| Hotline: 0983.970.780

Bước tiến trong nghiên cứu di truyền giống

Ba hướng nghiên cứu gia cầm tại Viện Chăn nuôi

Thứ Tư 21/04/2021 , 19:58 (GMT+7)

Nhìn lịch sử nghiên cứu của Viện Chăn nuôi, cơ sở đầu ngành của cả nước sẽ phần nào hình dung được quá trình thay đổi trong công tác di truyền giống tại Việt Nam.

Trong những năm qua Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tập trung theo 3 hướng nghiên cứu chọn tạo giống gia cầm. Ảnh: VCN.

Trong những năm qua Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tập trung theo 3 hướng nghiên cứu chọn tạo giống gia cầm. Ảnh: VCN.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều giống gà lông màu thịt và trứng cao sản để phục vụ phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp như: gà Sasso, ISA - Pháp, Lương Phượng - Trung Quốc, Kabir - Israel, Ai Cập - Ai Cập, Hyline, Isabroww, Red brow…

Các giống gà này đã phát triển khá nhanh trong sản xuất, tuy nhiên, do chỉ nhập được gà sinh sản là gà ông bà hoặc bố mẹ đơn tính biệt và gà thương phẩm nên sau mỗi đợt khai thác, Việt Nam lại phải nhập giống gây tốn kém về kinh tế vì giá con giống đắt.

Xuất phát từ thực trạng trên, công tác nghiên cứu giống trong nước tại Viện Chăn nuôi trong những năm qua phát triển theo 3 hướng chính.

Chọn lọc nhân thuần nâng cao năng suất giống gà nội

Kết quả chọn lọc nhân thuần giống gà Hồ qua 3 thế hệ của tác giả Vũ Đình Tôn chỉ ra rằng, số lượng trứng/mái/năm của gà Hồ tăng dần từ 43,58 quả ở thế hệ xuất phát lên 50,22 quả ở thế hệ thứ 2 và ở đàn hạt nhân là 52,40 quả.

Tác giả Vũ Ngọc Sơn đã chọn lọc, nhân thuần gà Lạc Thủy qua 2 thế hệ cho thấy khối lượng cơ thể lúc 8 tuần tuổi ổn định. Con trống đạt 646,0- 646,27g; con mái đạt 529,83-531,43g. Năng suất trứng đến 68 tuần tuổi tăng từ 97,96 quả ở thế hệ xuất phát lên 89,48 quả ở thế hệ 1.

Các giống gà Mía, Móng, Đông Tảo, Chọi, Tre, Liên Minh cũng đã được nghiên cứu một cách bài bản trong chương trình quỹ gen cấp nhà nước từ năm 2012 - 2017. Thông qua chương trình, các đàn hạt nhân của các giống gà này với quy mô 250 - 400 con/giống đã được xây dựng.

Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ các giống gà này cũng đã được xây dựng với số lượng từ 600 - 800 con/mô hình. Đến nay, các giống được phát triển mạnh trong sản xuất, các đàn hạt nhân tiếp tục được lưu giữ để cung cấp con giống có chất lượng cao.

Từ giống gà nhập ngoại, Viện Chăn nuôi tạo ra nhiều giống gà nội có phẩm chất, năng suất tương tự giống gà nhập khẩu. Ảnh: VCN.

Từ giống gà nhập ngoại, Viện Chăn nuôi tạo ra nhiều giống gà nội có phẩm chất, năng suất tương tự giống gà nhập khẩu. Ảnh: VCN.

Tạo dòng gà mới từ nguyên liệu nhập nội

Hướng nghiên cứu thứ hai là từ các nguồn nguyên liệu nhập nội chọn lọc tạo ra các dòng gà mới có năng suất đạt 90 - 95% so với nguyên gốc, giảm được chi phí do nhập con giống từ nước ngoài. Tác giả Đoàn Xuân Trúc, Nguyễn Thanh Sơn và công sự đã nghiên cứu chọn tạo 4 dòng TĐ1, TĐ2, TĐ3 và TĐ4 từ gà Sasso và 4 dòng HB1, HB2, HB3 và HB4 từ gà ISA Color.

