Hỏi: Tôi đang trồng 2 công nhãn Ido trên vùng đất sét và phèn ở An Giang. Xin hỏi có biện pháp nào cải tạo đất khi đã trồng cây? Nhãn tôi trồng gần nửa năm nhưng phát triển rất chậm.
Trả lời: Hầu hết đất canh tác ở ĐBSCL đều thiếu canxi, nhất là vùng đất sét và phèn là vùng đất chua độ pH đất rất thấp, vì vậy cần bón vôi để nâng độ pH của đất lên (còn gọi là cải tạo đất). Cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng trước khi trồng cây phải cải tạo đất (cải tạo độ pH của đất).
Bón vôi: Vôi có 3 loại gồm (1) Bột đá vôi (CaCO3) được làm ra bằng cách nghiền mịn đá vôi. Loại này tác dụng chậm, thường từ 2 - 6 tháng sau khi bón tùy theo độ mịn của bột đá; (2) Vôi nung (CaO) được tạo ra bằng cách nung đá vôi trong lò nung như làm gạch ở nhiệt độ khoảng 900 - 1.000 độ C. Loại này tác dụng mạnh và nhanh nhất nhưng dễ gây bỏng khi gặp nước; (3) Vôi tôi (Ca(OH)2) được tạo ra bằng cách tưới lên vôi nung một lượng nước gần bằng trọng lượng của nó, lúc đó vôi tả ra thành bột, sinh nhiệt (khoảng 150oC) và bốc hơi sau đó để nguội rồi mới bón. Dạng vôi này tác dụng cũng khá nhanh.
Cách bón: Vì bác đã trồng cây ăn quả nên trước khi bón vôi cần dùng cuốc, cuốc đất xung quanh gốc cây sau đó rắc vôi bột đều rồi dùng cuốc đảo sau đó phải tưới một lượng nước ngọt dư thừa để rửa mặn ra khỏi liếp. Sau đó mới bón supe lân, phân chuồng hoai mục.
Hỏi: Nuôi chim bồ câu có thể áp dụng mô hình 1 trống 2 mái không?
Trả lời: Chim bồ câu thuộc loài đơn phối. Khi đến tuổi trưởng thành một trống một mái cặp với nhau thành một cặp. Chúng giao phối và cùng nhau ấp trứng và nuôi con.
Cho đến nay, mặc dù phương thức nuôi chim có nhiều thay đổi, chuyển từ nuôi thả tự do sang nuôi nhốt công nghiệp nhưng vẫn nuôi theo mô hình 1 trống 1 mái. Mô hình nuôi 1 trống 2 mái không khả thi do bồ câu vẫn giữa nguyên đặc tính của loài đơn phối. Để tăng khả năng suất trong chăn nuôi, trên thế giới đã nghiên cứu ấp trứng nhân tạo và nuôi chim bằng sữa nhân tạo có thành công bước đầu.
Hỏi: Tôi trồng cà rốt và lạc ở giai đoạn cây con rất hay bị chết héo tái xanh. Nhưng khi nhổ cây lên thấy rễ không thối hỏng mà bị con gì đó ăn cụt. Xin cho biết loài sâu hại đó là gì? Đặc điểm gây hại ra sao và cách phòng trừ?
Trả lời: Theo những gì bác miêu tả thì rất có thể cây lạc và cà rốt giai đoạn đầu vụ đã bị đối tượng sùng đất gây hại. Nông dân rất khó phát hiện vì hầu hết các pha như trứng, sâu non và nhộng đầu tồn tại trong đất. Pha trưởng thành giai đoạn sau vũ hóa và giao phối chúng sống trên cây nhưng lại trú ngụ trên các cây kí chủ phụ như đa, sung, xoan, bưởi, bạch đàn.
Có 2 loài sùng đất là sùng trắng lớn và sùng trắng nhỏ. Ấu trùng hình chữ C, sâu non màu trắng đục 3 tuổi có thời gian phát dục từ 1 - 2 năm. Trong đó tuổi 1 - 2 có thời gian phát dục gần 2 tháng. Sâu non tuổi 2 và 3 là gây hại mạnh nhất.
Sùng trắng phát sinh và gây hại rễ, củ nhiều loài cây trồng cạn. Khi bị hại cây trồng có thể bị chết cục bộ hoặc chết trên một diện tích lớn tùy theo mật độ sùng dưới đất. Cây bị hại có biểu hiện héo rũ trông giống như chết do bệnh héo xanh vi khuẩn nhưng rễ bị cắn cụt. Khi lạc hoặc cà rốt vào củ, sùng trắng cắn phá làm củ bị đục rỗng hoặc sứt hạt, củ làm giảm năng suất.
Phòng trừ:
- Luân canh với lúa nước sẽ làm trứng, sâu non và nhộng trong đất bị chết hàng loạt do đất bị ngập nước.
- Trước khi gieo trồng cây trồng cạn cần cày sâu, dùng bừa máy băm đất nhỏ làm chết sùng non. Khi thấy có cây vừa bị chết nên đào xung quanh bắt giết sâu non. Bắt trưởng thành trên các cây kí chủ sau trận mưa đầu mùa (khoảng trung tuần tháng 5) từ 20 - 22h hoặc phun thuốc lên cây kí chủ khi chúng lên ăn và giao phối(khoảng 3 - 4 lần).
- Xử lý đất trước khi gieo trồng bằng cách rắc vào đất bởi một trong các thuốc: Vibasu 10H (1 kg/sào) hoặc Furadan 3G, Regent 0,3G...
- Cày sâu sau khi thu hoạch cũng làm giảm quần thể sâu hại.