| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đồng cói Nga Sơn

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:57 (GMT+7)

Sau 2 năm cải tạo diện tích cói hoang hóa, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có vùng sản xuất cói tương đối ổn định, thu nhập cao.

Sau 2 năm cải tạo diện tích cói hoang hóa, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có vùng sản xuất cói tương đối ổn định, thu nhập cao.

Trên khắp cánh đồng đâu đâu cũng thấy màu xanh non của cói. Mặc dù thời tiết lạnh, nhưng người dân vẫn cặm cụi ra đồng chăm sóc, bón phân cho cói. Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nga Sơn chỉ tay ra đồng cói xanh ngắt nói: Vài năm trước hầu hết đồng cói Nga Sơn bị hoang hóa, nhiều bãi cói bị bồi cao hơn cả mét khiến người dân không thể trồng cói, dần dần bỏ nghề. Nhiều nhà cày cấy được, chỉ làm tự phát, manh mún; không mang lại hiệu quả...

Năm 2008, UBND huyện Nga Sơn ban hành đề án “Phát triển kinh tế vùng cói ven biển huyện Nga Sơn, giai đoạn 2008-2015” nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo những vùng hoang hóa và hạ thấp mặt bằng. Sau hai năm triển khai, người dân rất phấn khởi vì cói cho năng suất, sản lượng cao; thu nhập tương đối ổn định, nhiều hộ khấm khá nhờ trồng cói.

"Tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng thâm canh cói ở một số xã chưa được chú trọng. Diện tích chuyển đổi không tập trung nên khó khăn điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, thâm canh; ảnh hưởng đến năng suất cói... Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án, để các xã ven biển trở thành làng nghề thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là điểm nhấn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”, ông Thành nói.

Anh Nguyễn Duy Hòe (thôn 6, xã Nga Tân) không giấu nổi niềm vui: Nhà tôi trồng 6 sào cói, mọi sinh hoạt của gia đình đều trông vào nó. Những năm trước để hoang hóa cho cỏ dại mọc, đất cằn cỗi, nền cao không thể canh tác. 6 sào nhưng tính ra mỗi nơi chỉ làm được một ít, vỏn vẹn gom lại cũng chỉ được 1 sào. Được cấp trên cho nạo vét lại ruộng, giữ nước ngọt vào đồng, tôi đã trồng lại 6 sào cói, cho thu hoạch năng suất cao hơn nhiều.

Anh Đào Văn Sĩ trước cũng để ruộng hoang, nay đã gieo cấy trở lại. Anh khoe: “Gần 10 sào cói của gia đình được quy hoạch một chỗ, thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch. Đây là năm đầu thu hoạch, song năng suất cao gấp 3, 4 lần năm trước; đạt 50-60 tạ/ha, giá bán cũng cao, từ 16.000-18.000 đ/kg cói".

Ông Thành cho biết thêm: Toàn huyện có 27 xã, thị trấn; trong đó có 8 xã ven biển với diện tích trồng cói năm 2010 đạt 2.283,3 ha. Đến nay đã chuyển diện tích lúa xen cói sang trồng cói hiệu quả là 255 ha; cải tạo hạ thấp mặt bằng để trồng cói 518 ha. 

Trước khi ban hành đề án phát triển kinh tế vùng cói ven biển, năm 2007 diện tích cói thu hoạch 2 vụ chỉ có 2.606 ha chiếm 82,5% diện tích. Từ khi triển khai đề án, năm 2010 dù nắng hạn kéo dài song diện tích cói 2 vụ tăng lên 2.912, năng suất 79,5 tấn/ha, sản lượng 28.152 tấn. Việc cải tạo, chuyển đổi, hạ thấp mặt bằng từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cói, tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.