Ngày 28/4, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk năm 2022 với chủ đề "Thu hút đầu tư và phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm".
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, Đại sứ quán 15 quốc gia và hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tận dụng tiềm năng phát triển nông nghiệp
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, cho biết, Đăk Lăk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650 nghìn ha (lớn nhất nước) và 735 nghìn ha đất lâm nghiệp, đặc biệt có trên 300.000ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá sản xuất nông nghiệp tốt nhất.
Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Phạm Ngọc Nghị mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch với mong muốn hợp tác cùng phát triển. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Đăk Lăk có tiềm năng để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên nên trong những năm qua, Đăk Lăk được sự quan tâm của Trung ương và nỗ lực quyết tâm cao, hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông đã được đầu tư nhanh, đồng bộ, kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
"Chính bởi tiềm năng, dư địa lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn, Đăk Lăk sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi, luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư lâu dài, có hiệu quả bền vững”, Thứ trưởng cho biết
Doanh nghiệp kiến tạo giá trị phát triển nông nghiệp
Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, Đăk Lăk đã đón chào nhiều doanh nghiệp đầu tư với 73 dự án có tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng. Hiện nay, có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, 109 dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều nhà đầu tư quy mô lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Chánh Thu, De Heurs...
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, chúng tôi nhận thấy rằng tỉnh Đăk Lăk có rất nhiều lợi thế so sánh nổi bật trong phát triển nông nghiệp.
Doveco đã khảo sát và xem xét tương đối toàn diện về điều kiện phát triển nông nghiệp tại huyện Ea Súp. Nơi đây, khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp trồng cây dứa, đặc biệt là giống dứa MD2 được ưa chộng nhất thế giới. Đối với các loại cây ăn quả, ngoài các cây trồng đặc sản như sầu riêng, bơ… Đăk Lăk cũng phát triển mạnh mẽ cây chanh leo trong những năm qua.
Trước mắt, Doveco có nhu cầu diện tích trồng trọt khoảng 10.000 ha, triển khai dưới hình thức ký hợp đồng liên kết phát triển nguyên liệu với các HTX, người dân, các doanh nghiệp và cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm cho các bên tham gia.
Khi hợp tác xây dựng thành công được vùng nguyên liệu, Doveco có thể đầu tư dây chuyền chế biến với công suất hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, tập trung vào dây chuyền cô đặc (như dứa, bơ, chanh leo), dây chuyền sản xuất ngô ngọt hiện đại để xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Đông…
“Doveco mong muốn được lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quy hoạch vùng nguyên liệu có diện tích đất lớn, tập trung, có hệ thống thủy lợi tốt. Đồng thời, tỉnh cũng cần chú trọng đến chất lượng giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như giống chanh leo, dứa MD2, ngô ngọt…”, ông Nghĩa chia sẻ.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, với rất nhiều tiềm năng và lợi thế của Đăk Lăk, công ty đã quyết định đầu tư nhà máy chế biến trái cây với quy mô 10ha, tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 470 tỷ đồng.
Theo đó, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chế biến đông lạnh, sản xuất phân bón hữu cơ với công suất từ 200 - 500 tấn/ngày, góp phần giải quyết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của vùng Đông nam bộ và Tây Nguyên. Giai đoạn 2, công ty sẽ tập trung vào chế biến sâu với các sản phẩm như bánh kẹo, kem…
“Đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư thông qua lợi thế của thương hiệu, uy tín thị trường và phù hợp cho sự phát triển sản phẩm kinh tế nông nghiệp, hoàn thiện chuỗi phát triển kinh tế tuần hoàn từ trang trại cho đến các sản phẩm”, bà Vy chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu này, công ty mong muốn chính quyền Đăk Lăk hỗ trợ, tạo qũy đất khoảng từ 50 - 100ha để doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi liên kết, cung ứng vùng trồng sầu riêng công nghệ cao. Mô hình này không chỉ nhằm mục đích quảng bá sản phẩm sầu riêng của Việt Nam ra thế giới mà còn góp phần để người dân tin tưởng vào quy trình sản xuất sầu riêng sạch, qua đó thay đổi tư duy canh tác của người dân.
Cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để phát huy có hiệu quả cao nhất các tiềm năng và lợi thế, dư địa và chủ động vượt qua mọi rào cản, thách thức, Bộ NN-PTNT mong muốn Đăk Lăk và các nhà đầu tư vào nông nghiệp tỉnh này cần hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Đăk Lăk cần triển khai hiệu quả các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương. Bộ NN-PTNT sẽ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo về tiến độ, chất lượng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Nhằm tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đầu tư vào nông nghiệp, Đăk Lăk cần chú trọng xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Đình Trung cho biết: Chúng tôi khẳng định sẽ luôn song hành, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Cam kết cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giảm chi phí và thời gian cho nhà đầu tư. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhất là về đất đai.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng; trao 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng giá trị cam kết trên 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Đăk Lăk cũng giới thiệu 109 danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản.