| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Thứ Năm 31/10/2024 , 19:09 (GMT+7)

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Đưa khuyến nông về cơ sở

Hậu Giang có lực lượng khuyến nông phủ kín 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau khi tỉnh Hậu Giang được tái thành lập, ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng củng cố và đưa lực lượng khuyến nông về cơ sở để xây dựng các mô hình sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

Hoạt động của lực lượng khuyến nông tại Hậu Giang ngày càng đa dạng, không chỉ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn đóng vai trò liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Hoạt động của lực lượng khuyến nông tại Hậu Giang ngày càng đa dạng, không chỉ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn đóng vai trò liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2009, tỉnh bắt đầu thực hiện thí điểm tổ kỹ thuật nông nghiệp cấp xã. Mỗi tổ được cơ cấu 3 thành viên gồm cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật và cán bộ thú y. Các tổ kỹ thuật nông nghiệp cấp xã hoạt động có chất lượng, hiệu quả rõ rệt, thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tốt hơn so với ban nông nghiệp trước đây.

Từ đó, UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận cho tuyển viên chức về công tác trên địa bàn cấp xã từ 21 viên chức khuyến nông năm 2009, hiện nay là 75 viên chức, phủ khắp các xã, thị trấn có diện tích sản xuất nông nghiệp. Địa điểm và phòng làm việc do UBND cấp xã, phường, thị trấn bố trí và được đầu tư trang thiết bị, máy vi tính cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác.

Theo ông Lê Minh Thắng, hiện nay tỉnh Hậu Giang đã thành lập 51 tổ khuyến nông cộng đồng phủ kín địa bàn 51 xã trên toàn tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt tại cơ sở tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Chức năng và phương thức hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng được đa dạng hóa, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã, thông tin thị trường, liên kết sản xuất. Đặc biệt là tập trung các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, điển hình làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất vùng nguyên liệu bền vững.

Liên kết phát triển sản xuất

Hậu Giang là tỉnh đầu tiên tại vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT chọn để khởi động Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Từ mô hình điểm nay, tỉnh đã tích cực triển khai, mở rộng diện tích tham gia Đề án.

Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 với kinh phí gần 154 tỷ đồng. Trước mắt, giai đoạn này tập trung vào vùng dự án VnSAT của tỉnh trước đây, tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện một số mô hình điểm ở 6 huyện được chọn tham gia.

Thành viên các hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được tập huấn và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Thành viên các hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được tập huấn và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Riêng đối với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu giang, năm 2024 cũng đã lồng ghép thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa chất lượng theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô 180ha. Hiện nay Trung tâm đang trong giai đoạn cấp phát giống, vật tư, máy móc, thiết bị thực hiện trong vụ đông xuân 2024 - 2025.

Vai trò của lực lượng khuyến nông cộng đồng là hỗ trợ các tổ chức nông dân tham gia áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao lợi nhuận. Đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường thông qua giảm dư lượng phân bón, hóa chất thải ra môi trường, giảm lượng nước tưới và giảm phát thải khí nhà kính. Hỗ trợ, tư vấn phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, tư vấn về các chính sách, liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc cũng như vận động xã hội hóa để tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa phương.

Bên cạnh đó hỗ trợ hình thành các mô hình canh tác lúa theo chuỗi giá trị, làm cầu nối liên kết với các công ty như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Cua (Sóc Trăng), Tập đoàn Lộc Trời (An Giang)… bao tiêu lúa hàng hóa cho các thành viên hợp tác xã.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...