Google tôn vinh Cải lương
Google Doodle hôm nay 28/9/2020 đã thay đổi biểu tượng nhằm tôn vinh nghệ thuật cải lương. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi dự án quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật, danh nhân, thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam bằng Google Doodle.
Một trong những tác phẩm cải lương mang tính biểu tượng nhất là “Tiếng trống Mê Linh". Vở cải lương lịch sử kể về câu chuyện có thật của anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai bà đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam khỏi nhà Hán ở thế kỷ thứ nhất.
Được xem là tác phẩm kinh điển của loại hình nghệ thuật cải lương, “Tiếng trống Mê Linh” được nhiều nghệ sĩ biểu diễn cải lương hàng đầu của Việt Nam dàn dựng kể từ lần đầu ra mắt năm 1977.
Việc Google thay đổi biểu trưng này là một điều vô cùng ý nghĩa, tôn vinh lên loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta.
Ngoài thay đổi biểu tượng trang chủ, Google còn hợp tác với Đài truyền hình TP.HCM đưa lên nền tảng YouTube trọn vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh để phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
Cải lương là gì?
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ.
Giải thích chữ “cải lương” (改良) theo nghĩa Hán Việt, GS Trần Văn Khê trong bài viết “Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam bộ Việt Nam” ngày 14/6/2007 cho rằng “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.
Theo GS Trần Văn Khê, danh từ “cải lương” được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thinh của ông Trương Văn Thông vào năm 1920 (cũng có tài liệu ghi năm 1922). Bấy giờ, trước sân khấu của gánh hát này có treo câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
Cải lương ra đời như thế nào?
Ngày 14/4/1917, báo Nông Cổ Mín Đàm có đăng một bài diễn thuyết mang tên Cải lương hí nghệ của Lương Khắc Ninh kêu gọi cải cách nghệ thuật, trong đó có đoạn: “Chớ chi một ít thầy hiệp lại, nhơn công chừng ít giờ tập hát theo tân thời, trước là chơi, hạ là có tiền xài, ba nữa là cải lương cái điệu hát. Chuyện tới đây không khó, đó học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó hát theo Lang Sa. Rất đổi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao”.
Trong bài viết này đã thấy xuất hiện các cụm từ “hát theo tân thời”, “cải lương cái điệu hát” đã gây sự chú ý cho các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người quan tâm tới việc cách tân đờn ca tài tử và ca ra bộ lúc bấy giờ.
Tiếp theo đó, ngày 11/9/1917, một vở kịch mang tên Vì nghĩa quên nhà đã được công diễn, đây là vở kịch mô phỏng hài kịch phương Tây, báo hiệu buổi bình minh của nghệ thuật cải lương đã ló dạng.
Trước những năm 20 của thế kỷ XX thì đa số các đoàn hát đều ghi thêm chữ Ban sau cái tên đoàn hát của mình như: Văn Hí Ban, Tái Đồng Ban, Sĩ Đồng Ban, Kỳ Lân Ban, Tân Phước Ban,...
Nhưng để chỉ loại hình nghệ thuật cải lương rất mới này, người ta thường gọi là “gánh hát kim thời” hoặc “gánh hát tân thời”.
Mãi tới năm 1920, mới có ông Trương Văn Thông (1888-1962) là một nghiệp chủ có bề thế tại làng Tân Quy Đông, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) đứng ra lập một đoàn hát với bảng hiệu: Đoàn cải lương Tân Thinh - Sa Đéc.
Cũng từ thời điểm ra đời của Đoàn Tân Thinh, người ta lại dùng từ “đoàn” thay cho từ “gánh hát” trước kia. Hai soạn giả cột trụ của đoàn cải lương Tân Thinh là Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu đã nghĩ ra hai câu đối để giải thích hai chữ cải lương rất mới mẻ vào lúc đó như sau:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Nội dung của hai câu đối này thật đúng theo ý của ông Nguyễn Khắc Ninh đã nêu ra trên Nông Cổ Mín Đàm 3 năm trước đó. Vào những năm đầu, đoàn cải lương Tân Thinh đi lưu diễn ở đâu, trước cửa rạp đều có treo hai câu đối này dưới bảng hiệu.
Từ hai câu đối này, ông bầu Thông cùng soạn giả Lâm Hoài Nghĩa lấy hai chữ đầu của câu đối đặt trước danh hiệu gánh hát của mình: “Đoàn Cải lương Tân Thinh-Sa Đéc”.