Trục trặc 1 lần chậm tiền hỗ trợ hơn năm
Bình Định là tỉnh dẫn đầu trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá dài từ 15m trở lên trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với gần 3.200 chiếc. Hầu hết ngư dân Bình Định đều lắp thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), số ít còn lại lắp thiết bị của Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và một số nhà cung ứng khác.
Chiếc tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ mang số hiệu BĐ 94555 TS (740CV) của chị Kim Thị Thủy, vợ của ngư dân Đặng Thành Được ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được lắp thiết bị giám sát hành trình của VNPT. Trò chuyện với PV NNVN, chị Thủy rất bức xúc về chuyện 1 lần trục trặc của thiết bị giám sát hành trình mà tàu cá của chị bị chậm nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu tính đến nay đã 15 tháng.
Chị Thủy kể: Ngày 25/3/2021, tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị đang hoạt động thu mua hải sản ngoài khơi, nhưng do mất tín hiệu nên không chuyển được tin nhắn về bờ. Do tàu bị mất tín hiệu, nên ngành chức năng không công nhận chuyến biển ấy tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy có hoạt động trên biển, đồng nghĩa vợ chồng chị Thủy mất đứt khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng (đối với tàu công suất lớn).
Không cam lòng, chị Thủy làm đơn trình bày gửi chính quyền địa phương các cấp, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Bình Định và VNPT Bình Định. Sau gần 2 tháng kiểm tra, ngày 22/7/2021, nhân viên của Trung tâm Kinh doanh VNPT tại Bình Định đã làm giấy xác nhận cho tàu hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 94555 TS của vợ chồng ngư dân Đặng Thành Được ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Tại thời điểm kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình VNPT-VSS của Tập đoàn VNPT, tàu hậu cần nghề cá của anh Đặng Thành Được có tín hiệu đầy đủ từ ngày 11/3/2021 đến ngày 25/3/2021. Căn cứ xác nhận của VNPT, đến tháng 9/2021, Chi cục Thủy sản Bình Định mới làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu cho chuyến biển ấy của tàu hậu cần nghề cá BĐ 94555 TS của vợ chồng anh chị Được Thủy. Ấy vậy mà mãi đến nay đã gần cuối tháng 6/2022, vợ chồng chị Thủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của chuyến biển bị trục trặc tín hiệu từ ngày 25/3/2021.
Theo chị Thủy, trước đây, ngành chức năng quy định mỗi giờ đồng hồ tàu cá hoạt động xa bờ phải chuyển tin về bờ 1 lần, sau này thời gian chuyển tin về bờ được giãn ra 3 tiếng đồng hồ, bây giờ thì giãn rộng hơn đến 6 tiếng đồng hồ mới chuyển tin 1 lần. Nếu trong thời gian quy định mà tàu cá không chuyển tin về bờ là chuyến biển ấy không được xác nhận, chủ tàu kể như mất tiền hỗ trợ nhiên liệu chuyến biến đó.
“Sau chuyến biển cuối tháng 3/2021, do trục trặc thiết bị giám sát hành trình nên vợ chồng tôi không được nhận tiền hỗ trợ, phải vay nóng bên ngoài 100 triệu đồng để làm phí tổn cho chuyến biển mới. Vay nóng phải chịu lãi suất khủng lắm, vay 100 triệu mỗi tháng phải trả lãi 5 triệu đồng. Hồi đó tiền dầu còn thấp, mới gần 20.000đ/lít, mỗi chuyến biển tàu của tôi tiêu hao nhiên liệu hết 1.000 lít dầu, vị chi là gần 20 triệu đồng. Thuê 2 người đi để khi ra khơi vận chuyển hải sản từ tàu cá bạn hàng về tàu hậu cần của mình mất 5 triệu đồng/người/chuyến biển nữa. Mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh để ướp cá mất thêm mấy chục triệu đồng. Chật vật ghê lắm nên sau đó vợ chồng tôi phải cho tàu nằm bờ”, chị Kim Thị Thủy than thở.
Ngư dân chóng mặt vì ma trận các loại cước phí thuê bao
Không chỉ ca thán về chuyện thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT bị trục trặc gây khó cho hoạt động của ngư dân, chị Kim Thị Thủy còn bức xúc về chuyện VNPT ăn gian cước dịch vụ.
Chị Thủy kể: Thiết bị giám sát hành trình tàu cá của nhà cung cấp VNPT trước kia chỉ hơn 24 triệu đồng/chiếc, thế nhưng hiện nay thiết bị này đã tăng giá đến 30,5 triệu đồng/chiếc.
Trước khi ký hợp đồng sử dụng, khách hàng được nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT tại địa phương mời đến dự họp. Tại cuộc họp, nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT thông báo cước dịch vụ hàng tháng mỗi thiết bị phải trả là 250.000đ/thiết bị. Nếu người nhà gọi cho người thân đang hoạt động trên tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ấy phải trả thêm cước vệ tinh phát sinh là 11.000đ/phút.
