| Hotline: 0983.970.780

Sau loạt bài Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân-Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Cần ban hành sớm quy chuẩn với thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Thứ Sáu 17/06/2022 , 07:35 (GMT+7)

Sau loạt bài Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân-Rào cản gỡ "thẻ vàng" của Báo NNVN, Tổng cục Thủy sản tổ chức cuộc họp nóng xử lý những bất cập báo nêu.

Nhiều địa phương bày tỏ bức xúc về vấn đề vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong cuộc họp với Tổng cục Thủy sản và các nhà cung cấp thiết bị. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều địa phương bày tỏ bức xúc về vấn đề vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong cuộc họp với Tổng cục Thủy sản và các nhà cung cấp thiết bị. Ảnh: Tùng Đinh.

Địa phương bức xúc với đơn vị cung cấp dịch vụ

Chia sẻ tại cuộc họp chiều 16/6, ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định thông tin, địa phương đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 483 tàu cá. Trong quá trình quản lý, vận hành, thiết bị hay bị mất tín hiệu do 4 nguyên nhân chính: ngư dân cố tình tắt; chủ tàu, thuyền trưởng không biết vận hành thiết bị; ngư dân không đóng được cước phí và thiết bị hỏng hóc, không sửa chữa được.

Ông Hà cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Nam Định có trên 200 lượt tàu mất tín hiệu trên 10 ngày. Đến nay mới xác minh được 146 lượt tàu do không gặp được chủ tàu do xã, phường vào cuộc chưa quyết liệt.

Bên cạnh đó, do nhà cung cấp và ngư dân chưa thống nhất và có sự liên hệ chặt chẽ nên đa số trường hợp mất kết nối do chưa đóng được cước phí. Ngoài ra, các chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng của các đơn vị cung cấp sau khi bán thiết bị cho ngư dân được đánh giá chưa tốt.

“Địa phương rất cầu thị và trách nhiệm nhưng các hãng lại không hợp tác nên khó giải quyết vấn đề. Đặc biệt, nhiều trường hợp thiết bị hỏng, ngư dân liên hệ với đơn vị cung cấp nhưng không có nhân viên, cán bộ kỹ thuật về xử lý”, ông Hoàng Mạnh Hà nhấn mạnh.

Chung bức xúc với nhà cung cấp, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin: “Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quy chế yêu cầu các tàu khi vươn khơi nếu mất kết nối sau 6 tiếng phải báo cáo về trung tâm giám sát, mất kết nối 10 ngày mà không quay trở lại bờ thì lực lượng biên phòng, thanh tra sẽ tiến hành xử lý theo quy định”.

Đối với những tàu mất kết nối 6 tiếng, Chi cục Thủy sản sẽ lập tức thông tin cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, địa phương, chủ tàu để thông báo tới thuyền trưởng trên tàu kết nối trở lại. Những tàu mất 10 ngày khi trở về bờ các cơ quan quản lý liên quan sẽ tới xác minh, nếu vi phạm sẽ tiến hành xử lý.

Tuy nhiên, có trường hợp chủ tàu thực hiện rất đúng quy định, thiết bị nguyên trạng ban đầu, đóng cước phí đầy đủ nhưng vẫn mất tín hiệu mà không biết nguyên nhân từ đâu, tàu không thể khắc phục phải quay lại bờ. Điều này tạo ra rất nhiều bất cập, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các tàu.

“Trước đây người dân đi biển thấy dễ dàng, thuận lợi, bây giờ mỗi lần tàu ra biển đánh bắt lại phải phụ thuộc vào nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình, đây là một điều rất bất cập”, ông Hoàng băn khoăn.

Vấn đề vận hành, quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá đang tồn tại nhiều vướng mắc.

Vấn đề vận hành, quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá đang tồn tại nhiều vướng mắc.

Khâu hậu mãi rất kém!

Liên quan vấn đề bảo hành, hậu mãi, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 2.874 tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ 7 đơn vị. Thiết bị do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel) cung cấp được đánh giá có chất lượng và dịch vụ hậu mãi tốt. Trong khi đó, công tác một vài nhà cung cấp, trong đó có Trung tâm phát triển dịch vụ công nghệ cao không đạt yêu cầu.

"Trung tâm Phát triển Dịch vụ Công nghệ cao đã lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá cho 60 tàu ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, người dân rất bức xúc khi thiết bị phát sinh vấn đề lại không được sửa chữa, bảo hành", đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết và đề nghị Tổng cục Thủy sản có ý kiến, làm việc với đơn vị cung cấp.

