| Hotline: 0983.970.780

Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Kỳ 8: Số phận tàu cá nằm trọn trong tay nhà cung cấp thiết bị

Thứ Năm 16/06/2022 , 09:04 (GMT+7)

Ngư dân mắc lỗi bị chính quyền phạt nặng, chậm đóng cước lập tức nhà mạng cắt, còn khi nhà mạng mắc lỗi thì chây ỳ mà chính quyền, ngư dân không làm gì được.

Hàng loạt phương tiện tàu cá tại Nghệ An gặp sự cố về thiết bị giám sát hành trình, bao gồm cả tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng loạt phương tiện tàu cá tại Nghệ An gặp sự cố về thiết bị giám sát hành trình, bao gồm cả tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng chục ngàn tàu cá bị mất kết nối chưa xử lý được ai?

Từ khi đăng tải loạt bài “Thiết bị giám sát hành trình “hành” ngư dân - rào cản gỡ “thẻ vàng”, đến nay, Báo NNVN nhận được nhiều ý kiến bức xúc về thiết bị giám sát hành trình của ngư dân và các cơ quan chức năng, địa phương.

Không chỉ Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, mà tại Nghệ An, Quảng Bình… đến tận đất mũi Cà Mau, với hàng chục ngàn lượt tàu cá mất kết nối, lỗi được cơ quan chức năng xác định chủ yếu do thiết bị giám sát hành trình gây ra.

Tính đến ngày 17/5/2022, toàn tỉnh Nghệ An có 1.131 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tổng số 1.174 phương tiện phải lắp đặt, đạt tỷ lệ 96,34%. Dù vậy, trên hệ thống giám sát chỉ thể hiện 1.018 phương tiện đã lắp đặt giám sát hành trình (gọi tắt là VMS), tương đương 86,71%.

Số là 113 thiết bị chính thức ngừng dịch vụ, Tổng cục Thủy sản qua đó đưa vào diện chưa lắp đặt. Chi tiết có 88 thiết bị Movimar đã hư hỏng, không có linh kiện thay thế; 25 thiết bị khác (24 Movimar, 1 Ltran) không… nạp cước. Bên cạnh đó, Nghệ An vẫn còn 43 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt VMS, chiếm 3,66%.

Quan ngại hơn cả, tại Nghệ An có đến 3.646 lượt tàu mất kết nối VMS trên biển (tính đến ngày 17/5/2022). Riêng trong tháng 5/2022, sự cố trên tăng đột biến với 1.160 lượt tàu. Nguyên nhân được xác định do thiết bị VMS bị hỏng, vận hành chập chờn; nguồn điện cung cấp cho thiết bị VMS hoạt động bị hỏng; chủ tàu ngắt hệ thống điện khi gặp thời tiết xấu để đảm bảo an toàn, chống cháy nổ…

Từ thực tế trên cho thấy, quá trình theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua hệ thống VMS tại Nghệ An chưa mang lại kết quả như mong đợi. Đành rằng công tác tổ chức giám sát, theo dõi được thực hiện khá thường xuyên.

Trong khi đó, tại Cà Mau, theo đại diện Sở NN-PTNT, địa phương này cũng đã hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ 1.526/1.526 tàu cá (đạt 100%) thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay cơ quan chức năng phát hiện tới trên 8.600 lượt tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát. Trong đó, có khoảng 2.800 lượt tàu cá mất kết nối trong những tháng đầu năm 2022. 

Ngoài ra, tại hầu hết các tỉnh ven biển, từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Kiên Giang... cũng có hàng chục ngàn lượt tàu cá mất kết nối giám sát hành trình mà lỗi rất nhỏ từ phía ngư dân, còn lại, nguyên nhân chính là lỗi từ thiết bị của nhà cung cấp.

Không những không khắc phục, sửa chữa kịp thời mà các nhà cung cấp còn chây ì, nhưng đến nay cơ quan chức năng có vẻ như chưa xử lý được nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình nào? Hầu hết ngư dân khi được hỏi đều bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao không có quy định, chế tài xử lý nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình khi lỗi thuộc về phía họ?

