| Hotline: 0983.970.780

Nông sản xuất khẩu 2024

Cá ngừ nỗ lực trở lại nhóm mặt hàng tỷ đô

Thứ Năm 28/03/2024 , 10:30 (GMT+7)

Sau khi giảm trong năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đang tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm nay và có cơ hội trở lại là mặt hàng tỷ USD.

Ngư dân đưa cá ngừ lên bờ. Ảnh: Sơn Trang.

Ngư dân đưa cá ngừ lên bờ. Ảnh: Sơn Trang.

Tăng trưởng trở lại

Năm 2023, trong sự sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu cá ngừ cũng giảm đáng kể, với mức giảm 17%, đạt 845 triệu USD. Như vậy, chỉ sau 1 năm lần đầu tiên trở thành mặt hàng tỷ đô (đạt 1,02 tỷ USD năm 2022), cá ngừ Việt Nam đã để mất vị thế này.

Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ đã bắt đầu phục hồi. Nhờ sự phục hồi đó, trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. So với tháng 1 các năm kể từ 2018 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 1 năm nay cao hơn khoảng 46% so với mức trung bình hàng năm. Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, đây là tín hiệu tích cực cho cá ngừ trong tháng mở đầu năm mới 2024.

Sang tháng 2, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam không giữ được đà tăng trưởng như trong tháng 1, khi giảm 11% so với tháng 2/2023, đạt gần 52 triệu USD. Tuy nhiên, sự sụt giảm này là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn. Dù giảm trong tháng 2, nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 131 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng tốt trong những tháng qua có nguyên nhân quan trọng từ việc các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo VASEP, trong 2 tháng đầu năm, các sản phẩm cá ngừ đã xuất được sang hơn 80 thị trường, trong khi 2 tháng đầu năm ngoái là 70 thị trường. Nhờ mở rộng thị trường, các doanh nghiệp đã giảm được rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường lớn bị giảm.

Chẳng hạn, trong tháng 2, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực như Mỹ và EU giảm, thì xuất khẩu sang nhiều thị trường nhỏ hơn lại tăng trưởng, thậm chí tăng rất mạnh. Điển hình như Canada tăng 146%, Chile tăng 116%. Ngay tại EU, trong khi xuất khẩu sang các thị trường chính là Hà Lan và Đức giảm, thì các thị trường Ý và Ba Lan lại tăng cao.

Với sự phục hồi của xuất khẩu cá ngừ kể từ quý IV/2023 và nhất là sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nay, VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng trưởng trở lại trong cả năm 2024.

Nhiều khó khăn, thách thức

Cá ngừ ở cảng cá Đông Tác, Phú Yên. Ảnh: Sơn Trang.

Cá ngừ ở cảng cá Đông Tác, Phú Yên. Ảnh: Sơn Trang.

Tuy nhiên, nhìn vào toàn cảnh thị trường và ngành cá ngừ năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn có thể làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

3 thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam là Mỹ, EU và Israel. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 327 triệu USD, sang EU đạt 176 triệu USD và sang Israel là 50 triệu USD. 2 tháng đầu năm nay, 3 thị trường này vẫn tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá ngừ Việt Nam với kim ngạch lần lượt là 45 triệu USD, 29 triệu USD và 13 triệu USD.

Điều đáng chú ý là lâu nay, cá ngừ Việt Nam vận chuyển tới Bờ đông nước Mỹ, EU và Israel thường đi qua Biển Đỏ để vào kênh đào Suez. Vì vậy, căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và cá ngừ nói riêng khi cước vận chuyển có xu hướng tăng cao và thời gian vận chuyển kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí.

Thông tin từ các doanh nghiệp thủy sản cho thấy, trong tháng 1/2024, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Giá cước vận chuyển tăng chóng mặt khiến cho giá bán sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng tăng cao, qua đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ ở các thị trường quan trọng.

Bên cạnh đó, cũng như các hải sản khác, xuất khẩu cá ngừ sang EU vẫn đang đối mặt với những khó khăn lớn khi “Thẻ vàng IUU” vẫn chưa được tháo gỡ.

Tận dụng các FTA

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đưa cá ngừ trở lại danh sách mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, một trong những giải pháp quan trọng là tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với EU, Vương quốc Anh …

Anh hiện đang là một thị trường rất tiềm năng với cá ngừ Việt Nam. Đây là một trong những thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn trên thế giới. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2023, Anh đã nhập khẩu gần 300 triệu USD cá ngừ. Cá ngừ hiện nằm trong 5 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Anh, gồm cá cá tuyết chấm đen, cá tuyết, cá hồi, tôm và cá ngừ. 5 loài này chiếm tới 62% lượng thủy sản tiêu thụ ở Anh, và nguồn cung chủ yếu đến từ nhập khẩu.

Hiện nay, giá trị cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Anh còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 1% kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của thị trường này. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang Anh đang có xu hướng tăng trưởng tích cực. Theo VASEP, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Anh tăng 48%, đạt 5,5 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, cá ngừ Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Anh nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Theo cam kết tại Hiệp định UKVFTA, Hiệp định này có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc mức thuế nhập khẩu đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Cụ thể, mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm, từ 18% về 0%. Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp, tỉ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch miễn thuế mỗi năm là 11.500 tấn. Sau đó, mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy. Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam phải có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), thì mới được hưởng ưu đãi của UKVFTA.

Cục Xuất nhập khẩu đã đưa ra các kịch bản khai thác thị trường Anh cho cá ngừ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, xuất khẩu cá ngừ sang Anh cần nhiều nỗ lực để phục hồi về mức khoảng 12 - 15 triệu USD/năm. Kết quả này có thể đạt trong kịch bản sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm mạnh và mức tiêu thụ cá ngừ của Anh gia tăng. Trong các kịch bản kém thuận lợi hơn, xuất khẩu cá ngừ sang Anh có thể đạt trên 10 triệu USD/năm.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm cá ngừ Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các nước khác tại Anh. Về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam. Dự báo xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Anh giai đoạn 2022 - 2025 có thể sẽ dần hồi phục và đạt tăng trưởng trung bình 8 - 9%/năm.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.