Những người cao tuổi Nhật Bản trong một hoạt động ngoài trời |
Giáo sư Ichiro Tsuji ở Đại học Tohoku đã nghiên cứu trên quy mô toàn quốc từ năm 1998 về các cụ già 80-85 tuổi ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu cho biết bí quyết trường thọ của người Nhật là: Ăn ba bữa mỗi ngày vào những thời điểm không đổi; Nhai kỹ thức ăn; Ăn nhiều chất xơ từ rau và hoa quả; Uống trà thường xuyên; Không hút thuốc; Có bác sĩ tại gia; Độc lập trong tư tưởng và trong sinh hoạt; Tham gia những hoạt động giúp thay đổi tâm trạng; Đọc báo hàng ngày; Xem tivi đều đặn; Thường xuyên đi ra ngoài, không ở ru rú trong nhà; Thức dậy và ngủ dậy vào những giờ không đổi.
GS. Tsuji cho rằng sự trường thọ của người Nhật Bản là do chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo. Chính điều này khiến tỷ lệ các ca đau tim và đột qụy ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Một nghiên cứu khác ở Nhật cho thấy 10 nguyên tắc giúp người Nhật trường thọ là: Ăn ít, nhai nhiều; Ăn thịt ít, ăn rau nhiều; Ăn đường ít, ăn hoa quả nhiều; Mặc ít, tắm nhiều; Lo ít, ngủ nhiều; Giận ít, cười nhiều; Ngồi xe ít, đi bộ nhiều; Nói ít, làm nhiều; Tham lam ít, thiện nguyện nhiều.
Người Nhật ăn ít thịt mà ăn nhiều cá, đậu đỗ, trứng, ít ăn thịt và ăn nhiều rau tươi, mỗi ngày uống 1 cốc sữa và thường xuyên ăn tảo biển. Chỉ ăn lưng lửng dạ chứ không bao giờ ăn no quá.
Phong cách của người Nhật là khiêm tốn, lễ độ, nhã nhặn, không nôn nóng trước mọi sự việc. Người Nhật hầu hết đều dành thời gian để tập thể dục và chơi các môn thể thao vừa sức. Thường xuyên có thời gian đi bộ tới các ga tàu điện ngầm, vì đó là phương pháp rèn luyện rất tốt cho mọi người.
Người Nhật có thói quen tắm rửa và thay quần áo hàng ngày và giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Người Nhật trồng nhiều cây xanh và bảo vệ nghiêm ngặt rừng cây. Nhiều gỗ nhưng người Nhật không khai thác mà nhập gỗ từ nước ngoài vào để công nhân chế tác thành các vật liệu dụng trong xây dựng trong đời sống. Chính phủ Nhật Bản đề ra chính sách khám bệnh miễn phí cho tất cả các cụ già trên tuổi 70.
Người Nhật đề xuất 20 điều có hại cho sức khoẻ. Đó là: Buồn bã, âu sầu; Lạm dụng thuốc bổ; Lười suy nghĩ; Hay nổi giận; Ăn nhiều đường, muối; Có bệnh không chữa ngay; Tham tiền, háo sắc; Quá trọng lượng cơ thể; Tinh thần thiếu lạc quan; Ít tập luyện thân thể; Lạm dụng rượu, bia; Mất vệ sinh về quần áo; Ham mê vô độ các trò giải trí; Dinh dưỡng không cân đối; Mất ngủ nhiều ngày; Chỗ ở không ổn định; Vợ chồng bất hoà hoặc ly thân; Coi thường việc ăn sáng; Lao động quá sức; Hay có ác ý với người khác; Sống cô đơn.