“Do tốn tiền nhiều quá nên mỗi chuyến biển tôi chỉ dám gọi cho chồng 3 cuộc để hỏi thăm tình hình thu mua hải sản, mỗi cuộc gọi chỉ 1-2 phút là cùng. Mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng tôi chỉ gọi 3 cuộc, tính thêm cước vệ tinh phát sinh, thiết bị trên tàu của tôi phải trả thêm 100.000đ/tháng nữa là cùng, cộng với cước dịch vụ 250.000đ/tháng, vị chi mỗi tháng thiết bị trên tàu cá của vợ chồng tôi phải trả cho VNPT 350.000đ. Thế nhưng, tháng nào phiếu thanh toán cước phí thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của vợ chồng tôi cũng đội lên 400.000đ - 600.000đ/tháng”, chị Thủy nghi ngờ.
Chưa hết, sau chuyến biển vào cuối tháng 3/2021, tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy bị trục trặc thiết bị giám sát hành trình không chuyển tin vào bờ được nên không nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu. Tháng 4/2021, vợ chồng chị đành cho tàu nằm bờ, nên cắt thuê bao thiết bị giám sát hành trình.
Tuy tàu nằm bờ, thiết bị không hoạt động, nhưng VNPT vẫn thu của vợ chồng chị mỗi tháng đóng 49.000đ. Đến ngày 25/3/2022, vợ chồng chị Thủy làm đơn yêu cầu kết nối lại thiết bị để cho tàu ra khơi hoạt động. Chỉ còn 5 ngày nữa là hết tháng 3, dù tàu vẫn còn nằm bờ chưa ra khơi, nhưng VNPT vẫn thu tiền cước nguyên tháng 3/2021 là 350.000đ, dù trong 5 ngày ấy tàu còn nằm bờ nên thiết bị không gọi, không nghe cuộc nào.
Thấy tiền cước sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá của mình đội lên phi lý, chị Thủy gọi cho nhân viên kinh doanh VNPT để phản ánh. Lần gọi thứ nhất chị Thủy được trả lời là để họ kiểm tra, rồi không thấy trả lời. Gọi lần 2 chị Thủy cũng được trả lời là để kiểm tra, sau đó cũng không thấy hồi âm. Lần thứ 3 chị Thủy gọi được nhân viên kinh doanh VNPT trả lời: “Đó là tiền phí”, trong khi chị Thủy không biết đó là phí phải trả về khoản nào.
Không chỉ có tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy bị VNPT ăn gian cước, anh chồng chị Thủy là ngư dân Đặng Thành Công (người cùng địa phương) đang sở hữu 4 chiếc tàu cá chuyên hành nghề mành rút cũng lâm cảnh tương tự.
Chị Thủy kể thêm: “Anh chồng của tôi thường than thở là dù 4 tàu cá của anh nằm bờ, nhưng VNPT vẫn thu cước mỗi thiết bị giám sát hành trình trên 4 chiếc tàu cá của anh hơn 1 triệu đồng/tháng/tàu, có chiếc mỗi tháng phải đóng đến 5-6 triệu đồng mà không biết tiền gì. Tàu cá của em gái ruột của tôi cũng lâm cảnh tương tự.
Trước phản ánh của ngư dân, ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, sẽ cho người về các địa phương xác minh, nếu có sự việc ấy, Chi cục sẽ làm việc với VNPT Bình Định để tìm hiểu nguyên nhân vì sao có những khoản cước phát sinh bất hợp lý ấy.
“Đi biển bây giờ đói lắm, chuyến nào may mắn chỉ đủ tổn (các loại chi phí). Dầu đang tăng giá cao ngất, ấy vậy mà nếu thiết bị giám sát hành trình trục trặc, ngư dân không nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu sẽ bỏ biển hết, chẳng ai còn dám cho tàu ra khơi”, ngư dân Nguyễn Văn Sen, chủ 2 tàu cá BĐ 96785 TS và BĐ 97424 TS ở xã Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), bộc bạch.
“Hiện trên địa bàn tỉnh có 649 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của 5 đơn vị cung cấp khác nhau. Trong đó, giá của các thiết bị giám sát hành trình dao động khoảng từ 20 đến trên 30 triệu đồng, cao nhất là của hãng VNPT. Do thiết bị này có thêm điện thoại vệ tinh nên mức giá lắp đặt xong khoảng hơn 30 triệu đồng. Dù giá cao như vậy, nhưng nhìn chung việc chăm sóc khách hàng của các hãng thiết bị này vẫn chưa được tốt khi đều giao cho các đại lý lắp đặt. Tuy nhiên, khi lắp xong hầu như các đại lý hết trách nhiệm ngư dân bị bỏ rơi. Mặc dù trong thời gian bảo hành nhưng khi thiết bị hỏng hóc, có sự cố việc liên hệ sửa chữa của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam.