Bộ Y tế cho biết, các ca mắc cúm hiện tại không thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, tuy nhiên, người dân không nên chủ quan trong việc phòng bệnh.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442).
Tại Hà Nội, ngày 8/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm mùa, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao, khiến cộng đồng thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch với hàng chục ca mắc.
Thông thường, cúm mùa thường diễn biến với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan, gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.