EU quản lý chặt chẽ kiểm soát dư lượng trên thủy sản nuôi
Từ ngày 24/9 - 17/10, Đoàn thanh tra Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện Chương trình giám sát dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm trong động vật và sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm tại Việt Nam (gồm mật ong và thủy sản nuôi) để xuất khẩu vào EU.
Mới đây, tại Hội thảo “Quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) trong nuôi trồng thủy sản”, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhận định, để duy trì vị thế trong hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, việc tiếp các đoàn thanh tra nước ngoài là minh chứng tính tương đương của hệ thống quản lý và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến.
Trong đó, EU là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam, có yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong 7 tháng đầu năm 2024 chỉ chiếm 11,5%. Tuy nhiên, cùng với Hoa Kỳ, EU là thị trường “đầu tàu” dẫn dắt, định hướng, giúp nước ta khẳng định uy tín, chất lượng.
Do đó, nếu kết quả thanh tra không đạt như kỳ vọng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Hiện nay, việc quản lý ATTP trên thủy sản nuôi có sự tham gia của nhiều đơn vị như: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Cục Thủy sản và các địa phương… Nhưng có những khâu tách rời nhau, khiến việc kiểm soát rất phức tạp.
Một số vấn đề thị trường EU đang quan tâm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý như thế nào khi phát hiện dư lượng chất cấm. Hay việc các địa phương truy xuất các cơ sở vi phạm, cách xử lý, xử phạt, khắc phục, hành động ra sao?
Do đó, các doanh nghiệp và địa phương cần trang bị đầy đủ các quy định về ATTP trong nuôi trồng thủy sản để có kinh nghiệm, thông tin và ứng xử tốt khi làm việc với đoàn thanh tra EU sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, chuyên viên Cục Thủy sản phân tích chi tiết, đợt thanh tra của EU lần này bao gồm kiểm tra từ xa và thực địa. Phương pháp tiếp cận chủ yếu là đánh giá theo hệ thống. Nghĩa là các cơ quan thẩm quyền ở Trung ương phải cung cấp các câu hỏi trước khi đoàn đến, để đánh giá tương đương về hệ thống quản lý trong lĩnh vực ATTP.
Tiếp theo, Đoàn thanh tra EU sẽ đánh giá tương đương về mặt thực thi. Cụ thể khi cơ quan thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, địa phương sẽ thực hiện như thế nào, kiểm tra định kỳ ra sao.
Riêng trong công đoạn nuôi, đoàn sẽ kiểm tra quá trình kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm, thức ăn, hóa chất, kháng sinh.
Do đó, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến chương trình dư lượng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2024, các địa phương cần quan tâm quản lý chặt các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Như công tác cấp mã số vùng trồng; việc chấp hành ATTP trong sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, cơ sở.
Đặc biệt là lập danh mục những doanh nghiệp bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài để phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần.
“Tắc đường” truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi
Tiền Giang là một trong những địa phương dự kiến sẽ đón Đoàn thanh tra EU đợt này. Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện trên địa bàn có 2.388 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, chỉ có 15 cơ sở nuôi thủy sản của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ATTP và thẩm định đánh giá định kỳ theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Diệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang nhận định, trải qua nhiều đợt thanh tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã có sự chuẩn bị và chủ động phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc.
EU quan tâm sự thiện chí của Việt Nam. Nếu chưa thực hiện theo quy định, phải có kế hoạch, giải pháp để kiểm soát về dài hạn.
Vấn đề ông Diệt băn khoăn, hiện nay có rất nhiều thông tin yêu cầu xác nhận doanh nghiệp có mua cá trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hay không? Trong khi qua xác minh thực tế địa chỉ cung cấp không có vùng nuôi tại địa phương.
Bởi thực tế, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Tiền Giang không thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Do đó việc nắm bắt thông tin và kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi thu mua thiếu chặt chẽ (thu mua qua thương lái hoặc một lô nguyên liệu được thu mua từ nhiều hộ nuôi…).
“Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải làm việc lại với tất cả doanh nghiệp. Mua nguyên liệu từ thương lái thì phải xác định nguyên liệu đó ở đâu, có nguồn gốc rõ ràng, đúng mã nuôi hay không? Nhà máy không biết lô hàng năm nào, tháng nào, khai ra là trại giống Tiền Giang. Còn ở Tiền Giang thì không nhớ có bán cho cơ sở nuôi hay không, rồi việc truy xuất bị “tắc”, đó là vấn đề nguy hiểm”, ông Diệt bày tỏ khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi.
Ngoài vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo lãnh đạo ngành thủy sản Tiền Giang, hiện có tình trạng, một số doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ, xuất đi thị trường khác nhưng vẫn có hồ sơ đưa vào thị trường EU.
“Tiếp Đoàn thanh tra EU không khó, mà khó là câu chuyện chuẩn bị hồ sơ ban đầu, cần sự minh bạch. Chúng tôi ở địa phương là người thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhân lực rất ít. Do đó, cần sự phối hợp, đồng hành của doanh nghiệp với cơ quan quản lý để truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách minh bạch, hiệu quả nhất, như vậy mới thành công và bền vững”, ông Diệt nói thêm.
Trước đó, đầu tháng 8/2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản nuôi xuất khẩu vào EU.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị rà soát, đối chiếu và khắc phục triệt để các sai lỗi liên quan đến điều kiện bảo đảm ATTP. Đồng thời, thống kê, lưu trữ đầy đủ hồ sơ kiểm tra, chứng nhận lô hàng xuất khẩu vào EU; các thông báo về lô hàng không đạt từ năm 2020 đến nay.
Với các doanh nghiệp có lô hàng bị EU cảnh báo từ năm 2020 đến nay, nhất là về hóa chất kháng sinh, cần lưu trữ đầy đủ các văn bản cảnh báo, báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục (bao gồm cả biên bản làm việc với hộ nuôi, kết quả kiểm tra, xử lý hộ nuôi của cơ quan địa phương, việc giám sát xử lý lô hàng không đảm bảo ATTP).