Trong khuôn khổ dự án Hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, đã bắt tay triển khai xây dựng thí điểm đập Sabo đầu tiên tại bản Piệng, tỉnh Sơn La.
Đây là dự án mang tính đột phá trong ứng dụng công nghệ Nhật Bản nhằm kiểm soát "thiên tai trầm tích" (là các thiên tai do sạt lở đất trên mái dốc, sườn núi (đất, cát, đá… hay do mưa lớn tạo thành dòng lũ cuốn theo các đất đá bị sạt lở gây thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, đường sá, đất nông nghiệp) giảm thiểu rủi ro cho người dân, từ yêu cầu kỹ thuật trong quy hoạch tổng thể, thiết kế công trình, cho đến phương pháp thi công tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Công trình đập Sabo thí điểm tại bản Piệng là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam, được khởi công vào ngày 4/4/2024. Dự án có tổng vốn đầu tư 8,2 tỷ đồng, được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Do ảnh hưởng của mưa lũ, công trình chính thức được triển khai xây dựng từ cuối tháng 9/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2025.
Là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất để ứng phó với thiên tai trầm tích, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng về tần suất và mức độ cực đoan của các hiện tượng này. Tại Nhật Bản, công trình trên đã được chứng minh là một trong những giải pháp bền vững đem lại hiệu quả thiết thực và lâu dài tại các khu vực miền núi.
Đập Sabo bản Piệng được thiết kế với kết cấu bê tông hở, chiều rộng 61m, cao 9m, có công dụng kiểm soát bùn đá, gỗ trôi từ thượng nguồn, đập giúp giảm thiểu nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, bảo vệ an toàn cho khu vực hạ lưu. Đây là mô hình thí điểm quan trọng để Chính phủ Việt Nam xem xét, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc quy hoạch tổng thể và thiết kế các công trình khác trong tương lai.
Trong thời gian qua, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn và sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Mường La, dẫn đến nhiều thiệt hại đáng kể. Hậu quả bao gồm một người mất tích, khoảng 90 ngôi nhà bị ảnh hưởng, cùng với tổn thất nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp.
Các xã chịu tác động nặng nề nhất là Mường Bú, Ngọc Chiến, Pi Toong, và Tạ Bú, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 8,7 tỷ đồng. Tình hình này đòi hỏi việc triển khai cấp bách các dự án chống sạt lở nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người dân trong khu vực.
Theo Văn phòng JICA tại Việt Nam, dự án xây dựng đập Sabo thí điểm là một trong những hoạt động quan trọng thuộc khuôn khổ dự án Hợp tác kỹ thuật về nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất, được triển khai từ năm 2022. Dự án này là sự hợp tác giữa Cục Quản lý đê điều - Phòng chống thiên tai và JICA, hướng tới 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Việc áp dụng tiêu chuẩn Nhật Bản trong xây dựng đập Sabo cũng cho thấy khả năng thích nghi và học hỏi của Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật và xây dựng trong nước.
Ông Cầm Bun Păn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La chia sẻ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc đầu tư vào các công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, như đập Sabo, là một bước đi đúng đắn và cần thiết.
Đập Sabo thí điểm tại bản Piệng, huyện Mường La, là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tương tự trong tương lai. Nếu được triển khai rộng rãi, mô hình này có thể trở thành giải pháp chủ lực giúp Việt Nam giảm nhẹ những hậu quả khắc nghiệt của thiên tai, đảm bảo phát triển bền vững cho các vùng miền núi.