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển lúc này là điều không thể chậm trễ, trong đó các nhà mạng cần thể hiện trách nhiệm chia sẻ của mình. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển lúc này là điều không thể chậm trễ, trong đó các nhà mạng cần thể hiện trách nhiệm chia sẻ của mình. Ảnh: Việt Khánh.

Nhà mạng lỗi thì chây ỳ, chủ tàu chậm đóng phí ngắt kết nối luôn

Anh Đoàn Quốc Lượm, chủ của 2 tàu cá CM-92367-TS và CM-99368-TS, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Đóng cước phí sử dụng thuê bao 3 tháng/lần/tàu cá, với giá 1.050.000 đồng của Công ty TNHH Zunibal Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt không để ý tin nhắn từ phía nhà mạng thông báo đến thời hạn đóng cước phí, đã bị phía nhà mạng cắt mạng khoảng 4 - 5 ngày.

Còn ngư dân Trần Thanh Nam, chủ tàu cá CM-92294-TS, ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: Hiện tình trạng thiết bị giám sát hành trình của nhà mạng Viettel với gói 350.000 đồng/tháng của anh đang bị mất kết nối từ ngày 4/6 - 10/6, thời điểm mất kết nối anh đã liên hệ ngay phía nhà mạng để được hỗ trợ.

Tuy nhiên, khi liên hệ phía nhà mạng Viettel họ yêu cầu liên hệ với công ty có địa chỉ tại TP. HCM (chưa rõ tên), đơn vị hợp tác với Viettel gắn thiết bị giám sát hành trình, vì khi kiểm tra thông tin không có trên hệ thống giám sát hành trình tại Cà Mau (do tàu cá này biển số ở tỉnh Sóc Trăng chưa đổi tín hiệu VMS).

Khi liên hệ với phía công ty đại lý của Viettel trên TP. HCM họ trả lời do phía nhà mạng Viettel chưa cấp quyền truy cập để hỗ trợ khách hàng. Họ tiếp tục hướng dẫn anh Nam liên hệ lại phía nhà mạng Viettel theo số tổng đài 1800 để trình báo sau đó, phía tổng đài ghi nhận và nói sẽ liên hệ với bộ phận kỹ thuật xuống hỗ trợ.

Nhưng mấy ngày sau, khi trao đổi với PV Báo NNVN (sáng 10/6) tình trạng tàu cá của anh Nam vẫn chưa được bộ phận nhân viên của phía nhà mạng Viettel tới kiểm tra. Anh Nam liên hệ với Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, lúc đo nhân viên Viettel mới kiểm tra và thông báo do hết thời hạn đóng cước phí nên bị cắt mạng.

Anh Nam bức xúc nói, nếu hết thời hạn đóng cước phí phía nhà mạng cần phải nhắn tin hoặc gọi điện thông báo để anh biết và tiếp tục gia hạn, còn đằng này không thông báo đến khi hết hạn phía nhà mạng lại đơn phương cắt mạng.

Trong khi đó, quá trình sử dụng thiết bị giám sát hành trình, tàu cá của anh và nhiều ngư dân hay bị tình trạng mất tính hiệu, mất kết nối, dây điện hỏng, thậm chí do thiết bị không đảm bảo chất lượng nhưng nhà mạng gần như không bị cơ quan chức năng nào xử lý.

Anh Trần Thanh Nam, chủ tàu cá CM-92294-TS, ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) rất bức xúc với cách làm thiếu trách nhiệm của Viettel. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Trần Thanh Nam, chủ tàu cá CM-92294-TS, ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) rất bức xúc với cách làm thiếu trách nhiệm của Viettel. Ảnh: Trọng Linh.

Còn Anh Nguyễn Thanh kỳ, Chủ của tàu cá MC-91998-TS, CM-92555-TS tại thị trấn Sông Đốc, chia sẻ: Hai chiếc tàu cá điều gắn thiết bị giám sát hành trình của nhà mạng VNPT, với giá 45 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thiết bị cũng không ít lần bị trục trặc, mỗi lần đem đi sửa tốn chi phí từ 2 - 5 triệu đồng. Lỗi là do thiết bị không đảm bảo chất lượng.

Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, hiện nghiệp đoàn có 32 tàu cá đánh bắt xa bờ, đến nay 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm: Vfish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và thiết bị của VNPT.

Theo đó, 2 năm đầu tàu lắp thiết bị của VNPT liên tục gặp sự cố mất tín hiệu từ 2-3 tiếng, thậm chí đến 2 ngày. Ông Phúc đã từng làm đơn 3-4 lần gửi Chi cục Thủy sản để tường trình lý do mất tín hiệu. Sau đó VNPT xác nhận lỗi do thiết bị chứ không phải tàu của ông tự ý ngắt, nhưng đơn vị lắp đặt cũng chẳng có trách nhiệm gì.

Ngư dân bị dồn vào đường cùng

Ngư trường ngày càng bó hẹp, chi phí vận hành tăng phi mã là nỗi lo thường trực với ngư dân. Nay thiết bị giám sát hành trình liên tục sự cố chẳng khác nào giáng một đòn đâu vào ngành thủy sản Nghệ An nói riêng các tỉnh, thành khác nói chung.

Sau hơn 2 năm gánh gồng với đại dịch Covid-19, ngư dân khắp các huyện vùng biển Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã kiệt quệ. Không thể duy trì, nhiều chủ phương tiện đã chủ động rao bán tàu, bất kể giá bán hiện tại chỉ bằng 1/7, 1/8 trước kia.

Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận, thực trạng bán tống bán tháo tàu cá là có thật. Điển hình như tại xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, mới đây thôi 2 chủ tàu đã nhượng lại phương tiện với mức giá bèo bọt khoảng 1,5 tỷ đồng/chiếc. Đây quả thực là tình cảnh chua xót, bởi giá trị khi đóng mới chí ít cũng dao động từ 6 - 7 tỷ đồng. Bàn đến thông tin bán tàu do túng quẫn, ngư dân cho rằng, đó là xu thế tất yếu.

Ông Nguyễn Sỹ Thiết, chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP tại Nghệ An chia sẻ những lời gan ruột: Là chủ trương lớn nhưng quá trình triển khai nảy sinh quá nhiều bất cập, bao gồm việc giải ngân từ ngân hàng, nếu biết trước tôi sẽ không tham gia.

Từ đầu năm 2022 đến nay, phương tiện của gia đình không hoạt động, thế nhưng cước phí giám sát hành trình vẫn phải đóng đều đặn hàng tháng. Để tàu nằm bờ là bất khả kháng, lẽ ra các đơn vị, tổ chức nên chia sẻ áp lực, khó khăn thay vì gây sức ép.

Hàng loạt thiết bị VMS của tàu cá Nghệ An thi nhau “dở chứng” đã kéo theo muôn vàn rắc rối nảy sinh. Về phía chủ tàu họ thực sự bị động, trên hết phải chung chi thêm một khoản không nhỏ (trên 20 triệu đồng) để thay thế.

Về phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương, các đơn vị bắt buộc phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, do đó rất mất thời gian, chưa kể phát sinh nhiều chi phí liên đới. Chung quy, các bên đang trong cảnh trăm mối tơ vò, người thiệt hại nhất vẫn là ngư dân thấp cổ bé họng. 

“Cước phí thuê bao hiện tại quá cao so với thu nhập của người dân, cao nhất 480.000 đồng/ tháng, bình quân dao động mức 300.000 - 350.000 đồng/tháng, nên đề nghị có phương án giảm. Nghệ An có nhiều tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar, vốn là sản phẩm ứng dụng từ lâu, chất lượng không đáp ứng được nhu cầu lúc này, mong muốn có chính sách hỗ trợ để ngư dân triển khai phương án thay thế”, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.