| Hotline: 0983.970.780

Sau loạt bài Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các đơn vị cung cấp thiết bị

Thứ Sáu 17/06/2022 , 07:29 (GMT+7)

Có doanh nghiệp đã chủ động nhận lỗi về phía mình, nhưng phần lớn các nhà cung cấp thiết bị vẫn chưa trả lời được thỏa đáng những băn khoăn, mong mỏi từ ngư dân.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về việc lắp đặt, giám sát, vận hành, quản lý hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá do Tổng cục Thủy sản tổ chức chiều 16/6, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị đã có những phản hồi về những băn khoăn, bất cập địa phương, ngư dân đã phản ánh trong loạt bài của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

VNPT: Lỗi lỏng thẻ sim do tàu rung lắc!

Ông Nguyễn Trung Tâm, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) thừa nhận: Có tình trạng tàu cá của ngư dân mất kết nối thiết bị giám sát hành trình do lỏng thẻ sim như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

Theo ông Nguyễn Trung Tâm, Trưởng phòng Công nghệ thông tin VNPT, lỗi lỏng thẻ sim là do tàu rung lắc khi hoạt động trên biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Trung Tâm, Trưởng phòng Công nghệ thông tin VNPT, lỗi lỏng thẻ sim là do tàu rung lắc khi hoạt động trên biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, số lượng trường hợp xảy ra không nhiều, nguyên nhân được xác định là do tàu hoạt động trên biển bị rung lắc dẫn đến tình trạng lỏng thẻ sim. Phía VNPT đã có phương án khắc phục là lắp khay cố định sim. Theo báo cáo, hiện nay lỗi lỏng thẻ sim hầu như không còn.

Đại diện VNPT cũng cho rằng, không phải tất cả các trường hợp mất kết nối đều bị lỏng thẻ sim. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng lỏng thẻ sim, bộ phận kỹ thuật của VNPT đều kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn ngư dân tắt máy, khởi động lại.

“Để biết thẻ sim có thực sự bị lỏng hay không rất khó. Thiết bị của VNPT có 2 chức năng là giám sát tàu cá và chế độ thoại, khi sử dụng chế độ thoại liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn điện và hiệu suất hoạt động của thiết bị. Vì vậy, nếu tàu sử dụng nguồn ắc quy lớn sẽ đảm bảo được tín hiệu”, ông Tâm phân trần.

Liên quan đến vấn đề cước gọi, cước thuê bao, cước giám sát phát sinh, đại diện VNPT nhận trách nhiệm trong thời gian đầu đã triển khai quá nhanh dịch vụ tại các địa phương dẫn đến việc truyền thông cho bà con ngư dân chưa được đầy đủ.

Theo ông Tâm, dịch vụ và những ứng dụng của VNPT luôn hoạt động 24/7, khách hàng có thể truy cập và nhận được cảnh báo liên tục. Do đó, khi có cảnh báo, khách hàng cần xử lý trực tiếp. Nhà cung cấp rất mong muốn hỗ trợ người dân và cũng mong nhận được sự phối hợp của người dân thì việc khắc phục sự cố sẽ thuận lợi hơn.

Viettel: Khách hàng đang sử dụng dịch vụ bình thường?

Đại diện nhà cung cấp thiết bị Viettel cho rằng, đơn vị đang cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá có tên S-Tracking. Việc thực hiện cung cấp dịch vụ tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước và có quy trình quản lý như các dịch vụ viễn thông khác. Bên cạnh đó, đã có những văn bản hướng dẫn về bảo hành và xử lý sự cố.

Đại diện nhà cung cấp Viettel khẳng định, khách hàng đang sử dụng dịch vụ bình thường. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện nhà cung cấp Viettel khẳng định, khách hàng đang sử dụng dịch vụ bình thường. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở thời điểm hiện tại, Viettel khẳng định khách hàng đang sử dụng dịch vụ bình thường. Đối với trường hợp cụ thể khách hàng sử dụng thiết bị lỗi, hỏng, hệ thống tiếp nhận bảo hành không ghi nhận lịch sử bảo hành của chủ tàu. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc để xử lý vụ việc.

“Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến khách hàng, Viettel sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng mua thiết bị giám sát hành trình tàu cá như cung cấp đầu số hotline để phục vụ khách hàng 24/24 được công bố trên website của Viettel”, đại diện Viettel chia sẻ.

Cũng theo vị đại diện Viettel, đơn vị đã tổ chức luồng ứng cứu sự cố, đổi tạm thiết bị mới cho khách hàng trong thời gian sửa chữa, bảo hành thiết bị hỏng, chương trình này áp dụng với cả các thiết bị đã hết thời gian bảo hành.

Bên cạnh đó, Viettel cũng có điểm tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân ở khắp các tỉnh thành để kịp thời hỗ trợ khách hàng.

Kể từ khi báo chí có phản ánh, Viettel đã có chỉ thị đến các cơ sở tại 28 tỉnh thành về việc rà soát thông tin sai lệch ở thiết bị và chủ tàu, rà soát công tác kẹp chì… Sau khi có phản hồi từ các tỉnh, đơn vị sẽ báo cáo lại tiến độ thực hiện. Sắp tới, Viettel sẽ tổ chức kiểm tra một lần nữa để xử lý, khắc phục vấn đề.

Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội: Tàu nằm bờ vẫn bị thu cước phí là lỗi từ phía khách hàng?

Đại diện Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội cho rằng: Các thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị lỗi có hai nguyên nhân: Do lỗi kỹ thuật của thiết bị và ngư dân không đóng cước nên bị ngắt kết nối.

Về phía doanh nghiệp, khi hết hạn cung dịch vụ luôn có đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thông tin cho người dùng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không hoặc chưa nộp cước phí tại thời điểm đó, thời gian trôi đi nhà mạng sẽ tiến hành ngắt kết nối, lúc này ngư dân đổ lỗi tại nhà mạng không thông tin là chưa chính xác.

Đại diện Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội cho rằng: Tàu cá nằm bờ vẫn bị thu cước phí, lỗi là từ phía khách hàng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội cho rằng: Tàu cá nằm bờ vẫn bị thu cước phí, lỗi là từ phía khách hàng. Ảnh: Tùng Đinh.

Về mức thu cước phí của các đơn vị có sự khác nhau là tùy vào giải pháp mà nhà cung cấp đó triển khai. Việc tàu nằm bờ vẫn bị thu cước phí, nhìn chung lỗi là từ phía khách hàng. Bởi lẽ, một số doanh nghiệp khi khách hàng ngưng sử dụng dịch vụ mà có thông báo thì sẽ tạm thời bảo lưu, treo, điều chỉnh cước phí cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tàu không đóng cước phí nhưng không có thông báo, dẫn tới nhà cung cấp dịch vụ không nắm rõ tàu đang nằm bờ hay đi biển nên vẫn tiến hành thu cước như bình thường.

Cũng theo vị đại diện Công ty Khánh Hội, khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có sự cố, doanh nghiệp sẽ thông qua các đại lý tiến hành xử lý nhanh hoặc tháo thiết bị mang đi sửa chữa. Khi sửa xong, lắp đặt trở lại, công ty sẽ có niêm phong, báo cáo, hình ảnh gửi các đơn vị chức năng.

Về việc ngắt kết nối, vị đại diện này cho rằng: Nếu người dùng không đóng cước, nhà mạng sẽ tiến hành ngắt kết nối, khi mở kết nối nhà cung cấp dịch vụ phải thu cước đây là điều không cần bàn cãi. Do đó, để giải quyết bài toán tàu nằm bờ vẫn bị thu cước, các địa phương cần có hướng dẫn người dân thông báo lại với đơn vị quản lý để nhà cung cấp nắm được thông tin, từ đó điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

Vishipel: Đề xuất nới thời gian đồng bộ dữ liệu và có tiêu chuẩn tỷ lệ thiết bị lỗi 

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) cho biết: Liên quan đến những phản ánh về lỗi phát sinh của thiết bị, Vishipel có chính sách bảo hành 12 tháng, hỗ trợ 1 đổi 1 khi phát hiện lỗi.

Về vấn đề cước phí, cần xem xét và trao đổi thêm giữa nhà nước, người dân và nhà cung cấp. Khi thực hiện cấp dịch vụ cho khách hàng, các nhà cung cấp sẽ phải trả một khoản phí để thực hiện hòa mạng cho tàu và phải thông báo, trả thêm một khoản cước khi tàu rời hệ thống hoặc hủy kích hoạt.

Việc thực hiện hành động này thường xuyên sẽ độn phí vệ tinh lên rất cao. Trong khi nhà cung cấp dịch vụ rất khó có thể xác định và khoanh vùng khoảng thời gian tàu nằm bờ.

Đại diện Vishipe đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét tỉ lệ mất bản tin để đạt được tiêu chuẩn về chất lượng của dịch vụ khoảng 3%. Ảnh:Tùng Đinh.

Đại diện Vishipe đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét tỉ lệ mất bản tin để đạt được tiêu chuẩn về chất lượng của dịch vụ khoảng 3%. Ảnh:Tùng Đinh.

Phía Vishipel mong có một bộ phận xác nhận để từ đó xem xét các chính sách cước hợp lý. Hơn nữa, thiết bị của Vishipel có trang bị hệ thống pin dự phòng để đảm bảo hoạt động liên tục trên biển, đồng thời dự phòng trường hợp ngư dân ngắt nguồn điện dẫn đến mất thông tin. Tuy nhiên, khi ngư dân về bờ, hệ thống vẫn tiếp tục phát dữ liệu. Điều này gây khó khăn trong quá trình tính toán giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý triệt để liên quan đến cước phí.

Trên cơ sở đó, đại điện Vishipel đề xuất: Các cơ quan có thẩm quyền xem xét tỉ lệ mất bản tin để đạt được tiêu chuẩn về chất lượng của dịch vụ khoảng 3%. Vishipel đã tham khảo một số tiêu chuẩn quốc tế cho tàu hàng, chấp nhận mất 5% thông tin. Về vấn đề chậm đồng bộ từ các nhà cung cấp dịch vụ (hiện tại là 6 tiếng), Vishipel đề xuất nới rộng khoảng thời gian cho phép đồng bộ lên 12 tiếng hoặc đồng bộ dữ liệu lịch sử định kỳ (1 tuần/lần).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.