| Hotline: 0983.970.780

'Cam Vũ Quang' và mật ong giúp người dân làm giàu

Thứ Hai 18/10/2021 , 10:46 (GMT+7)

Huyện Vũ Quang đã nỗ lực xây dựng hàng ngàn mô hình trồng cam cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Cây cam đang dần phủ kín những vùng đồi Vũ Quang.

Cây cam đang dần phủ kín những vùng đồi Vũ Quang.

“Giá trị gia tăng” của “Cam Vũ Quang”

Toàn huyện hiện có hơn 5.500 hộ trồng cam kết hợp nuôi hơn 9.000 đàn ong lấy mật. Tận dụng nguồn hoa cam kết hợp nuôi ong lấy mật, cái được lớn nhất mà người trồng cam ở địa phương có được khi tham gia thực hiện mô hình này đó là những kiến thức hữu ích trong việc sử dụng phân bón cân đối, hợp lý. Từ đó làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất.

Nuôi ong mật trong vườn cam không chỉ tăng thêm nguồn thu mà còn tăng khả năng thụ phấn cho cây, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và làm đẹp cảnh quan, tạo ra hương vị đặc trưng cho quả cam Vũ Quang là hương vị “Cam Vũ Quang thơm ngát mật ong rừng”.

Trong những năm qua, huyện Vũ Quang đã xây dựng các vườn mẫu, đến nay có 1.182 vườn, nhà vườn sinh thái kết hợp giữa việc trồng cam và nuôi ong lấy mật tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, duy trì sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người.

Việc đặt các đàn ong dưới tán cây cam chứng minh được rằng đó là quá trình sản xuất an toàn, đa dạng, thúc đẩy mối quan hệ công bằng sinh học, thúc đẩy việc sử dụng bền vững đất - nước - không khí cũng như giảm thiểu tất cả các dạng ô nhiễm có thể phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp; đó chính là cái lợi lớn nhất của việc kết hợp giữa trồng cam và nuôi ong lấy mật của các nhà vườn trên địa bàn huyện Vũ Quang.

Cam Vũ Quang là các giống cam có nguồn gen quý, vỏ vàng, mọng nước, tép cam tan trong miệng, vị thanh, ngọt, hương thơm dịu. Năm 2017, tham gia Lễ hội Cam và Nông sản toàn tỉnh lần thứ nhất, Cam Vũ Quang đạt giải đặc biệt về chất lượng, ngoài ra, có 4 gian hàng đạt giải A.

Cam là một trong những loại quả được ưa chuộng, là thức uống được yêu thích nhất hiện nay vì trong nước quả cam chứa nhiều vitamin rất tốt cho cơ thể mà lại hoàn toàn từ thiên nhiên, như: Vitamin C. Thiamin, đây là một loại vitamin nhóm B, cũng được gọi là vitamin B1. Folate, cũng được biết đến là vitamin B9 hoặc axit folic. Kali, nạp nhiều kali có thể làm giảm huyết áp ở những người mắc bệnh tăng huyết áp và có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.

Một số giống cam quý đang phát triển tại huyện Vũ Quang

Cam ruột đỏ được thị trường rất ưa chuộng, khách trong và ngoài tỉnh đặt mua liên tục. Với giá bán 30 - 45 nghìn đồng/kg, cam ruột đỏ thực sự là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cam ruột đỏ được thị trường rất ưa chuộng, khách trong và ngoài tỉnh đặt mua liên tục. Với giá bán 30 - 45 nghìn đồng/kg, cam ruột đỏ thực sự là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cam chanh: Là giống cam Xã Đoài, nguồn gốc từ vùng Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đưa lên vùng núi cao Vũ Quang, mã quả đẹp hơn, có phẩm chất quả thơm ngon, vị ngọt đậm, trồng được ở nhiều loại đất, quả chín có màu xanh vàng, bề mặt vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu, thịt quả màu trắng vàng, nhiều nước.

Lá hình trứng màu xanh đậm, cây cao trung bình. Năng suất cao, khối lượng trung bình 4 đến 5 quả/ 1kg, ngon thơm, thu hoạch vào cuối tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.

Cam V2 (Valencia 2): Giống cam V2 được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khoẻ và năng suất khá hơn so với giống .

Đây là giống cam ngọt chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, Cây sinh trưởng phát triển tốt, phân cành đều, cây cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao. Quả gần như không hạt (từ 0 đến 6 hạt, trung bình 4,5 hạt/quả trong điều kiện trồng xen).

Cam V2 dễ bảo quản và bảo quản được lâu trên cây, thành phần và chất lượng nước quả tuyệt hảo. Trọng lượng trung bình 4 đến 5 quả/1kg, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, chất lượng thơm, ngọt đậm, chín từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Giống Cam Bù Hà Tĩnh: Cây cao trung bình, khối lượng trung bình 4,5 đến 5,5 quả/1kg, mỗi quả có từ 3 - 12 hạt, vị ngọt đậm. Quả chín vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Cây cam bù là cây trồng bản địa, được xếp hạng là một trong những giống cam ngon nhất hiện có của Việt Nam, đã được người dân trồng hàng trăm năm nay, chủ yếu được trồng tại xã Sơn Thọ và Đức Lĩnh, sau đó được phát triển ra một số địa phương khác.

Ngoài ra còn một số ít diện tích nhỏ lẻ trồng các loại cam khác: cam đường, cam đường canh, quýt...

Năm nay, chất lượng sản phẩm cam Vũ Quang đã được nâng cao vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap.

Tính đến năm 2021, toàn huyện có khoảng 1.000 ha diện tích cam đạt tiêu chuẩn  VietGap đạt 50% diện tích cam cho thu hoạch; thực hiện chuyển đổi số trên 1.200 hộ/1000 ha cam.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế hư hại, rơi rụng trước kỳ thu hoạch, thời điểm này người trồng cam trên địa bàn xã đang tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ vườn cam trước các loại sâu bệnh, tác động của thời tiết.

Tại huyện Vũ Quang  cây cam không những là cây xóa đói giảm nghèo mà là loại cây để làm giàu và mang lại giá trị kinh tế cao. Thương hiệu "Cam Vũ Quang" được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng và người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá bán đang dao động từ 10 đến 30 ngàn đồng/kg, tùy loại. Nếu bán được mức giá bình quân khoảng 20 nghìn đồng/kg thì năm nay, nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng.
Bảo vệ vườn cam trước các loại sâu bệnh, tác động của thời tiết.

Bảo vệ vườn cam trước các loại sâu bệnh, tác động của thời tiết.

Chuyển đổi số để lan tỏa thương hiệu "Cam Vũ Quang"

Huyện Vũ Quang đang tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh số diện tích hiện có, với gần 2.600ha, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như quy trình sản xuất VietGAP, hệ thống tưới tiên tiến, kéo dài thời vụ, rải vụ… nhằm nâng cao năng suất, đồng nhất chất lượng sản phẩm.

Đồng thời đầu tư trồng tái canh thay thế diện tích già cỗi, sâu bệnh, bị thoái hóa; tiếp tục bảo tồn, nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất cam Chanh, cam Bù đặc sản trên địa bàn;

Đẩy mạnh xúc tiến xây dựng và quảng bá thương hiệu cam Vũ Quang đến với các thị trường lớn hơn, khó tính hơn.

Vụ cam 2021 hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui cho người trồng cam ở Vũ Quang.

Vụ cam 2021 hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui cho người trồng cam ở Vũ Quang.

Bên cạnh đó, huyện Vũ Quang cũng đã phối hợp với Sở Công thương làm việc với Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng cam Vũ Quang trên Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh) để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ cam của địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, tuy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm cam Vũ Quang để thuận lợi trong việc kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và tiếp cận các siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi khi các thương lái, chủ phương tiện vận chuyển, nhà vườn có phương tiện vận chuyển nông sản ra vào tại địa phương, huyện đã cho rà soát đối tượng để ưu tiên tiêm phòng vacxin Covid-19, đồng thời hướng dẫn các cơ sở tuân thủ các quy định của Sở Giao thông, Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch.

Vũ Quang là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 65 doanh nghiệp, 53 HTX và 155 THT hoạt động có hiệu quả.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.