Đại diện cơ quan thủy sản cho biết tỉnh Quảng Ngãi cũng đề cập tới tình trạng mất kết nối với tàu cá. Lý do có thể xuất phát từ các thuyền trưởng, chủ tàu nhưng khi được mời lên làm việc, họ xuất trình đầy đủ các biên bản, giấy tờ do đơn vị lắp đặt cung cấp và đổ lỗi cho do nguồn điện không ổn định.

Theo vị đại diện này, phía đơn vị cung cấp đang đứng về phía chủ tàu và thuyền trưởng, như vậy cơ quan quản lý không có cơ sở xử lý những trường hợp tàu mất kết nối. Các đơn vị cung cấp, đặt biệt là Viettel để tình trạng kẹp chì của thiết bị không được quản lý chặt chẽ, để chủ tàu, thuyền trưởng tự ý sử dụng dẫn đến tình trạng các tàu cá có thể tự ý ngắt kết nối và tiếp tục vi phạm.

Mặc dù việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã hỗ trợ Bình Thuận rất nhiều trong công tác quản lý. Tuy nhiên, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc trong hệ thống giám sát. Rất nhiều báo cáo mất kết nối 10 ngày, nhưng cho khi kiểm tra, rà soát, phần lớn các tàu đã về bến đậu.

Về vấn đề xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 56 có nêu một số điều khoản về vi phạm hành chính với trường hợp mất kết nối thiết bị, nhưng Điều 64 căn cứ vào phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không nêu vấn đề liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, khiến các cơ quan gặp khó khăn trong việc quyết định xử lý vi phạm.

Ông Huy cho rằng cần thêm căn cứ cơ sở để làm rõ các điểm này. Liên quan đến việc cung cấp thiết bị từ nhà mạng, tình trạng hiện tại đang vô cùng phức tạp. Đã có một số báo cáo về việc nhà mạng tự ngắt kết nối sau khi các tàu không đóng phí.

Khi có yêu cầu kết nối lại, các nhà mạng thường thu lệ phí tái kích hoạt rất cao: L Trần 1.000.000 đồng/lần; Bình Anh 820.000 đồng/lần; Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel) 385.000 đồng. Chưa kể, quá trình thu phí rất phức tạp, gây trễ các chuyến biển của ngư dân. Ông Huy cho rằng, Tổng cục cần có biện pháp xử lý do các nhà mạng chưa có biểu hiện khắc phục.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, đơn vị nào có nhiều vấn đề sẽ bị yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, đơn vị nào có nhiều vấn đề sẽ bị yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Sẵn sàng yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ với các đơn vị vi phạm 

Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần sớm ban hành quy chuẩn Việt Nam về thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp phải cập nhật thông tin trên hệ thống thường xuyên để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Ông Hùng yêu cầu các đơn vị đã tiến hành kinh doanh thu lãi phải có chính sách dịch vụ, hậu mãi tương thích. Thời gian tới, các đơn vị phải cung cấp đường dây nóng cho Tổng cục Thủy sản, công khai trên website để kịp thời xử lý các tình huống. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật, chuẩn hóa các thông tin trên hệ thống, tạo thuận lợi cho quản lý, giám sát, khắc phục khi có sự cố xảy ra.

“Thời gian tới, khi tiến hành kiểm tra, đơn vị nào có nhiều vấn đề sẽ bị yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ”. ông Hùng nhấn mạnh. Với các địa phương, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đề nghị tiếp tục đôn đốc việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, rà soát hướng dẫn quy trình theo dõi, quản lý, vận hành, xử lý... liên quan tới thiết bị này.

Bên cạnh đó, căn cứ vào những quy định của Tổng cục Thủy sản về quản lý đối với tàu từ 24m trở lên để xây dựng quy định quản lý cho các tàu từ 15 - 24 m. Ngoài ra, thường xuyên lập các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện của ngư dân, doanh nghiệp liên quan tới thiết bị giám sát hành trình, chủ thể nào thực hiện không nghiêm túc cần có biện pháp xử lý triệt để.

Cần đường dây nóng báo thiết bị hỏng, mất kết nối

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản cho biết, với trường hợp thiết bị bị mất kết nối, cán bộ trực ca Trung ương, địa phương liên hệ với chủ tàu và thuyền trưởng lúc được, lúc không, sau đó, quá 10 ngày mới có quy trình thông báo đến các đơn vị.

Bà Huệ cho rằng, có thể đưa ra cơ chế, đường dây điện thoại thông báo ngay, nhờ đó cán bộ trực ca có thể liên hệ với nhà cung cấp thiết bị để xác định nguyên nhân mất kết nối do lỗi kỹ thuật hay từ phía người dân. Do đó, cần có nghiên cứu để có phải pháp cung cấp số điện thoại, đường dây nóng ở tất cả các khu vực nhằm khắc phục vấn đề thiết bị hỏng, mất kết nối.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.