| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 10/01/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 10/01/2019

Cái tát không phải công cụ giáo dục!

Năm 2018 vừa qua, có quá nhiều vụ bạo lực học đường khiến xã hội day dứt. Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Bình, đã có hai vụ xôn xao...

Ngày 5/1/2019, công an huyện Quảng Ninh – Quảng Bình đã khởi tố bị can đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (42 tuổi, giáo viên Trường THCS Duy Ninh) vì liên quan đến vụ một học sinh lớp 6 bị tát 231 cái, thì ngày 8/1/2019 đích thân Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy- Quảng Bình đã yêu cầu ngành giáo dục địa phương tạm đình chỉ công tác cô giáo Lê Thị Hải (40 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy) vì đã tát 2 cái khiến học sinh lớp 1 bị chảy máu tai và chấn thương sọ não. Thật chua xót, khi những miền quê yên ả vốn được kết nối bằng tình thương giữa con người với con người, lại dậy sóng bởi những cái tát vào mặt học sinh ngay giữa lớp học.

Cô giáo Lê Thị Hải. Ảnh: Dân trí

Năm 2018 vừa qua, có quá nhiều vụ bạo lực học đường khiến xã hội day dứt. Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Bình, đã có hai vụ xôn xao. Từ vụ em Hoàng Long Nhật (học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh) chỉ vì nói tục đã bị cô giáo ra lệnh cho 23 bạn học cùng lớp thay phiên nhau tát 231 cái, đến vụ em Trương Ngọc Hải (học sinh lớp 1.1 Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy) chỉ vì chép nhầm đề bài kiểm tra đã bị cô giáo trực tiếp tát 2 cái, ít nhiều phơi bày thực trạng: không ít giáo viên đang sử dụng cái tát như một công cụ giáo dục.

Liệu phương pháp sư phạm quái đản ấy, có hiệu ứng tích cực gì không? Chắc chắn không! Khuôn mặt sưng vù của em Hoàng Long Nhật và vùng đầu bị chấn thương của em Trương Ngọc Hải, chính là lời tố cáo về sự xuống dốc của đạo đức nhà giáo. Uốn nắn học sinh có hàng trăm cách khác nhau, mà bạo lực không thể nào là một chọn lựa khôn ngoan và nhân ái. Giáo viên dùng cái tát, không khiến các em lễ phép hơn hoặc giỏi giang hơn, mà chỉ khiến các em tổn hại đau đớn và hình thành thái độ lệch lạc về môi trường xung quanh.

Riêng trường hợp em Trương Ngọc Hải thì quá đáng thương. Bố em làm phụ hồ, mẹ em thu lượm ve chai, họ lam lũ suốt ngày thì đành mong trường học cho con mình một cơ hội bước chân vào tương lai tốt đẹp. Thế nhưng, vì sự ngây ngô của học sinh lớp 1 chép nhầm đề bài kiểm tra, em Trương Ngọc Hải đã hứng trọn 2 cái tát khủng khiếp. Càng ngẫm nghĩ càng thấy ê chề, khái niệm “cô giáo như mẹ hiền” đã biến mất trên trần gian rồi ư?

Cả hai vụ tát học sinh ở tỉnh Quảng Bình đều được giải thích do giáo viên sốt ruột với thành tích dạy và học. Ơ hay, thành tích dạy và học không phải nằm ở những bản báo cáo thơm tho và ở những tấm bằng khen dành cho trường học hay dành cho giáo viên, mà phải nằm ở chính sự khôn lớn của từng học sinh. Không có trường học nào được phép chạy đua thành tích bằng cách đẩy học sinh vào một không gian bạo lực đến mức tội nghiệp. Có lẽ, đã đến lúc những người đang cầm cân nảy mực cho ngành giáo dục nước ta phải nghiêm túc xem lại các phong trào thi đua đang nở rộ kiểu ngược ngạo ở mỗi trường học.