Các dòng gà TĐ gồm 4 dòng có đặc điểm ngoại hình ổn định và tương tự như các dòng A, B, C, D của hãng. Năng suất trứng đến 60 tuần tuổi của các dòng gà TĐ tương ứng là 117,0 (đạt 97,5% so với mục tiêu), 123,2 (đạt 93,6% so với mục tiêu), 129,6 và 150,1 quả/mái (đạt 100,5 so với mục tiêu). Gà bố mẹ TĐ34 đến 64 tuần tuổi có năng suất trứng đạt 172,52 quả/mái với mức tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng là 2,98 kg. Kết quả này đạt tương đương so với đàn gà SA31 (CD) nhập năm 2002.

Các dòng gà HB gồm 4 dòng có màu lông ổn định. Năng suất trứng đến 64 tuần tuổi của 4 dòng HB1, HB2, HB3 và HB4 tương ứng là 87,8, 100,8, 141,0 và 155,8 quả/mái với mức tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng tương ứng là 5,96, 5,08, 2,68 và 3,28kg. So với đàn ông bà nhập từ Pháp năm 2002, HB2 và HB4 có năng suất trứng đạt 91,8 - 95,2%.

Tác giả Trần Công Xuân và cộng sự đã tiến hành chọn tạo 3 dòng gà LV1, LV2 và LV3 từ nguồn nguyên liệu là gà Lượng Phượng. Kết quả qua 3 thế hệ chọn lọc đã ổn định được đặc điểm ngoại hình của 3 dòng gà LV1, LV2 và LV3 với màu lông vàn đốm đen ở vai, lưng và lông đuôi. Năng suất trứng đến 68 tuần tuổi của gà LV1 là 145 - 155 quả/mái; LV2 là 157 - 167 quả/mái và LV3 là 158 - 174 quả/mái.

Tác giả Đoàn Xuân Trúc và cộng sự đã tiến hành chọn tạo 2 dòng gà K1 và K2 từ nguồn nguyên liệu gà Kabir dòng A (K43) với B (K400) và C (K27) với D (K2700). Qua 5 thế hệ chọn lọc đã ổn định được đặc điểm ngoại hình của cả 2 dòng gà K1 với màu lông đỏ có ánh vàng và K2 có màu lông trắng tuyền. Năng suất trứng bình quân đến 70 tuần tuổi đạt 175 quả/mái đầu kỳ và 192,5 quả/mái bình quân.

Tác giả Phùng Đức Tiến và cộng sự đã nuôi thích nghi và chọn lọc nâng cao được năng suất của giống gà Ai Cập trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Kết quả ở thế hệ 6 gà mái Ai Cập có khối lượng ở 9 tuần tuổi là 644 - 706 gam và đến 19 tuần tuổi là 1.304 - 1.400 gam, năng suất trứng đến 72 tuần tuổi đat 209 quả/mái (cao hơn so với thế hệ 3 là 4 quả/mái).

Tác giả Phùng Đức Tiến và cộng sự đã nuôi thích nghi và chọn lọc nâng cao được năng suất của giống gà Ai Cập trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Ảnh: VCN.

Tác giả Phùng Đức Tiến và cộng sự đã nuôi thích nghi và chọn lọc nâng cao được năng suất của giống gà Ai Cập trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Ảnh: VCN.

Tận dụng ưu thế lai

Hướng nghiên cứu thứ ba là từ nguồn nguyên liệu gà gà nội và nhập nội chọn lọc, lai tạo để tạo các nhóm giống hoặc dòng gà mới có năng suất cao hơn gà nội và phù hợp với nhiều phương thức nuôi và điều kiện khí hậu khác nhau của Việt Nam.

Tác giả Bùi Quang Tiến và cộng sự đã nghiên cứu chọn tạo ra giống gà kiêm dụng Rhoderi từ nguồn nguyên liệu gà Rhode và gà Ri, cho năng suất trứng cao hơn gà Ri 27%. Tác giả Nguyễn Huy Đạt, Nguyễn Thanh Sơn và cộng sự đã nghiên cứu chọn tạo ra dòng gà Ri cải tiến có năng suất chất lượng cao phục vụ cho chăn nuôi trong nông hộ sử dụng nguồn nguyên liệu gà Ri, Lương Phượng và Kabir.

