Thời gian qua, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tăng cường chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn, bước đầu đạt được những kết quả tốt, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Năm 2020, làng nghề, hợp tác xã sản xuất chế biến chè Đá Hen xã Đồng Lương được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh xếp hạng 3 sao cho sản phẩm chè xanh. Đây là sản phẩm đặc thù đầu tiên của huyện được xếp hạng.
Để đạt kết quả trên, những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của huyện, các sở, ban ngành của tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làng nghề này đã đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc cơ giới hóa vào sản xuất với 45 lồng sao, 40 máy vò, 15 máy tách cẫng và 1 máy hút chân không, nâng cấp 7 máy sao lăn, 7 máy vò chè công suất lớn và 7 lò tiết kiệm nhiệt.
Huyện cũng tích cực tạo điều kiện cho làng nghề tìm kiếm thị trường, tham gia nhiều hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh; liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn tại một số tỉnh như Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…. Vì vậy, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ lớn với các công ty, doanh nghiệp có uy tín, góp phần đưa sản phẩm chè an toàn của xã ngày càng vươn xa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX sản xuất chè Đá Hen Đồng Lương huyện Cẩm Khê cho biết: “Với niềm trăn trở để phát triển bền vững, chúng tôi đẩy mạnh tiếp cận các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, khoa học kỹ thuật, vốn nên đời sống bà con làng nghề có sự thay đổi đáng mừng từ khi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của huyện”.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ xã Chương Xá huyện Cẩm Khê chia sẻ: “Để phát triển mô hình trồng măng tây, thấy đất của bà con bỏ không nên tôi muốn tận dụng lại nguồn đất nông nhàn để trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình làm chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm các cấp, các ngành. Dự kiến năm 2021, sẽ xây dựng sản phẩm măng tây đạt tiêu chuẩn OCOP đặc thù 3 sao”.
Ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND xã Chương Xá cho biết thêm, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, địa phương phối hợp với huyện tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung diện tích, trong đó các diện tích lúa ruộng bậc thang, đất trồng màu sang trồng cây đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập, trong đó,tập trung xây dựng cây măng tây là sản phẩm đặc thù địa phương từ 3 ha ban đầu lên 10 ha năm 2021.