thu hái chè búp được thực hiện bằng tay, hái theo lứa và tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá để cung cấp cho HTX sản xuất.
Cũng như bà Hạnh, gia đình bà Đoàn Thị Thu ở cùng thôn Khe Năm đã từng chán nản sau hệ lụy chè bẩn bởi giá chè rẻ mạt, thậm chí ế ẩm nên gia đình đã từng dự định phá bỏ đồi chè để chuyển đổi sang trồng keo. Từ năm 2015, khi tham gia sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và trở thành thành viên HTX chè Khe Năm, những đồi chè đã cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, giá bán dần tăng lên nên gia đình bà có thu nhập ổn định hơn với mức khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
Theo bà Thu, hiện gia đình bà có diện tích chè hơn 4.000m2, trong đó khoảng 2.200m2 chè Bát Tiên được trồng từ năm 2014, còn lại là diện tích chè trung du được trồng từ vài chục năm trước. Chè Bát Tiên cho năng suất búp tươi thấp hơn nhưng giá HTX thu mua trung bình 26.000 đồng/kg (cao hơn gấp đôi chè trung du). Thời gian tới, gia đình bà dự định sẽ trồng thay thế toàn bộ diện tích bằng giống chè Bát Tiên và áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để có thể gắn bó lâu dài với cây chè.
Giúp nông dân sống khỏe với cây chè
Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết, sau giai đoạn mất uy tín, chính quyền xã vận động bà con tích cực thực hiện chương trình cải tạo chè trung du bằng giống chè Bát Tiên. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Đặc biệt, năm 2020 xã đã vận động các hộ dân thành lập HTX chè Khe Năm với hơn 30 thành viên. HTX được nhà nước hỗ trợ vốn để đánh giá vùng nguyên liệu, đầu tư cây giống để trồng mới và trồng thay thế hơn 35ha chè trung du bằng giống chè Bát Tiên. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn xây dựng nhà xưởng, máy móc sản xuất hiện đại. Đến nay, HTX có sản phẩm chè Bát Tiên đặc sản Hưng Khánh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Với sự chuyển mình mạnh mẽ từ sản xuất chè bẩn sang chè sạch, sản phẩm chè Hưng Khánh đang dần khẳng định vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường. Đó là bài học đáng quý về sự kiên trì, sáng tạo và đổi mới trong sản xuất nông sản sạch, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì sức khỏe của cộng đồng.
Ông Vũ Văn Hồng, Giám đốc HTX chè Khe Năm cho biết thêm, người dân thôn Khe Năm nói riêng và người trồng chè ở Hưng Khánh nói chung đều xác định chè là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế. Sau những năm khốn khổ không tìm được đầu ra, bị người tiêu dùng tẩy chay, hầu hết người dân đã thấy được bài học lớn để quyết tâm thay đổi. Do đó, khoảng 10 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của nhà nước về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, đã có hàng trăm hộ đăng ký tham gia.
Ông Vũ Văn Hồng, Giám đốc HTX chè Khe Năm kể: "Hơn chục năm trước, khi đi tham quan, học tập các mô hình trồng chè ở Thái Nguyên, thấy họ bán mỗi cân chè có giá vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng, trong khi đó chè ở quê mình chỉ bán được 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Trăn trở ấy giúp ông quyết tâm đồng hành cùng người dân địa phương thay đổi cách làm, trước tiên nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, lựa chọn giống chè ngon, phù hợp với thổ nhưỡng, áp dụng quy trình sản xuất sạch. Ngoài ra, chú trọng xây dựng thương hiệu, mẫu mã để tạo uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giúp người nông dân sống khỏe với cây chè”.
Hiện HTX chè Khe Năm có gần 90 thành viên là những hộ dân trồng chè Bát Tiên chất lượng cao ở các thôn trong xã. Khi áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi ha cho thu hoạch từ 9 - 10 tấn búp tươi/năm, thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm, từ đó nhiều hộ dân đã chuyển đổi các diện tích đất vườn tạp, đất đồi trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè.