Rõ là người làng, vẫn đạp cái xe đạp nam, ko chắn bùn, chắn xích, không phanh, không chuông mà ra làm ở kho cuốn chỗ ngã ba đầu làng, đất gò Me, hay đồng Quan xưa là trở thành người thoát ly ngay.
Nói không sai vì đã là người biên chế nhà nước, có sổ gạo và chế độ hơn đứt người làng rồi. Cho dù vẫn là người họ Nguyễn, Bùi hay Lê trong làng, nhưng đã có bạn bè trong cả huyện, người làng thường bảo là "cánh thoát ly, quan hệ rộng".
Hội làng, người thoát ly mời khách thiên hạ tận mấy mâm, hàng xóm phải ra vào ngó xem khách nhà ấy ăn mặc thế nào, xem mặt cán bộ lương thực huyện ra làm sao.
Còn cái kho cuốn cả dãy lừng lững, nó nằm trên đất làng nhưng vì những chủ nhân quản lý kho cuốn và tấm biển ghi "Không phận sự miễn vào" ngay ngoài cổng, dưới gốc cây lại khiến nó xa cách với người làng vô cùng.
Kho cuốn hoạt động và tồn tại suốt một chặng dài với nhiều biến động lịch sử của đất nước cũng như làng xã, phận người nên nó chất chứa bao chuyện, không dễ gì nói ra hết.
Kho cuốn, được xây khoảng thời gian sau năm 1954 đôi năm, khi mà khí thế cách mang sôi sục trong các tầng lớp nhân dân. Những cái kho cuốn màu vàng tươi rói như sự háo hức của tầng tầng lớp lớp những con người mới, làm chủ tập thể, tự tay xây lại đời ta.
Kho cuốn uy nghi, bề thế, phía sau không chỉ có tường chắn cắm thủy tinh, dựng thêm dây thép gai mà còn có đê bao, rậm rạp những cây gai như dứa dại hay xấu hổ. Phía trước là sân rộng, lát gạch lục. Những cổ thụ trong sân xum xuê bóng mát.
Gọi là kho cuốn có lẽ do phần cuốn dưới móng. Kho cuốn không như kho thông thường mà phần móng được làm vững chắc, kiên cố, với những nửa hình tròn cuốn rỗng rộng khoảng 1m sát nối nhau, rồi mới đến sàn. Cuốn này khiến sàn không tiếp đất, nền kho sẽ đỡ ẩm, thóc gạo sẽ không bị nấm mốc.
Kho cuốn có nền cao, bậc lên vững chắc, dễ bước, dễ mang vác, cửa kho to rộng, 2 lần cửa. Mỗi khoang kho có thể chứa được khoảng 150 - 200 tấn lúa, gạo, hoặc có thể là ngô, sắn, bột mì...
Kho có "tường 20", cao, trát phẳng, tường kho thường vẽ hình cổ động cơ giới hóa nông nghiệp và các khẩu hiệu như "Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người", "Tất cả vì tiền tuyến", "Quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ chiêm xuân chào mừng"…
Kho cuốn lợp mái bằng ngói móc, ngói bò phân chia 2 mái trước sau được trát cẩn thận, sau có hè tránh mưa, đầu hồi cũng đổ mái vuông vức.
Thóc lúa từ kho cuốn phải đem đi B, phải lo nuôi dân thành phố, nuôi cánh dài lưng tốn vải, nuôi cánh thoát ly ăn trắng mặc trơn… người làng từng nói mỉa thế.
Nhiều khi, đến mùa gặt, đôi người thồ lúa về nhà mình, đập phơi giấu, rồi giã cối gạo mới ăn, kệ cho muốn đến đâu thì đến. Chứ đem về sân kho hợp tác, làm mửa mật ra rồi thóc nhập về kho cuốn ai chịu nổi.
Từng khoang, từng khoang, thóc vàng như ruối chín, từ nền rồi cao đến chạm trần cót ép. Những lỗ thông hơi có lưới chống chuột hắt vào những luồng sáng trắng yếu ớt. Người của hợp tác xã nông nghiệp nườm nượp từ các xã thồ thóc tụ tập về sân kho cuốn. Những gốc cây người đứng, người ngồi chờ đến lượt mình nhập thóc.
