| Hotline: 0983.970.780

Cái chạn

Thứ Sáu 31/07/2020 , 09:10 (GMT+7)

Cái chạn, giờ mà nói với đám trẻ con thị thành là phải giải thích nó là gì?

Cái chạn (Ảnh sưu tầm).

Cái chạn (Ảnh sưu tầm).

Chứ chúng khó mà hình dung ra, đôi đứa biết hơn có lẽ do được đến những quán hàng có phong cách hoài cổ. Còn đám trung niên nói đến thì luôn đính kèm với những câu chuyện thiếu đói thời bao cấp, đôi khi còn kèm tiếng thở dài, như thể sợ đói, sợ những cái ngày xưa khốn khó ấy đến giờ.

Nhưng dù thế nào thì cái chạn cũng "chĩnh triện" 4 chân đứng chắc trong tiềm thức những thế hệ tóc bạc và tóc muối tiêu hôm nay.

Bếp quê xưa lủng củng những rơm rác, củi đuốc, lá khô, cùng với đó là những hũ gốm, những phạng sành, nồi nhôm gia công mỏng dính méo mó, nhà nào sang mới có cái xoong dày dặn.

Gạo muối vẫn là hàng đầu, rau cỏ bữa nào ăn hái về hay mua trong ngày, sang thì bếp có phạng mỡ treo bằng cái quang tòng teng từ trên nóc bếp dòng xuống, nếu lúc khó thì mỡ cũng chẳng có trong bếp mà lo "chó treo, mèo đậy".

Ngay từ khi xuất hiện từ thành phố, thị xã cho đến thôn quê, chạn đã được coi là tài sản trong gia đình ngay. Nhà nào sắm được cái chạn là mừng từ trẻ con đến người lớn. Người lớn thì ra ngắm vào ngắm, trẻ con thì mở ra mở vào liên tục.

Chạn bằng gỗ với nhiều kích thước khác nhau. Vợ chồng mới cưới thường mua hay đóng loại nhỏ, nhà đông con thì sắm cái chạn to. Chạn có khung gỗ, hình chữ nhật, 3 tầng chia đều. Tầng dưới cùng sẽ là tầng để đôi giế, vạng muối, vại cà, chai nước mắm. Tầng giữa úp bát to, bát nhỏ, đĩa.

Tầng này luôn được đóng nan sàn, để bát úp được thoáng, chóng ráo nước, tầng này có thể có cánh cũng có thể không. Nếu có, cánh chạn sẽ được vắt 1 cái khăn lau bát.

Tầng trên mặt tiền chia thành 3 khoang, 2 bên sẽ là 2 khoang có khung gỗ bên ngoài, bao lấy lưới mắt cáo hay lưới mắt sàng, cho chạn thông thoáng để thức ăn tránh bị ôi thiu. Khoang giữa là 1 cánh chạn, lắp bản lề đóng vào mở ra tiện lợi.

Cánh này có thể bắt 1 đinh khuy cùng với 1 đinh khuy nữa bắt vào khung khoang lưới bên cạnh để móc 1 ổ khóa nhỏ, cũng có thể là 1 núm gỗ hoặc cao su xoay tứ phía để khi đóng cánh chạn xong sẽ cài lại cho an toàn. Thức ăn chín để trong đó yên tâm không bị chuột tha hay mèo ăn vụng.

Nóc chạn sẽ là nơi chứa đựng trăm thứ, nào cái nồi nhôm đẹp bọc ni lông để dành, nào gói mộc nhĩ không dám để gần bếp sợ mồ hóng bám vào ăn lại đắng, rồi túm miếng dong, vò thính, lại cái nồi đồng cất trong đó những gói lạc hay vừng chưa ăn đến. Nhà hay trữ thức ăn thì thế, có nhà nóc chạn lại úp mỗi cái lồng bàn.

4 chân chạn thường được kê vào 4 cái bát mẻ, đổ vào đấy chút dầu luyn hay dầu ma dút, có nhà lại quệt ít mỡ máy để chống kiến.

Tùy nhà, có nhà rộng thì kê chạn ở nhà ngang, nhà lại kê ngay chỗ thuận tiện trong gian bếp đun, nhà lại kê chạn trong buồng.

Với người lớn, nhất là những bà mẹ thì ngăn chạn nào cũng quan trọng. Ngăn cuối, cái giế hỏng là phải mua ngay không mà đổ nồi canh, bỏng ai trong nhà là khổ. Ngăn ấy phạng muối phải đầy, chai nước mắm phải chai vơi, chai đầy mới yên tâm. Mùa mưa phùn gió bấc phải có dăm cân khoai, hay đôi quả bí đỏ tích trữ.