Kết quả đã chọn tạo được 2 dòng gà Ri cải tiến R1 và R2 có màu lông cánh gián và vàng nhạt được người tiêu dùng ưa chuộng. Năng suất trứng đến 68 tuần tuổi đạt 167 - 170 đối với dòng R1 và 156 - 159 đối với dòng R2 với mức tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng tương ứng là 3,08 và 3,46 kg, đồng thời đã cải thiện được tỷ lệ ấp bóng so với gà Ri khoảng 19%.

Tác giả Phùng Đức Tiến và cộng sự đã chọn tạo 4 dòng gà thịt bao gồm 3 dòng mái (TP1, TP2 và TP3) và một dòng trống TP4 từ nguồn nguyên liệu gà Sasso (dòng X44 và SA31L), LV 2 và LV3. Kết quả qua 4 thế hệ đã chọn lọc ổn định được đặc điểm ngoại hình của cả 4 dòng gà. Chọn lọc khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi của dòng TP4 tăng 113,18 g đối với gà mái và 95,38 g đối với gà trống so với thế hệ xuất phát, đồng thời xác định được hệ số di truyền (h2) khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi là 0,30 - 0,37.

Tác giả Hồ Xuân Tùng và cộng sự cũng đã nghiên cứu chọn tạo dòng gà chăn thả VP2 mào nụ từ nguồn nguyên liệu gà Đông Tảo và gà Lượng Phượng. Qua 5 thế hệ chọn lọc gà VP2 có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống, con trống có màu lông đỏ đốm đen còn con mái có màu lông nâu và nâu đốm đen, tỷ lệ mào nụ chiếm 98,9%.

 

Các phương pháp chọn lọc tiên tiến

Hiện trên thế giới và Việt Nam chủ yếu có ba phương pháp chọn lọc giống cơ bản sau. Đầu tiên là phương pháp chọn lọc theo quần thể. Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến tại các cơ sở nhân giống gà, khi chọn lọc các tính trạng về khối lượng cơ thể và trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ (thiếu các chuồng theo dõi cá thể).

Phương pháp tiếp theo là chọn lọc theo gia đình. Phương pháp này đã được áp dụng trong nhiều năm tại các xí nghiệp gà dòng thuần (Tam Đảo, Ba Vì) thuộc Liên hiệp các xí nghiệp gia cầm trước đây. Theo đó sẽ chọn lọc toàn bộ gia đình có giá trị giống tốt nhất.

Phương pháp chọn lọc trong gia đình được áp dụng khá phổ biến, nhất là đối với các dòng gà thuần Hybro được nuôi tại Xí nghiệp gà dòng thuần Tam Đảo trước đây. Theo đó, những cá thể tốt nhất trong gia đình sẽ được chọn lọc giữa lại để nhân giống thế hệ sau.

Phương pháp thứ ba là chọn lọc kết hợp trong gia đình và theo gia đình. Đây là phương pháp áp dụng chọn những cá thể có giá trị giống tốt nhất thuộc các gia đình tốt nhất. Để ước tính giá trị giống của từng cá thể và từng gia đình, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trước đây, tại Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp xếp cấp cá thể và xếp cấp gia đình. Hiện nay, các phương pháp chọn lọc tiên tiến có thể giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu một cách hiệu quả và nhanh nhất.

Tại các quốc gia phát triển, việc áp dụng phương pháp đánh giá giá trị giống Blup vào công tác chọn lọc, nhân giống vật nuôi hiện đã trở nên phổ biến. Bằng phương pháp này, giá trị giống và tiềm năng di truyền của hầu hết các tính trạng sản xuất đều được ước tính làm cơ sở để xây dựng các chương trình chọn lọc, cải tiến năng suất và tạo ra các dòng vật nuôi mới với các mục tiêu sản xuất như mong muốn. Nhờ vậy, hàng loại các dòng vật nuôi mới được tạo ra ở các nước phát triển đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường mỗi nước.

Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm