| Hotline: 0983.970.780

Cải thiện chất lượng giống, đưa dẻ Trùng Khánh sản xuất hàng hóa

Thứ Hai 25/04/2022 , 09:05 (GMT+7)

CAO BẰNG Là cây lâm nghiệp đa mục đích, cây dẻ cho thu quả giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Vùng dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) đang đưa cây dẻ thành sản xuất hàng hóa lớn.

Nhiều vườn dẻ tại Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh năm 2021 bị giảm sản lượng do nhiều cây già cỗi, tỷ lệ đậu quả kém. Ảnh: Công Hải.

Nhiều vườn dẻ tại Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh năm 2021 bị giảm sản lượng do nhiều cây già cỗi, tỷ lệ đậu quả kém. Ảnh: Công Hải.

Nguy cơ thoái hóa cây dẻ Trùng Khánh

Huyện Trùng Khánh là một trong những địa phương của tỉnh Cao Bằng có nhiều cây trồng đặc sản bản địa nổi tiếng, trong đó có cây dẻ. Từ năm 2011, hạt dẻ Trùng Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định giá trị to lớn của đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cây dẻ chưa được phát triển đúng với tiềm năng vì thiếu thông tin về đặc điểm lâm học, sinh lý, sinh thái, các kỹ thuật nhân giống và trồng rừng chưa được nghiên cứu đầy đủ và bài bản, dẫn đến thiếu hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh dẻ Trùng Khánh theo hướng lấy quả.

Diện tích trồng dẻ Trùng Khánh chỉ khoảng 260ha, chủ yếu tập trung tại các xã: Khâm Thành, Đình Phong, Đình Minh, Ngọc Khê, Chí Viễn, Phong Châu và Thị trấn Trùng Khánh... với sản lượng khoảng 180 - 200 tấn/năm. Thời điểm cây phát triển tốt nhất, mỗi cây dẻ có thể cho thu hoạch từ 30 - 50kg hạt, năng suất bình quân đạt 22 - 25 tạ/ha, thu nhập đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha...

Mặc dù có giá trị kinh tế cao và nhu cầu rất lớn, nhưng do người dân chưa biết cách chăm sóc, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với nhiều cây già cỗi nên một số cây bắt đầu chết hoặc cho sản lượng thấp, chất lượng nguồn gen có hiện tượng suy giảm.

Cây dẻ Trùng Khánh cho năng suất cao từ năm thứ 8 trở đi. Ảnh: Công Hải.

Cây dẻ Trùng Khánh cho năng suất cao từ năm thứ 8 trở đi. Ảnh: Công Hải.

Bà Hoàng Thị Bòng, tổ 6, Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 7.000m2 cây dẻ được gần 20 năm nay. Năm 2020, gia đình thu hơn 1 tấn hạt dẻ, giá bán từ 120 - 140 nghìn đồng/kg, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cứ đến vụ dẻ chín là khách quen vào tận vườn mua hoặc gọi điện gửi ra Thành phố Cao Bằng và đi các tỉnh, thành phố làm quà biếu chứ không cần mang ra chợ bán.

"Tuy nhiên, cây dẻ trồng nhiều năm cũng sẽ già cỗi, năng suất giảm dần. Một số cây lâu năm không cho quả nên tôi đã chặt tỉa dần. Năm 2021, gia đình chỉ thu được gần 5 tạ dẻ, giảm 50% sản lượng năm 2020. Năm 2022, tôi bắt đầu trồng mới dẻ ghép để rút ngắn thời gian phát triển và cho quả", bà Bòng cho biết.

Đưa cây dẻ sản xuất hàng hóa 

Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với nhiều đơn vị, chỉ đạo các Sở, ngành, huyện Trùng Khánh tìm nhiều giải pháp để mở rộng diện tích cây dẻ, đưa thương hiệu hạt dẻ vươn xa ra ngoài tỉnh. Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cũng triển khai đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây dẻ Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng” từ năm 2018, tập trung vào xác định giá trị nguồn gen cây dẻ, chọn lọc cây trội để lấy vật liệu nhân giống, xây dựng vườn giống vô tính dẻ Trùng Khánh 1ha và 3ha mô hình điểm trồng rừng thâm canh bằng các dòng có năng suất cao.

Nhiều vườn ươm giống dẻ ở huyện Trùng Khánh đang phát triển tốt. Ảnh: Công Hải.

Nhiều vườn ươm giống dẻ ở huyện Trùng Khánh đang phát triển tốt. Ảnh: Công Hải.

Từ kết quả thu thập, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng và phẩm chất cây dẻ, đề tài đã tuyển chọn và công nhận 31 cây trội dẻ Trùng Khánh. Đây là các cây sinh trưởng tốt, phẩm chất tốt, với đường kính thân (ngang ngực) trung bình đạt 57,3cm, chiều cao vút ngọn đạt trung bình 16,3m, đường kính tán dày đạt 8,7m, độ dày tán đạt 4m, sản lượng trung bình 3 năm gần nhất đạt 25,5kg. Đây là nguồn gen tốt phục vụ công tác nhân giống, tạo ra các cây con có chất lượng, năng suất cao.

Bên cạnh đó, đề tài cũng nghiên cứu kỹ thuật nhân giống vô tính loài dẻ Trùng Khánh bằng phương pháp giâm hom, biện pháp nhân giống sinh dưỡng dẻ bằng phương pháp ghép, gồm ghép nêm, ghép áp, ghép mắt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp ghép cho ưu điểm vượt trội, cây ghép giữ được các đặc tính của giống muốn nhân, cây ghép sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của cây gốc ghép, hệ số nhân giống cao, tăng khả năng chống chịu hạn, chịu úng, chịu rét và sâu bệnh.

Trong các phương pháp ghép, ghép nêm cho tỷ lệ thành cây cao nhất, chiếm 83%. Nhóm thực hiện đề tài phối hợp với huyện Trùng Khánh cũng đã tổ chức khảo sát địa điểm, liên kết xây dựng vườn ươm cây dẻ để chọn cây giống tốt, đảm bảo năng suất vườn ươm giữa hợp tác xã với các hộ liên kết trồng dẻ, diện tích trên 15ha.

Hiện nay, Công ty TNHH Nasan Green tại huyện Trùng Khánh phối hợp và nhận chuyển giao với Viện Nghiên cứu Lâm sinh nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây dẻ Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng”. Dự án thực hiện với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về nhân giống, gây trồng phát triển cây dẻ và chế biến các sản phẩm từ hạt dẻ Trùng Khánh.

Hạt dẻ là đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Hạt dẻ là đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Dự án đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu Lâm sinh với các nội dung: Thực hiện quy trình công nghệ nhân giống vô tính cây dẻ Trùng Khánh và đồng hành với người dân trên địa bàn, gây trồng 5 ha cây dẻ với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Lâm Sinh tại xã Đình Phong; tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công thương) các quy trình như: Công nghệ sơ chế, bảo quản lạnh hạt dẻ, công nghệ chế biến các sản phẩm từ hạt dẻ (hạt dẻ chiên chân không, bột hạt dẻ).

Dự án đã góp phần khai thác và phát triển nguồn gốc, xuất xứ hạt dẻ trùng Khánh đạt năng suất, từng bước làm chủ tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng từ đất đai, lao động, tạo ra sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người dân tham gia trồng dẻ.   

Ông Hoàng Mạnh Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế cao do cây dẻ mang lại, mấy năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh mở rộng diện tích. Từ năm 2017 đến nay, huyện hỗ trợ cấp phát hơn 10.000 cây giống, trồng mới hơn 150ha dẻ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện chú trọng phát triển cây dẻ, mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích dẻ toàn huyện trên 1.000ha tại 7 xã, giao chỉ tiêu cho các xã qua từng năm.

"Việc triển khai các đề tài phát triển nguồn gen, nhân giống sẽ góp phần sản xuất được nhiều cây giống đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng, sản lượng, mở rộng diện tích cây dẻ, đưa đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh trở thành hàng hóa, tiến tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài", ông Hào cho biết thêm.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.