Ngăn giữa là bát, là đĩa cũng phải để ý, không đám con không chỉ ẩu mà còn hay tị nạnh nhau việc rửa bát. Mẹ mà nhãng đi có khi chục bát rõ mới mà cái sứt, cái vỡ ngay trong tuần đầu. Còn ngăn trên là phạng mỡ, là âu tôm, góc trong thêm chai mật ong, chai rượu dổi…

Nhiều khi phạng mỡ vơi, con gái cả vét quèn quẹt để rang cơm sáng là đã thấy lo. Tính trong đầu ngay việc lượng thịt tem phiếu tháng này sẽ giảm để còn lấy mỡ khổ hay mỡ lá. Mãi cho đến khi hết bao cấp, cầu hàng thịt mỡ khổ cả phản mua lúc nào cũng có mà vẫn có thói quen rán cả sanh mỡ.

Với trẻ con, cái chạn có lẽ hấp dẫn nhất nhà. Còn bé, chúng trèo lên tầng 1, nghết cổ lên tầng 3 mở cánh xem ngăn đựng thức ăn chín. Lớn hơn đi học về buông cái cặp ra là chạy xuống mở cánh cửa chạn ngay.

Chỉ cần cơm nguội với chút nước mắm thêm con tôm rang bữa trước còn là có thể lót dạ. Ăn nhoáng nhoàng chống đói xong không kịp uống nước là mặt đã tươi hơn hớn chạy miết về phía cuối làng, đến bữa chính mới biết đường mò về nhà.

Lớn hơn nữa, anh chị em trong nhà vẫn chưa thôi hướng về cái chạn, vẫn nhất là tầng 3. Dù ở nhà tầm lửng buổi em cũng mò chạn, ngó xem bát to bát bé có gì bốc được không.

Chị đi làm về cũng khó mà đứng nấu được ngay, phải mở chạn xem thế nào cái đã. Có bát canh nấu hay đĩa rau luộc trưa còn, thì y như rằng canh ấy chan cơm nguội ăn thêm quả cà nén nhanh nhanh chóng chóng như thể phải ăn mới đủ sức nấu nướng bữa tối.

Chạn mùa hè thường sơ sài, có khi mở ra chỉ mỗi bát nước mắm. Nhưng chạn mùa đông thì không chỉ phạng mỡ mà có khi còn cả nồi tép kho tương ráo nước hay bát tôm riu rang, bát lạc rim muối hay mắm…

Dường như tất cả những mùi mắm muối mặn mòi ấy, cùng những lần sánh canh, đổ mắm… ám hết vào gỗ vào lưới chạn mà cái chạn, nhất là tầng 3 có cái mùi thật đặc biệt, vừa thấy hấp dẫn khi đói, vừa sợ ám vào cổ tay áo mỗi khi lấy đồ. Nhiều nhà cẩn thận cứ đến mùa nắng nóng là dỡ đồ, khênh chạn ra sân bể cọ sạch phơi khô rồi mới đem vào.

Qua năm tháng, cái chạn có khi bị mọt nan, hay xô lệch lưới, người cẩn thận cũng sửa sang lại tươm tất, người tính xuềnh xoàng có khi vá víu vụng trông rõ chán.

Nhưng dù, chạn mộc, chạn sơn xanh, sơn đỏ sang đẹp hay là những chạn buộc gá thêm thanh tre cật vào vào bên cạnh hay mặt tiền thì cũng theo gia chủ cả mươi mười lăm năm, đám trẻ lớn lên chẳng bao giờ quên cái góc kê và mùi chạn nhà mình. Cũng không quên cái khăn lau bát ngả màu không được trắng tinh, bố mẹ nhắc mãi mới đem đi ngâm giặt.

Không hề nhanh chóng, mà thật là lâu chạn mới hết "sứ mệnh" của nó trong tư gia. Ban đầu là người thành phố, dùng tủ lạnh Liên Xô, rồi tủ lạnh Daewoo… chạn bị lép về đem về quê.

Người thôn quê dùng chạn thêm cả một chặng dài khi điện nông thôn đỏ quạch, ti vi đen trắng giật nhằng nhằng, đám học sinh cấp 1, 2 trường làng đi học về vẫn tìm quà bà cất cho trong chạn. Đám học sinh cấp 3 trường huyện đang tuổi lớn trước khi cất bát canh vào chạn không có bố mẹ theo dõi vẫn húp thêm vài húp vơi tận đâu cả bát canh rồi mới cất.

Rồi điện về làng, sáng chan hòa cả những con đường liên xã, liên huyện cho đến những con ngõ. Tủ lạnh đã bán ở phố làng. Đôi nhà kê cái chạn xuống nhà ngang, cho đến khi con cái phương trưởng xây nhà tầng thì người làng mới quên dần cái chạn.

Thế nhưng chưa phải chạn đã vắng bóng hẳn, vì đôi cụ già vẫn giữ cái chạn xưa ở gian bếp cũ với những thúng mủng và cái gác bếp đầy bồ hóng, lủng củng những túi bồ kết, túm lá vối hay cái nồi đồng…

Nỗi nhớ cho hiển hiện tháng ngày xa lắc, tôi thấy cả cõi xa kia cũng không ngăn được bà tôi và chị tôi trở về trong tình máu mủ yêu thương.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.