Nhiều chính sách hỗ trợ
Vốn là tỉnh nông nghiệp với hơn 80% dân số vùng nông thôn, trong suốt chặng đường phát triển, Hà Tĩnh xác định sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng vừa là gốc, vừa là tiền đề cho sự phát triển.
Trong bối cảnh thị trường nông sản cả nước hiện nay rất đa dạng, việc cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng khó khăn hơn, nhất là lúa gạo. Nếu nông dân vẫn giữ tư duy lối mòn “sản xuất để tự cung tự cấp”, chắc chắn tài nguyên đất đai không thể phát huy hết giá trị. Thậm chí lâu dài, nông dân chẳng còn mặn mà với đồng ruộng.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả gắn với nâng cao thu nhập cho người dân thì tích tụ, tập trung ruộng đất trở thành xu thế tất yếu. Trong đó, việc phá bỏ bờ thửa nhỏ để hình thành cánh đồng lớn là bước chuyển mình căn bản để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Từ chủ trương lớn này, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất lúa. Nội dung này cũng trở thành mục tiêu chính trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết để hiện thực hóa chủ trương, tỉnh đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn. Từ năm 2018, Hà Tĩnh cũng hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất theo Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về “Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020”.
Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tối thiểu: Đất trồng lúa 5ha đối với tổ chức, 3ha đối với hộ gia đình, cá nhân; đất trồng cây hằng năm khác 3ha đối với tổ chức, 2ha đối với hộ gia đình, cá nhân theo các hình thức (thuê lại quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) với thời hạn 5 năm trở lên được hỗ trợ 1 lần kinh phí cải tạo đất với mức 20 triệu đồng/ha.
Riêng đối với tập trung đất đai theo hình thức thuê lại quyền sử dụng đất thì ngoài mức hỗ trợ trên còn được hỗ trợ kinh phí thuê lại quyền sử dụng đất 15 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm.
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều huyện, xã cũng trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm nhằm khích lệ nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn hợp tác sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn.
Đơn cử, huyện Can Lộc ban hành Nghị quyết 40/NQ-HĐND ngày 8/7/2019, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 3 gắn với tích tụ ruộng đất (quy mô toàn xã) cho các địa phương với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/đơn vị (quy mô diện tích dưới 300ha) và 400 triệu đồng/đơn vị (quy mô diện tích trên 300ha)…
Huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha đối với ruộng đạt từ 0,5ha và cánh đồng tối thiểu 5ha; xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ mỗi thôn 2 ca máy và 500 ngàn đồng/ha.
Mạnh tay nhất phải kể đến huyện Thạch Hà, trong 2 năm (2019 - 2020) huyện này hỗ trợ 50% kinh phí cho nông dân mua giống lúa mới; 3 triệu đồng/ha cho việc phá bờ thửa, làm phẳng mặt ruộng; hỗ trợ 10 triệu đồng cho cán bộ thôn, tổ dân phố chỉ đạo sản xuất tập trung diện tích từ 10 - 20ha; trên 20ha tăng mức hỗ trợ thêm 200 ngàn đồng/ha nhưng không quá 15 triệu đồng/thôn, tổ dân phố. Ngoài ra, Thạch Hà ưu tiên xây dựng hạ tầng như đường giao thông, kênh mương cho các vùng sản xuất lúa tập trung.
“Năm 2021, chúng tôi nâng mức hỗ trợ phá bờ thửa, làm phẳng mặt ruộng từ 3 triệu đồng lên 5 triệu đồng/ha; các chính sách khác vẫn giữ nguyên”, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin thêm.
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn và cơ chế hỗ trợ kích cầu, nhiều huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh đã ra nghị quyết, xây dựng đề án tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn để triển khai thực hiện.
Lan tỏa cánh đồng lớn
Năm 2017, thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên tiên phong xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích 72ha; sản xuất một giống lúa; áp dụng quy trình kỹ thuật đồng nhất từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch.
Bước đầu bắt tay thực hiện, người dân chưa mấy mặn mà, thậm chí một số hộ vẫn gieo cấy giống lúa “ngoài luồng” hoặc thực hiện khâu dặm tỉa, phun thuốc BVTV chậm. Tuy nhiên, sau một vài vụ sản xuất, nhận thấy hiệu quả từ việc phá bờ thửa nhỏ, sản xuất tập trung không chỉ gia tăng thêm diện tích, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm bón; áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, hiệu quả kinh tế nâng lên đáng kể. Vì vậy những năm sau đó, người dân đồng lòng mở rộng quy mô sản xuất tập trung ở nhiều xứ đồng.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh đã thực hiện phá ô thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, với tổng diện tích lũy kế đến năm 2021 là 3.526ha.
Ông Phạm Đăng Nhật, Bí Thư huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết, từ thành công của mô hình thí điểm ở xã Cẩm Thành, đến nay, toàn huyện đã triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn ở 1.300ha của 19/23 xã trên địa bàn. Từ 1.550 thửa ban đầu, huyện Cẩm Xuyên giảm xuống chỉ còn 77 thửa.
Hiện Cẩm Xuyên đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có trên 50% diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi theo mô hình tập trung ruộng đất, bờ thửa lớn để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao.
Tại huyện Thạch Hà, sau khi chính sách hỗ trợ có hiệu lực, năm 2019 các xã như Thạch Kênh, Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Khê, Thạch Xuân… rầm rộ ra quân vận động người dân xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất với các doanh nghiệp như Công ty K.C; Công ty Cổ phàn Giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phàn giống cây trồng Hà Tĩnh...
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà chia sẻ, sau 2 năm thực hiện, đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 660ha sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Những diện tích nằm trong mô hình gieo cấy đồng nhất một giống lúa; quy trình sản xuất tiến hành đồng loạt; riêng khâu làm đất, thu hoạch đưa cơ giới hóa vào 100%; ngoài ra khâu phun thuốc BVTV sử dụng thiết bị bay không người lái cũng đã áp dụng tại một số điểm ở xã Thạch Văn, Thạch Ngọc nhằm giảm thiểu độc hại cho người sản xuất.