| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ đi luân chuyển cần có cơ chế bảo vệ!

Thứ Bảy 19/05/2018 , 07:30 (GMT+7)

Hiền tài quốc gia thời nào cũng có và ngày nay không thiếu. Điều quan trọng là cách thức nhận diện ra họ là ai, ở đâu và bằng cách nào? Nếu cứng nhắc, rập khuôn, khép kín và thiếu cái tâm trong sáng thì khó lòng xây dựng được lực lượng rường cột của bộ máy nhà nước.

ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nói như vậy trong cuộc trò chuyện với KTGĐ.

15-40-33_db_le_thnh_vn
ĐBQH Lê Thanh Vân


Người đứng đầu tâm không sáng sẽ thâu tóm quyền lực

Đề cập đến đề án cán bộ cấp chiến lược vừa được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn thảo, ông Lê Thanh Vân cho rằng, đất nước lúc này cần lắm một thế hệ cán bộ cấp chiến lược hội đủ những tiêu chuẩn căn bản của đức, tài. Đó là lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đại diện cho hồn cốt, tinh tuý dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, đó là những người có năng lực tư duy vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm. Đây được coi là tiêu chuẩn hàng đầu của các chính trị gia, là nền tảng tri thức để họ tự mình khởi xướng, hoạch định được đường lối, chính sách chiến lược đúng đắn. Điều này cũng đồng nghĩa họ chính là những lý thuyết gia, nhưng không phải là lý thuyết suông, ngẫu hứng phát ngôn tuỳ tiện, mà thiếu đi những luận chứng, luận cứ thuyết phục.

Cũng theo ông Vân để đạt được tố chất ấy, ngoài trí tuệ thiên bẩm, họ phải có quá trình học tập, rèn luyện hà khắc, trải qua quá trình “nấu sử, sôi kinh” và được thừa nhận qua các kỳ thi, sát hạch nghiệt ngã. Với sức mạnh tinh thần, họ chính là người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo.

Đó chính là năng lực tổ chức, vận hành bộ máy, khả năng khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài. Họ là lương Đống của xã tắc, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có khả năng thuyết phục muôn người trong quan hệ đối nội, đối ngoại. Có minh quân, ắt có chiêu hiền, đãi sĩ; nhân tài khắp nơi sẽ tụ hội theo về để chấn hưng đất nước.

Vâng thưa ông, đó chính là kỳ vọng của dân tộc và Đảng ta đối với cán bộ cấp chiến lược. Về tổng thể là vậy còn cụ thể hơn, Trung ương xác định ngay sau Hội nghị Trung ương 7 sẽ triển khai luôn và Đại hội XIII tới sẽ thực hiện đại trà việc Bí thư Cấp ủy không phải là người địa phương. Ông có bình luận gì về quyết tâm này của Đảng?

Thực ra câu chuyện Bí thư Cấp ủy không phải người địa phương đã được bàn lâu rồi. Bí thư cấp ủy chỉ là một chức danh thôi. Giữa năm 2014, Bộ Chính trị có Chỉ thị 36 chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp đã đưa 9 chức danh không phải là người địa phương, trong đó có Bí thư cấp ủy. Lần này, vì sao Trung ương 7 lại đưa ra bàn một cách quyết liệt, nhất quán thành một chủ trương lớn và thể hiện quyết tâm sẽ thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được ban hành.

Có lẽ điều này xuất phát từ thực tiễn bức xúc với việc lạm dụng quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Không ít nơi, người đứng đầu cấp ủy như vua con, hà lạm quyền lực, bóp méo các quy định pháp luật hiện hành, uấn thẳng thành cong, do cái tâm không sáng. Khi người đứng đầu cấp ủy mà tâm không sáng thì thâu tóm mọi quyền lực, chi phối toàn bộ tập thể, khuynh loát mọi hoạt động mọi hoạt động của chính quyền.
 

Dám chấp nhận hy sinh

Thưa ông, ngay sau khi Trung ương trình đề án này đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận cái được và thách thức của nó cả trước mắt và lâu dài. Ý kiến của ông như thế nào về điều này?

Tôi từng được luân chuyển đi làm cán bộ ở địa phương và nhận thấy khá rõ những thuận lợi và thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn. Vì thế tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Ở đây, xin nhấn mạnh rằng, cái được của việc này đấy là cán bộ luôn mới. Một người lớn lên và làm lãnh đạo cùng một nơi thì cái tính trì trệ dễ xẩy ra, vì người ta quen nếp sống và quản lý cũ.

Việc tự đổi mới hiếm khi xảy ra vì cái đó là cả một quá trình nhận thức của con người. Còn khi đưa người mới về sẽ có cái nhìn mới, nhiệt huyết mới dễ tạo ra những phương hướng mới, giải pháp mới.

