| Hotline: 0983.970.780

Cái nôi nghề sản xuất giống nước ngọt miền Bắc

Thứ Ba 05/11/2019 , 12:42 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 là một trong 3 viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong cả nước.

Cá Chiên giống trong bể nuôi của Trung tâm tư vấn ở Viện 1. Ảnh: Đinh Tùng.

Viện có thế mạnh về bảo tồn, khai thác, phát triển các nguồn gen quý hiếm cá nước ngọt.

Từ những thành tựu khoa học đạt được trong công tác chọn tạo, sản xuất giống nhân tạo và công nghệ nuôi, Trung tâm Tư vấn, Sản xuất, Dịch vụ và chuyển giao Công nghệ Thủy sản (Trung tâm) là đơn vị trực thuộc Viện 1 không ngừng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên cho nhiều địa phương khu vực phía Bắc (Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên…) nhằm phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ nguồn lợi và đa dạng sinh học.
 

Gian khó nghề làm giống

Để thành công trong công tác bảo tồn một đối tượng quý hiếm trong sách đỏ cấp độ IV hoặc V không hề dễ dàng. Mỗi một công trình nghiên cứu phải mất từ 7 đến 10 năm mới khép kín toàn bộ quy trình công nghệ từ công đoạn thuần dưỡng đến sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm.

Tại khu vực sản xuất giống gốc thuộc Trung tâm quản lý đang chứa đầy con giống cá Chiên, cá Chạch sông với các loại kích cỡ từ cá bột đến cá giống 5 – 8 cm/con trong hơn 50 bể xi măng và 15 bể composite các loại.

Theo ThS. Trần Anh Tuấn, để thành công được đến ngày hôm nay, nhóm nghiên cứu của anh trong đó có Th.S Nguyễn Đức Thống và KTV Nguyễn Văn Điệp cùng nhau trải qua 11 năm nghiên cứu với nhiều khó khăn, đến ngày hôm nay mới được thấy thành quả.

Anh Tuấn kể, tháng 8/2008 đề tài chỉ giữ được 1 con giống cỡ 2,5 cm để báo cáo tiến độ khi đoàn kiểm tra của Ban quản lý dự án SUDA đến làm việc. Hay như năm 2009, đàn cá giống cỡ 6 – 8 cm bị dịch bệnh chết hàng vài chục nghìn con chứa đầy các thùng đựng formalin.

Cá chiên giống có chất lượng tốt. Ảnh: Đinh Tùng.

Cái khó trong sản xuất giống là phải hiểu được đặc tính sinh học sinh sản, kết hợp với các điều kiện sinh thái nhân tạo mới có thể thành công được trong công tác sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên, điểm khó khăn là công tác ương giống, các giống cá da trơn như cá Chiên, cá Chạch sông, cá Lăng chấm rất dễ nhiễm các bệnh về nấm và ký sinh trùng. Một số loại ký sinh trùng như trùng quả dưa, trùng loa kèn, trùng bánh xe gây chết hàng loạt bắt đầu từ giai đoạn ương cá hương lên cá giống (cỡ 4 – 6cm).

Về thức ăn, trung tâm cũng luyện được cho các loại cá giống ăn thức ăn công nghiệp, điều này sẽ giúp người dân sau khi mua giống có thể chăm sóc cá dễ dàng hơn. Để làm được điều này, trước tiên cá con vẫn ăn phù du rồi đến giun, trùn chỉ rồi độn dần thức ăn công nghiệp vào.

Vì vậy, để thành công trong sản xuất giống đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải theo dõi tỉ mỉ hàng giờ, hàng ngày để chăm sóc con giống. Ngoài ra, điều kiện khí hậu miền Bắc nóng ẩm, hay mưa làm các đối tượng cá giống rất hay bị nhiễm vi khuẩn, nếu các hộ sản xuất giống không có kỹ thuật và kinh nghiệm định kỳ quản lý môi trường nước thì rất dễ bị hỏng các đàn cá ương mà không phát hiện ra nguyên nhân.

Anh Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Tất cả các yếu tố như môi trường, nước hay nguy cơ mầm bệnh đều phải được theo dõi chặt chẽ. Ví dụ, nếu thời tiết thay đổi mà không phát hiện sớm để phòng ngừa thì cá có thể nhiễm bệnh và chết. Nếu không dự đoán được sự việc, khi phát hiện một số con chết thì chết cả bể, không thể cứu được”.

Mỗi ngày, công việc đầu tiên của các kỹ thuật viên là tổ chức kiểm soát môi trường, kiểm tra sức khỏe của từng bể cá giống trước khi cho ăn. Ở giai đoạn cá bột, mỗi ngày sẽ có 8 bữa ăn nhưng khi cá lớn, được chia vào các bể lớn thì giảm xuống 4 bữa/ngày.

Nhân công của Trung tâm tư vấn đang phân đàn cá Chạch. Ảnh: Đinh Tùng.


Người dân tin tưởng

Với nhu cầu của người dân trong việc phát triển kinh tế nuôi cá nước ngọt thời điểm này, lượng cá giống đặc sản của Viện I sản xuất ra dù nhiều nhưng vẫn không đủ để bán.

Hiện nay, dù có nhiều loại đặc sản nhưng cá Chiên, cá Chạch sông, Lăng chấm vẫn là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Đây là loài ưa sống ở các vùng nước chảy nên cá giống được người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc mua nhiều như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái..

Để có được sự tin tưởng của khách hàng như trên, bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe, chất lượng con giống, viện còn rất quan tâm đến quá trình vận chuyển và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi.

Khách hàng hiện nay không cần đến viện mà có thể đặt hàng qua mạng, quá trình vận chuyển sẽ được Trung tâm thực hiện, đảm bảo con giống đến nơi hoàn toàn khỏe mạnh. Về công tác hỗ trợ kỹ thuật, các cán bộ của trung tâm thường xuyên được cử đi các vùng nuôi, cùng ăn ở để phổ biến cách thức nuôi, cách thức phòng bệnh cho người dân.

Ngoài hiểu biết về khoa học trong lĩnh vực Nuôi trồng Thủy sản, Viện 1 cũng là nơi cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường, từ đó hỗ trợ, hướng dẫn người dân về đầu ra của cá. Vì vậy, người dân tin tưởng và xem Viện 1 như một địa chỉ cung cấp cá giống uy tín số một ở miền Bắc.

Xem thêm
Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển