| Hotline: 0983.970.780

Mót lúa

Thứ Sáu 15/05/2020 , 09:10 (GMT+7)

Thời báo cấp làng tôi nghèo lắm. Và có lẽ các làng quê lân cận cũng chắng khấm khá hơn là mấy.

Trẻ em đi mót lúa. Ảnh: phatgiao.org.vn

Trẻ em đi mót lúa. Ảnh: phatgiao.org.vn

Ngày ấy người dân quê tôi sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán của hợp tác xã, nhà nào nhà nấy thường rất đông con nên cuộc sống hết sức lam lũ, cứ thiếu trước hụt sau.

Để phụ giúp bố mẹ, mỗi khi đến mùa gặt, lũ trẻ chúng tôi lại mang một chiếc bao tải nhỏ hoặc chiếc rổ đi mót lúa khắp các cánh đồng trong và ngoài xã.

Ngoài việc mỏi chân lội xuống các mảnh ruộng mà người dân đã gặt xong hoặc đang gặt để kiếm tìm những bông lúa rơi rụng giữa ruộng hoặc trên bờ, chúng tôi còn mang theo một chiếc chổi rành cùn trơ để quét lúa đất.

Đứa nào cũng “nhè” đến nơi các gia đình vừa chất lúa bông lên xe bò để chực chờ quét lúa rơi vãi. Dân quê tôi gọi đó là lúa đất.

Chẳng hiểu sao vụ đông xuân hạt lúa thường rơi rớt nhiều hơn vụ hè thu khi người dân vận chuyển từ ruộng lên bờ hoặc từ nơi tập kết lên xe bò.

Có hôm người đi mót còn nhiều hơn người đi gặt nên chúng tôi cứ giành giật nhau từng khu vực quét lúa đất. Đôi lúc chẳng đứa nào chịu nhường nhịn đứa nào nên xảy ra cãi vã nhau chí chóe, thậm chí còn đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Nghĩ cũng tội nhưng tất cả đều vì chữ nghèo mà ra cả.

Tôi tuy nhỏ tuổi nhất trong đám đi mót nhưng “mẹo vặt” cũng chẳng thua kém ai. Thường thì tôi cứ chọn lựa những gia đình có họ hàng anh em, láng giềng gần hoặc những ai có con cái đang học lớp mà mẹ tôi dạy (hồi ấy mẹ tôi dạy cấp 1 trường Tiểu học của xã) đang gặt để tiếp cận.

Để được mọi người thương và “thưởng” công, thi thoảng tôi cũng xin được giúp đỡ họ bằng cách xung phong ôm từng gối lúa dồn vào một chỗ để người lớn bó. Mỗi bó lúa thường xếp 4 - 5 gồi lúa lại.

Nhờ cái mẹo “thả con săn sắt, bắt con cá rô” ấy nên phần lớn thành quả các buổi đi mót của tôi đều được một  bì hoặc một rổ chất đầy cả lúa bông lẫn lúa hạt. Có hôm nặng trịch không thể vác về được đành phải nhờ người nhắn chị gái đến vận chuyển giúp.

Vài ba đứa bạn thấy tôi khéo mồm khéo miệng còn đùa rằng lớn lên chắc nó được chọn vào “Bộ Ngoại giao”. Và cũng từ đấy cái đuôi tên tôi còn được gắn thêm cái biệt danh “ngoại giao” nữa. Mỗi lần nghe ai gọi thế, tôi thấy  trong lòng đầy phấn khởi, mũi phổng ra vì hạnh phúc.

Niềm vui tuổi thơ. Ảnh: ST.

Niềm vui tuổi thơ. Ảnh: ST.

Khi các cánh đồng đã gặt xong hết, lũ trẻ trâu chúng tôi lại kéo nhau về trạm giống hoặc kho lương thực K51 để chực chờ quét lúa đất. Đây là hai địa điểm được nhà nước giao nhiệm vụ thu sản phẩm.

Ngày ngày người dân mấy xã xung quanh cứ nườm nượp chở lúa về đây để nộp hoặc bán lúa giống cho các kho. Vì lúa đã được đóng vào các bao bì chắc chắn nên chúng tôi chỉ chờ bì nào bị thủng do quá trình vận chuyển của người dân mới có cơ hội mót được ít hạt rơi vãi xuống đất.

Một hôm đang ngồi nghỉ trưa trước cửa kho lương thực, tôi thấy thằng Kiên cứ thu thu đút đút một chiếc dùi nhọn làm bằng tre dắt sau lưng quần nên tò mò vặn hỏi. Thoạt đầu nó đánh trống lảng nhưng sau khi tôi “đút” cho mấy chiếc kẹo "dắt", cuối cùng nó cũng “bật mí” cho tôi biết.

Thì ra nó dùng chiếc que nhọn kia phục vụ cho kế hoạch “tác chiến” mót lúa của mình. Tranh thủ khi người dân và nhân viên kho không để ý, nó lén la lén lút đến các chiếc xe bò chở lúa, dùng que đâm thủng vài ba chỗ vào bì để khi vận chuyện từ xe xuống chiếc cân bàn, lúa sẽ rơi ra.

“Chiêu” này của Kiên đúng là lợi hại thật sự. Không ngờ nó “cao tay” hơn tôi tưởng rất nhiều. Hèn chi bữa nào nó đi mót ở kho nó cũng đầy ắp rổ lúa trong lúc bọn tôi chỉ được lưng lửng chiếc mủng nhỏ bằng nửa cái sảo của nó.

Thấy nó “ăn nên làm ra”, có lúc tôi cũng định làm liều học theo “bí quyết” đó nhưng chẳng hiểu sao lại không dám. Trong lòng cứ bị giằng xé vì vừa sợ bị phát hiện, vừa thấy có gì đó hơi quá đáng.

Bây giờ người dân quê tôi đã có của ăn của để nhờ con cái đi xuất khẩu lao động hoặc có thêm nhiều nghề phụ kiếm ra tiền. Mùa gặt đã có máy gặt liên hoàn nên chẳng có đứa trẻ nào đi mót lúa nữa.

Mỗi lần về thăm quê đúng vào mùa gặt, kỷ niệm tuổi thơ cùng lũ bạn đi mót lúa lại ùa về trong tôi. Trong giấc mơ chập chờn, hình ảnh những hạt lúa lấm lem bùn đất  trộn lẫn sỏi đá dưới gầm xe bò hay nơi bờ ruộng cứ làm tôi thổn thức đến nghẹn ngào.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Nguyễn Xuân Son nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam

Tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam, khoảng 3,5 tỷ đồng tính đến thời điểm này.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.