Hai là đưa người nơi khác về thì phần lớn quan hệ bà con thân thích, bạn bè, chiến hữu gần như không có. Nếu chọn đúng người đức, tài thì họ chỉ biết dốc sức lập công mà thôi.

Ba là, việc luân chuyển này sẽ tạo nguồn cho cấp trên. Qua đó Trung ương có đánh giá để lựa chọn cán bộ kế cận.

Bên cạnh đó, phải nhìn thấy thách thức. Đó là, người từ nơi khác đến rất dễ bị đơn phương độc mã, nếu không có cơ chế bảo vệ từ phía trên thì dễ bị hãm hại. Người ta có thể lợi dụng cơ chế dân chủ, quy trình nhân sự để bày ra trăm phương ngàn kế, như: tắt điện, đem thùng phiếu đi nơi khác để kiểm phiếu, đe dọa, khống chế, dụ dỗ người vừa cơ cấu để buộc họ phải bỏ phiếu theo ý muốn của kẻ cầm đầu, bè phái, cục bộ, bản vị, lợi ích nhóm...

Có trường hợp cán bộ luân chuyển bị người ta lục lọi tài liệu văn thư từ Trung ương gửi về, lục soát nơi ở, phòng làm việc, mất cả tài sản. Vụ việc đã được báo cáo Cấp ủy và Ban Tổ chức Trung ương, nhưng chẳng được phúc đáp, giải quyết.

Hình thức khống chế người mới thì nhiều lắm. Họ tạo nên vây cánh số đông, người mới về dù có muốn đổi mới, liêm chính đến mấy cũng dễ bị chống phá bằng mẹo cờ gian, bạc lận.

Người từ nơi khác mới chuyển về dù muốn khởi xướng chương trình hành động mới, đúng đắn mà họ không ủng hộ bằng cơ chế đa số thì khó lòng triển khai được ý định. Nói chung môi trường thi thố tài năng sẽ bị hạn chế, trong khi chỗ dựa lại rất mong manh.

Đồng thời, không loại trừ khả năng người nơi khác về dễ bị dĩ hòa vi quý, vo tròn chờ ngày trở về; lập bè kết cánh mới, hình thành nhóm lợi ích mới. Và nữa, trong thế giới phẳng này thì không loại trừ tình huống “bắt tay, thông đồng” giữa Bí thư của hai địa phương được luân chuyển cho nhau. Đó là những thách thức lớn.

Vậy đâu là giải pháp để khắc phục các hạn chế, thách thức này thưa ông?

Tôi cho rằng, Trung ương đã bàn thảo khá kỹ lưỡng rồi, nhưng thực tiễn thì vẫn còn nhiều chuyển động lắm! Do vậy, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để hoàn thiện cơ chế này. Tôi chỉ xin góp lời bàn theo đề nghị của bạn.

Trước hết, cơ quan có thẩm quyền đưa người đi luân chuyển phải có trách nhiệm bảo vệ họ, có kênh thông tin để giám sát từ hai phía (giám sát được địa phương và giám sát được người cử đến làm việc); phải có chế độ báo cáo của người được cử đến địa phương mới. Tổ chức cấp trên phải biết lắng nghe, thăm dò thông tin dư luận rộng rãi trong nhân dân, cán bộ trong bộ máy. Đặc biệt là đánh giá của nhân dân luôn khách quan, công tâm.

Có chế độ định kỳ đánh giá, có nhiều kênh đánh giá nhân sự do mình đưa về, đánh giá phải dựa trên cơ sở thực chứng kiểm nghiệm việc làm của họ; họ có làm thay đổi diện mạo gì, nếu có đủ điều kiện rồi có làm được gì không? Nếu không làm được thì phải rút về hoặc là bố trí sang vị trí khác, chứ không nhất thiết phải đủ thời gian. Người được đưa đến địa phương khác, ngoài các tiêu chuẩn năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, thì cái cần nữa là lòng dũng cảm, dám đối mặt các thách thức, dám chấp nhận hy sinh trước những sai phạm; đồng thời, cấp trên phải có cơ chế bảo vệ họ.

Việc đưa cán bộ luân chuyển đi cơ sở hay tới đây là Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương nếu không có các giải pháp đồng bộ đi kèm như bảo vệ họ thì hoặc là họ sẽ vo tròn, dĩ hòa vi quý với cơ sở để được trở về lành lặn hoặc là họ sẽ bị cô lập, không tài nào làm việc được. Có thể họ còn bị hàm oan đủ điều, mà cấp trên không biết.

Đó là những vấn đề mà Trung ương cần tính tới để thổi luồng khí mới cho cuộc cách mạng trong công tác cán bộ hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.