Sáng 28/4, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đăk Lăk trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk cho Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk tại Tiểu khu 564, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar.
Theo đó, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk sẽ xây dựng các hạng mục trại heo đẻ, trại heo mang thai, trại heo cai sữa, trại heo hậu bị, trạm điện, nhà ở công nhân viên kỹ thuật,… và cung cấp heo ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm. Diện tích đất dự kiến để thực hiện dự án khoảng 200 ha với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, nhận thấy vấn đề cấp thiết cần phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cũng như đáp ứng nhu cầu về giống di truyền khỏe và sạch bệnh luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch bệnh để phục vụ việc tái đàn, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác thành lập Công ty Liên doanh phát triển heo giống cao sản DHN Đăk Lăk (nằm trong Tổ hợp khu Nông nghiệp công nghệ cao) để cung cấp cho thị trường những dòng heo có gen di truyền tốt, khỏe góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và chất lượng đầu ra cho người chăn nuôi. Đặc biệt phù hợp với xu hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp giá trị cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, Đăk Lăk là địa phương sở hữu các lợi thế về khí hậu và giao thương, dự án trang trại heo giống cao sản đây có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt.
Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị. Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt dự án cũng được công ty đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ hoạt động sản xuất góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường phù hợp với xu hướng thế giới. Điều này thể hiện sự cam kết cung ứng sản phẩm sạch, bền vững cho khách hàng của De Heus từ thức ăn chăn nuôi cho đến con giống chất lượng cao.
Dự án tổ hợp thể hiện năng lực và tầm nhìn vượt trội của De Heus và Hùng Nhơn trong sứ mệnh xây dựng một mô hình hợp tác toàn diện để tạo ra các chuỗi giá trị cao trong Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trên nền tảng công nghệ và góp phần bảo vệ môi trường sống.
Tổ hợp sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi trong Khu, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao;
Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống.
Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á chia sẻ: "Là một doanh nghiệp đến từ Hà Lan, trong thời gian tới, De Heus sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống của không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn là toàn thể người tiêu dùng Việt.
Điều đó cũng khẳng định việc thực hiện cam kết của chúng tôi trong sứ mệnh nâng tầm chuỗi giá trị đạm động vật ở Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần đưa thực phẩm sạch, an toàn với giá cả phải chăng đến gần hơn với người tiêu dùng".
Định hướng đến năm 2025 và 2030, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Sau khi hoàn thành dự án tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, liên doanh De Heus và Hùng Nhơn sẽ nâng tổng công suất lên mức 10.000 đến 15.000 con giống cụ, kỵ, và từ 100.000 đến 120.000 con giống ông bà.
Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và Phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Bên cạnh đó, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ hợp tác cùng tập Công ty Belga và các đối tác chiến lược, sẽ xây dựng khu chăn nuôi với quy mô 200,000 gà bố mẹ tại Tỉnh Tây Ninh, 1 năm sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 5 triệu con gà thịt giống và 1 khu chăn nuôi với quy mô 5 triệu gà thịt/lứa, 1 năm sẽ sản xuất cho thị trường khoảng 25 triệu con gà thịt.
Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định chăn nuôi tại Việt Nam, các trang trại trong hệ thống sẽ được áp dụng các tiêu chuẩn của Global GAP để đảm bảo các sản phẩm có chất lượng tốt nhất phục vụ cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.