Theo số liệu Tổng cục thống kê, năm 2009 số lượng vịt của cả nước là 68,63 triệu con và đến năm 2015 tăng lên 69,55 triệu con, năm 2020 số lượng đầu vịt của nước ta đã tăng lên 82,53 triệu con, tỷ lệ tăng đầu con năm sau cao hơn năm trước 0,86 - 1,7%. Sản lượng thịt vịt hơi cũng tăng từ trên 124.000 tấn (năm 2010) lên 156.000 tấn (năm 2015) và xấp xỉ 240.000 tấn (năm 2020), tỷ lệ tăng 32%.
Ngành chăn nuôi thủy cầm có được những thành tựu trên là nhờ những tiến bộ về công tác giống, kỹ thuật, thức ăn, quản lý,… trong đó đặc biệt là những thành tựu, tiến bộ trong công tác di truyền, chọn tạo giống.
Để góp phần phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi thủy cầm, các nhà chọn giống đã nghiên cứu chọn lọc, lai tạo ra những giống thuỷ cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, phù hợp với nhiều vùng sinh thái và phương thức chăn nuôi khác nhau, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, thị hiếu của người tiêu dùng khi đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam là nghề truyền thống, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, đây là sinh kế quan trọng đối với bà con nông dân. Chăn nuôi thủy cầm thời gian qua đã phát triển theo hình thức chăn nuôi công nghiệp, tập trung. Chính vì vậy, số lượng thủy cầm (trong đó phần lớn là vịt) không ngừng tăng lên qua các năm (khoảng 8%/năm), góp phần đưa Việt Nam vươn lên thành nước chăn nuôi thủy cầm đứng vị trí thứ 2 thế giới về số lượng.
Nghiên cứu chọn lọc có định hướng
Theo xu thế, thời gian qua từ các nguồn nguyên liệu nhập nội, một số cở sở nghiên cứu, sản xuất giống thủy cầm trong nước đã áp dụng các phương pháp chọn giống truyền thống để chọn lọc, lai tạo được một số dòng, tổ hợp lai mới có khối lượng xuất chuồng lớn, thời gian nuôi được rút ngắn hơn và tiêu tốn thức ăn cho 1 đơn vị sản phẩm thấp hơn.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong chọn lọc giống thủy cầm đó chính là việc xác định đặc tính di truyền của các đàn giống, từ đó xác định được định hướng chọn lọc một cách đúng đắn. Rất nhiều giống vịt mới có năng suất chất lượng thịt rất cao được chọn tạo ra như: vịt SM, SM2, SM2i, SM3, SM3SH, vịt Star42, vịt Star53, Star76, ngan R51, R71,…
Việc sử dụng các nguồn gen ngoại nhập có chất lượng cao, áp dụng các phương pháp chọn lọc phù hợp để chọn tạo ra các dòng vịt cao sản ở trong nước là một hướng đi khoa học và hiệu quả, phục vụ sản xuất vịt giống cung cấp cho sản xuất thông qua nâng cao khối lượng cơ thể và năng suất trứng. Các dòng vịt đã được chọn tạo (V2, V1, V5, V6, V7, T5, T6, SD1, SD2,…) có đặc điểm là đầu cổ to, chân cao to, thân dài, có khối lượng cơ thể lớn, sức sống cao và thích nghi khá tốt với điều kiện nuôi khác nhau.
Chọn lọc nâng cao năng suất thịt ức: Ngoài việc chọn lọc nâng cao khối lượng cơ thể, năng suất trứng thì chọn lọc nâng cao tỷ lệ và độ dày cơ ức cũng đã được thực hiện để tạo ra vịt nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh, giết thịt sớm và tỷ lệ cơ ức, độ dày thịt ức cao.
Phục tráng các giống thủy cầm bản địa
Vấn đề khai thác phát triển bền vững đã được FAO (2007) định nghĩa và các nước đã ủng hộ khái niệm này đó là: Phát triển bền vững là quản lý và bảo tồn cơ sở tài nguyên thiên nhiên và hướng tới sự thay đổi của kỹ thuật và tổ chức sao cho nó đảm bảo được và tiếp tục thỏa mãn nhu cầu con người cho thế hệ hiện nay và cả mai sau.
Sự phát triển bền vững để bảo vệ môi trường, kinh tế sống động và xã hội tiếp nhận. Nhiều giống thủy cầm bản địa đã được phục tráng, bảo tồn và khai thác phát triển như: vịt Bầu Bến, vịt Kỳ Lừa, vịt Đốm (Pất Lài), vịt Cổ Lũng, ngan Sen, ngan Trâu,...
Phương pháp chọn lọc BLUP
Trên cơ sở các yếu tố cố định và tham số di truyền ước tính được từ VCE6, phần mềm PEST version 4.2.3 được sử dụng để dự đoán giá trị giống theo tiêu chuẩn chọn lọc của từng cá thể.
Giá trị giống của từng cá thể được sử dụng để chọn và lập các gia đình. Sử dụng phương pháp chỉ số chọn lọc thông qua giá trị giống ước tính bằng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction - Ước lượng tuyến tính không chệch tốt nhất) và giá trị kinh tế của 2 tính trạng khối lượng cơ thể và dày thịt ức 7 tuần tuổi.
Áp dụng phương pháp chọn lọc theo chỉ số xây dựng dựa trên giá trị giống ước tính bằng phương pháp MT-BLUP, các tham số di truyền ước tính bằng phương pháp REML. Đánh giá hiệu quả chọn lọc thông qua khuynh hướng di truyền và tiến bộ di truyền
Kết quả đạt được
Chăn nuôi thủy cầm tăng trưởng vượt bậc, so với Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 hiện nay tổng đàn vịt năm 2020 (trên 100 triệu con) đạt trên 182% so với Chiến lược (55 triệu con đến năm 2020).
Đã có 46 sản phẩm khoa học của các công trình được công nhận Tiến bộ kỹ thuật; nghiên cứu tạo ra 32 giống mới, 37 dòng vịt thịt, 14 dòng vịt siêu trứng, 8 dòng vịt kiêm dụng, 12 dòng ngan; một số giống vịt được tạo ra có năng suất cao nhất thế giới hiện nay như vịt siêu trứng TC; các giống vịt chuyên thịt, ngan và kiêm dụng tương đương với các giống vịt của các nước tiên tiến về giống vịt, ngan trên thế giới như Anh, Pháp.
Chọn tạo được những giống, dòng vịt thích ứng với xâm nhập mặn nuôi được ở ven biển, hải đảo, ngoài việc cung cấp thực phẩm còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng nơi biển đảo. Đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Với những giống vịt, ngan có năng suất đặc biệt nổi trội nhiều năm qua đã phát triển rộng rãi ra khắp đất nước với nhiều quy mô khác nhau, với quy mô công nghiệp sản xuất hàng hóa có hiệu quả rất cao. Mỗi năm toàn ngành có tổng doanh thu từ thịt ước đạt 10.925.460 tỷ đồng (312.156 tấn x giá 35.000 đồng/kg), doanh thu từ trứng ước đạt 12.850 tỷ đồng (5,14 tỷ quả trứng x giá 2.500 đồng/quả). Tổng doanh thu của toàn hoạt động chăn nuôi thủy cầm mỗi năm đạt khoảng 23.475 tỷ đồng.
Các giống thủy cầm hiện nay đạt được năng suất vượt trội, làm thay đổi cơ bản diện mạo của ngành chăn nuôi thủy cầm: như khối lượng xuất chuồng cao gấp 1,5 - 2 lần, năng suất trứng cao gấp 1,5 lần, tiêu tốn thức ăn giảm khoảng 20 - 30% so với những năm 90 trở về trước. Do đó, trong gần 70 năm qua ngành chăn nuôi thủy cầm đã có những tiến bộ vượt bậc về giống và năng suất: thời gian nuôi thịt giảm dần từ 136 ngày xuống còn 70, 56, 49 và 42 ngày. Khối lượng xuất chuồng tăng từ 1,5 kg/con lên 3,7 kg/con, tiêu tốn thức ăn giảm từ 4,7 kg xuống còn 2,1 kg thức ăn cho 1kg tăng khối lượng.