| Hotline: 0983.970.780

Cách nhau 12 múi giờ nhưng không có khoảng cách trong nông nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ

Thứ Hai 27/02/2023 , 18:12 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là Alexis Taylor và Jenny Moffitt, trao đổi về hợp tác thương mại và khoa học trong nông nghiệp.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là Alexis Taylor và Jenny Moffitt sáng 27/2. Ảnh: Tùng Đinh.

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời chào đến đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ông nói, dù cách nhau đến 12 múi giờ nhưng không có khoảng cách trong quan hệ của ngành nông nghiệp 2 nước.

Thứ trưởng Alexis Taylor cho biết, bà rất vui mừng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt 10 tỷ USD, cho thấy các sản phẩm nông nghiệp 2 quốc gia mang tính bổ trợ cho nhau. Trong khi đó, Thứ trưởng Jenny Moffitt nói, 2 nước đã đạt được những thành tựu ngoài thương mại, như về chia sẻ kiến thức, bảo vệ, phát triển nền nông nghiệp của nhau, ví dụ như việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Sự thấu hiểu

Đi vào chi tiết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi còn làm lãnh đạo ở địa phương, nơi sản xuất xoài lớn nhất Việt Nam, ông đã tham dự lễ xuất khẩu container xoài đầu tiên đi Hoa Kỳ.

“Với quả xoài, cần đến 10 năm đàm phán mới có thể xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ và tôi hy vọng các mặt hàng mới có thể cải thiện thủ tục để rút ngắn được thời gian đàm phán”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, thời gian qua, 2 bên đã mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ vào Việt Nam và cũng đang xem xét để thúc đẩy mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm: “Chiều ngược lại, chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện, hỗ trợ để các sản phẩm thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu tốt hơn sang thị trường các bạn, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh mong muốn phía Hoa Kỳ khi đưa ra các chuẩn mực với sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhân lực trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp để có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chuẩn mực đó.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến sự thấu hiểu giữa nông nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ sâu hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là một ngành hàng kinh tế mà còn là một cấu trúc xã hội, gắn liền với cuộc sống của nhiều người nông dân, do đó, mỗi sự thay đổi trong thương mại cũng ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.

“Do đó, chúng tôi rất cảm ơn Hoa Kỳ đã lắng nghe và thay đổi trong mức áp thuế chống phá giá với sản phẩm mật ong”, ông nói và nhấn mạnh thêm, mong muốn Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có sự thấu hiểu mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Liên quan vấn đề này, bà Alexis Taylor nói, với mặt hàng mật ong, Hoa Kỳ cam kết sẽ minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan để phía Việt Nam, đặc biệt là người nuôi ong có thể hiểu rõ được vấn đề này và chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan phụ trách về thuế.

“Chúng ta có thể hy vọng về những tiến triển tốt trong việc xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp của Việt Nam sang Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ thêm.

Empty

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Alexis Taylor chia sẻ nhiều về hợp tác trong lĩnh vực khoa học với Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Dùng công nghệ để thích ứng biến đổi

Liên quan đến phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan nói Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm trong giao thương quốc tế, trong đó có giao thương với Hoa Kỳ. “Tương tự đối với các sản phẩm biến đổi gen, Việt Nam có tư duy rất mở và sẽ thúc đẩy quá trình đánh giá các sản phẩm này”, Bộ trưởng khẳng định.

Về phía Hoa Kỳ, Thứ trưởng Alexis Taylor nói rất vui mừng với những tiến triển trong thời gian vừa qua trong vấn đề phê duyệt, tuy nhiên thời gian gần đây đang bị chững lại.

“Theo thông tin của tôi, có 4 hồ sơ đã được phía Hoa Kỳ trình với Bộ NN-PTNT nhưng chưa có thông tin đã nhận được hay chưa và 6 hồ sơ khác cũng đang chờ phê duyệt, chúng tôi mong muốn sớm có thông tin cập nhật về những hồ sơ này”, bà nói.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt được 52 hồ sơ về sản phẩm biến đổi gen với 4 hồ sơ bà vừa nói, Việt Nam sẽ sớm thành lập hội đồng để đánh giá. “Thời gian vừa qua, tiến trình đánh giá bị chững lại do chúng tôi đang có một số sắp xếp nên chưa thể tổ chức được hội đồng liên Bộ này”, ông nói.

Empty

2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là Alexis Taylor và Jenny Moffitt tặng Bộ trưởng Lê Minh Hoan những trái bưởi chùm, nông sản Hoa Kỳ mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Đánh giá về các giải pháp khoa học hiện nay, bà Alexis Taylor cho rằng, trước các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, chúng ta thấy rằng công nghệ sinh học đóng một vai trò nhất định trong việc mang lại lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng cũng như đối phó với biến đổi khí hậu. “Theo tôi, trong năm nay, chúng ta sẽ có thêm nhiều diễn đàn để trao đổi thêm về vấn đề này và rất mong có sự tham gia của Bộ trưởng và Bộ NN-PTNT Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đề xuất.

Nhất trí với ý kiến trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, 2 nước không chỉ dừng lại ở giao thương mà còn thúc đẩy cho ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được với các thành tự tiến bộ công nghệ sinh học của Hoa Kỳ.

Ông đề xuất, trong thời gian tới cần kết nối các doanh nghiệp 2 nước thông qua các diễn đàn song phương để khai thác tiềm năng giữa 2 nước, vừa thúc đẩy giao thương, vừa thúc đẩy đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Qua đó có thể chia sẻ kiến thức về các sản phẩm biến đổi gen, chỉnh sửa gen, đặc biệt là tính an toàn của các sản phẩm này.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng 2 Thứ trưởng những sản phẩm OCOP của Việt Nam, trong đó có mật ong đặc sản với lời nhắn nhủ sự thấu hiểu về nền nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, trước thềm vụ vải thiều 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ để có thể công nhận 1 trung tâm chiếu xạ đáp ứng được các tiêu chuẩn tại Hà Nội để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phía Bắc trong quá trình xuất khẩu, giảm chi phí do hiện tại đang phải vận chuyển vào phía Nam để chiếu xạ.

Bà Alexis Taylor khẳng định, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để Việt Nam có thể hoàn thiện được cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại miền Bắc trước mùa xuất khẩu vải thiều vào tháng 5 tới và hiện nay đã gửi tài liệu kỹ thuật cho các đồng nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, tháng 4 tới, Việt Nam sẽ phối hợp với LHQ tổ chức diễn đàn toàn cầu về lương thực, thực phẩm với chủ trương xây dựng một ngành lương thực minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gửi giấy mời cho Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ và mong muốn 2 Thứ trưởng chuyển tiếp thêm thông tin cho Bộ trưởng về hoạt động này để có thể tham gia trong tháng 4 này. Lãnh đạo ngành nông nghiệp 2 nước cũng đề cập thêm đến một số nông sản có thể mở rộng giao thương giữa 2 nước trong thời gian tới, ví dụ như xuân đào, đào, chanh vàng và quýt của Hoa Kỳ hay dừa lột vỏ của Việt Nam.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ thống nhất non sông

Sáng 30/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, UBND tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ thống nhất non sông.

Bình luận mới nhất