| Hotline: 0983.970.780

Phúc thẩm vụ án 'cố ý gây thương tích ở Vân Côn':

Các luật sư nêu ra hàng loạt bất hợp lý

Thứ Sáu 22/12/2017 , 13:05 (GMT+7)

Vụ án đã gây xôn xao dư luận, được nêu lên cả trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, với những chất vấn rất gay gắt, và có tới 3 đại biểu Quốc hội đã có ý kiến. 

Hai bị cáo Quản Đắc Thúy, Quản Đắc Quý tại phiên tòa phúc thẩm

Trong 3 ngày, từ 19 đến 21/12/2017, TAND Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích...” xẩy ra tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội) ngày 19/7/2003, xem xét đơn của hai bị cáo Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý, kháng cáo toàn bộ bản án Hình sự Sơ thẩm số 7A/2017/HSST ngày 26/5/2017 của TAND huyện Hoài Đức.

 Bản án này đã tuyên 2 bị cáo phạm tội “cố ý gây thương tích” cho bị hại Đỗ Đăng Của với thương tích 34,16%, và tuyên phạt Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù; Quản Đắc Thúy 5 năm tù. Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Hoàng Nhật Tân làm chủ tọa. Có 10 Luật sư của 6 văn phòng Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách bảo vệ quyền và lợi ịch hợp pháp cho các bị cáo. Tất cả đều miễn phí.

Vụ án đã gây xôn xao dư luận, được nêu lên cả trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, với những chất vấn rất gay gắt, và có tới 3 đại biểu Quốc hội đã có ý kiến. Bởi trong lịch sử tố tụng Việt Nam, chưa có một vụ án nào mà các cơ quan tiến hành tố tụng lại vi phạm tố tụng nghiêm trọng đến thế. Vụ án được khởi tố từ 15/12/2003, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự thì đến 15/12/2004, cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra đối với 2 bị can Quản Đắc Thúy, Quản Đắc Quý bởi không đủ chứng cứ kết tội họ. Nhưng bất chấp, cơ quan này đã kéo dài việc điều tra tới 14 năm, với 1 bản kết luận điều tra (KLĐT) và 10 bản KLĐT bổ sung, khiến dư luận cảm thấy CQĐT đã cố ý tìm mọi cách để gán bằng được tội cho họ. Viện kiểm sát và tòa án đã trả lại hồ sơ tất cả 22 lần, trong khi Bộ luật TTHS chỉ cho phép mỗi cơ quan trả lại 2 lần.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án này kéo dài tới 3 ngày. Theo dõi phiên tòa, chúng tôi thấy thứ nhất, có tất cả 13 nhân chứng. Nhưng có tới 10 nhân chứng khẳng định không nhìn thấy hai bị cáo có mặt ở hiện trường lúc xẩy ra vụ án. Bị hại Đỗ Đăng Của đuổi nhau với 1 người khác và ngã xuống mương bê tông tự gây nên hai vết thương cho mình ở trán và ở cẳng tay. Một nhân chứng do lâu ngày nên quên hết. Chỉ có 2 nhân chứng có lời khai nhìn thấy Quý đuổi và chém Của, Thúy dùng tuýp sắt vụt Của. Nhưng lời khai của 2 nhân chứng này quá nhiều mâu thuẫn và vô lý, nên chính chủ tọa phiên tòa Hoàng Nhật Tân cũng phải khẳng định là lời khai đó không có giá trị.

Thứ hai, chính bị hại Đỗ Đăng Của cũng có những lời khai bất nhất, mâu thuẫn với chính mình và khai báo gian dối. Của khai rằng khi bị Quý chém, anh ta ngất không biết gì, khi tỉnh lại đã thấy mình ở bệnh viện 103 rồi. Nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Hảo, trạm trưởng trạm xá xã Vân Côn, người sơ cứu cho Của đầu tiên, có mặt tại tòa với tư cách nhân chứng, lại khẳng định lúc vào trạm xá, Của hoàn toàn tỉnh táo, vết thương rất nhẹ, BS Hảo đã khâu và cho về chứ không viết giấy chuyển viện. Của đã tự đi viện 103, và hồ sơ bệnh án do BV 103 cấp cho Của có điểm hết sức kỳ lạ. Ngày vào viện là 19/7/2003, nhưng ngày ra viện lại là ...22/4/2003 (?). Thế nhưng cái bệnh án kỳ quặc đó lại được dùng làm căn cứ để giám định pháp y (?).

Thứ ba, vụ án xảy ra ngày 19/7/2003, đến 27/10/2003 CA xã mới báo cáo lên CA huyện Hoài Đức. Nhưng không hiểu tại sao ngày 19/8/2003 CA huyện Hoài Đức đã có quyết định trưng cầu Viện KHHS (Bộ công an) giám định thương tích cho Đỗ Đăng Của? Quy trình này được các LS gọi là quy trình tố tụng ngược.

Thứ tư, là KLĐT và cáo trạng đều khẳng định Quý, Thúy dùng hung khí nguy hiểm là dao, tuýp sắt gây thương tích cho Đỗ Đăng Của, nhưng CQĐT lại không thu được những hung khí đó. Dao và tuýp sắt không phải là những vật có thể tự hủy được, dù có nung chảy ra thì cũng vẫn còn dấu vết. Tại sao lại không thu được? Phải chăng vì 2 bị cáo không có mặt ở hiện trường, không dùng 2 hung khí đó gây thương tích cho ai, nên không có để mà thu? Và thứ 5, là CQĐT đã không làm rõ việc Đỗ Đăng Của ngã xuống mương bê tông, có các cạnh rất sắc, có thể tự gây nên thương tích cho mình được không (10/13 nhân chứng đã khẳng định họ nhìn thấy Của đuổi một người khác và trượt chân ngã xuống mương).

Phần tranh tụng, các LS đã nêu lên hàng loạt bất hợp lý được thể hiện trong hồ sơ vụ án, như bản giám định pháp y kết luận Đỗ Đăng Của bị thương tích 34,16% có những điểm rất đáng ngờ, được căn cứ trên những tài liệu không đáng tin cậy, áp dụng sai thông tư số 12 của liên bộ Y tế-LĐTB&XH trong việc tính phần trăm thương tích. CQĐT đã không tổ chức thực nghiệm hiện trường để làm sáng tỏ một số điểm nghi vấn, không tổ chức cho các bị cáo đối chất với những nhân chứng có lời khai buộc tội cho mình. Nhiều vấn đề, đại diện VKSND thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã không thể trả lời được.

Sáng ngày 21/12, thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa Hoàng Nhật Tân đã tuyên án. Tuy thừa nhận các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng. Tuy thừa nhận lời khai của 2 nhân chứng Nguyễn Công Long và Đỗ Đăng Chắt khai có nhìn thấy Thúy, Quý có mặt ở hiện trường, dùng hung khí gây thương tích cho Đỗ Đăng Của là không khách quan, vì có quá nhiều mâu thuẫn. Tuy thừa nhận không thể kết luận là trong 2 bị cáo, ai là người đã gây thương tích cho Đỗ Đăng Của, nhưng lại kết luận rằng Quản Đắc Thúy, Quản Đắc Quý là... đồng phạm, tuy chưa biết chính phạm là ai(?)

Từ những nhận định đó, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm, phạt Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù, Quản Đắc Thúy 5 năm tù.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất