Theo một báo cáo của Quỹ Oswaldo Cruz gửi cho đài CNN hôm 23/7, các nhà khoa học đã xét nghiệm 13 con cá mập mũi nhọn Brazil ở vùng biển ngoài khơi thành phố Rio de Janeiro và phát hiện cocain có trong cả gan và mô cơ của toàn bộ 13 mẫu vật.
Loài cá mập này được lựa chọn để xét nghiệm do có kích thước nhỏ và thường sống ở khu vực ven biển, nơi chúng tiếp xúc thường xuyên với các chất thải gây ô nhiễm.
Theo nghiên cứu, nồng độ cocain trong mô cơ cao hơn khoảng 3 lần so với mô gan, trong khi cá mập cái có nồng độ cocain trong mô cơ cao hơn hẳn so với các con đực.
Trả lời đài CNN, Enrico Mendes Saggioro, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết cocain gây ô nhiễm biển do nước thải từ những người sử dụng ma túy, cũng như từ các phòng thí nghiệm bất hợp pháp sản xuất chúng.
Khoảng 22% người sử dụng cocain sống ở Nam Mỹ, trong khi Brazil là nước có số người sử dụng loại ma túy này lớn thứ hai ở khu vực. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ cocain gia tăng và cơ sở hạ tầng xử lý nước thải kém đã làm tăng nồng độ cocain trên biển.
Nghiên cứu trước đây cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm có thể là do những kẻ buôn lậu đổ cocain bị đổ cocain ra biển khi bị cảnh sát truy đuổi, song ông Mendes Saggioro đã phủ nhận điều này trong nghiên cứu mới đây.
"Chúng tôi không thấy nhiều kiện hàng cocain trôi dạt hay bị đổ ra biển ở đây, không giống như những gì được báo cáo ở Mexico và Florida", ông nói.
Các nhà khoa học cho biết hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để xác định liệu cocain có gây hại cho sức khỏe của cá mập hay không, song các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng loại ma túy này gây hại cho các động vật khác như cá và trai.
Ngoài ra, họ cũng không thể chứng minh bất kỳ ảnh hưởng nào của cocain đến hành vi của cá mập do thiếu nghiên cứu, nhưng "cocain có ảnh hưởng đến não bộ, cũng như hành vi hiếu động và bất thường đã được ghi nhận ở các động vật khác".
Ông Hauser Davis cho rằng "rất có thể" các loài động vật giáp xác, cá và các động vật khác mà cá mập ăn thịt có thể cũng đã hấp thụ cocain.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe con người, vì "cá mập là món ăn khá phổ biến ở Brazil và nhiều quốc gia khác".
Nhóm nghiên cứu cho biết họ có kế hoạch kiểm tra các loài cá mập khác, cũng như cá đuối sống ở cửa sông. "Chúng tôi cũng có kế hoạch đánh giá các loài cá di cư, chẳng hạn như cá đuối, để xác minh xem hành vi di cư có ảnh hưởng đến việc hấp thụ cocain hay không", ông nói thêm.
Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cá hồi nâu có thể nghiện ma túy đá (methamphetamine) khi chúng hấp thụ loại ma túy này. "Cá rất nhạy cảm với tác dụng phụ của nhiều loại chất hướng thần từ rượu đến cocain và có thể nghiện ma túy theo cách tương tự như con người", Pavel Horky, một nhà sinh thái học hành vi từ Đại học Khoa học Đời sống Séc ở Prague, cho biết vào thời điểm đó.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu ở Anh thông báo họ đã tìm thấy dấu vết của ma túy, dược phẩm và thuốc trừ sâu bất hợp pháp trong các mẫu tôm nước ngọt. Và trong năm 2018, các nhà khoa học tại Puget Sound, một vịnh nhỏ của bang Washington ở Mỹ, cho biết con trai trong khu vực có xét nghiệm dương tính với thuốc giảm đau gây nghiện oxycodone.