Phụ nữ thường khăn trùm kín mặt, lại cái nón xùm xụp, xà cạp màu váng đồng đi kín tay vì sợ rặm. Cái cân bàn kì cạch những mã thóc đóng trong các bao dọc xanh khâu kín. Cân xong, vào sổ xong cánh bốc vác rất nhanh 2 người hỗ trợ đặt lên vai 1 người vác vào trong kho. Thóc vào đến nơi đổ, có người cắt đường khâu bao tải, đổ xuống đống.
Chưa vãn mùa kho thóc đã lưng lửng, nhiều ngày phải nhập thóc đến đêm mới nghỉ. Dòng người chưa dứt nhập thóc vào cửa kho này, thì cũng lại rất đông cửa kho kia mở để phát xay. Phát xay là người dân nhận thóc từ kho này về, xay thành gạo nộp lại trả nhà nước, theo tỉ lệ quy định.
Người nhận phát xay sẽ được hưởng trấu, cám, có thể dư ra ít gạo. Nhà nào thiếu đói được nhận phát xay là cả 1 đặc ân.
Nhưng thường thì người dân không mấy khi được nhận mà chỉ có người trong ngành và cùng lắm là cánh bốc vác mới được nhận mà thôi.
Cái kho cuốn không được lòng dân thì phải? Ban ngày thì thế, ban đêm kho cuốn phải canh phòng. Vì nếu kho cuốn bị xâm phạm thì không chỉ đói mà còn nhiều hệ lụy xấu xảy ra.
Đã có những đêm mưa dông, ông thủ kho làm ngụm rượu vừa chợp mắt thì thấy lao xao chạy ra, anh em bảo vệ đã tóm sống một người xóm Chợ lợi dụng đêm tối, đục lỗ thông hơi kho cuốn xúc trộm thóc. Khi hắn vác được đến bao thứ 3 thì bị bắt. Biên bản lập xong, đọc lên, người này cúi đầu kí nhận tội.
Ngay đêm đó, đại đội đã đọc oang oang trên loa "…X.Y.Z can tội ăn cắp tài sản XHCN...". Có người cười khinh bỉ, người lại bảo "Đói thì làm liều chứ sao?".
Rồi khoản sản phẩm đến nhóm và người lao động, bà con hay gọi tắt là khoán quản. Ruộng nhà nào, nhà ấy cấy, thoát cái cảnh ăn chung đổ hộn. Đến mùa nộp thuế, kho cuốn đông kín người. Tiếng cười nói, tiếng chửi cũng không thiếu. Người ta chửi thủ kho vì không nhận thóc của họ. Thủ kho thì kiên quyết không nhập thóc lép.
Đôi người hát toáng lên câu hát "Chớ mang thóc lép qua cầu gió bay", trong khi dân đuổi đánh thủ kho chạy xung quanh kho cuốn, bị dồn ngã dúi dụi vào gốc dứa dại toàn gai sắc. Đám người đi nộp thóc thuế vội vàng vào can nếu không thủ kho sẽ bị đánh như đòn thù...
Thế rồi, đùng cái "bỏ sổ gạo". Lúc này, kho cuốn còn, nhưng vắng vẻ hơn xưa nhiều. Đã có chính sách nộp thuế bằng tiền, chuyển đổi giống cây trồng trên đất cũng khiến đồng đất quê nhà và diện mạo làng xã thay đổi hẳn.
Lương thực huyện cũng không còn là mối quan tâm của dân thoát ly nữa. Cây lâu năm khu kho cuốn rậm rạp, cỏ mọc đầy sân, màu vôi vàng cũng đã bạc theo thời gian.
Nhiều kho cuốn bị phá dỡ, khiến nhiều người nay không hề có khái niệm gì về kho cuốn. Một số kho đã thuộc về cơ quan quản lý lương thực quốc gia quản lý.
Người dân lo làm ăn cũng không mấy quan tâm đến kho cuốn nữa. Có chăng chỉ là nhằm vào khu đất ấy, nếu có dỡ kho, bán đấu thầu hay thiên hạ có tiền tìm về mua đất làng.