Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi về phát triển nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang phải đối mặt với các thách thức do thiên tai gây ra, trong đó có sạt lở bờ sông, bờ biển.
Những năm gần đây, do phát triển ồ ạt các hồ chứa ở các quốc gia thượng nguồn nhất là các hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông; sự phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội nội vùng ĐBSCL và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển với xu thế ngày càng gia tăng về phạm vi và mức độ nguy hiểm.
Qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, khu vực ĐBSCL đã có 733 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 925km, trong đó sạt lở bờ sông là 632km, bờ biển là 293km. Sạt lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển.
Trước những diễn biến phức tạp về sạt lở bờ sông, bờ biển, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, từng bước ổn định bờ sông, bờ biển, nâng cao năng lực quản lý.
Theo đó, cùng với công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển làm cơ sở cho các Bộ, ngành địa phương triển khai các biện pháp xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển.
Năm 2019, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã báo cáo Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 với mục tiêu “Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng” cùng với các giải pháp công trình, phi công trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện.
Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định về quản lý cát sỏi, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, quy định về khai thác nước dưới đất. Trong đó quy định chiều sâu khai thác tại ĐBSCL không quá 30m, riêng tỉnh Cần Thơ không quá 35m.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tập trung triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL, là công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ ra quyết định đối với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức hướng dẫn địa phương cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở, hiện đã cắm được 596 biển trên tổng số 226 khu vực sạt lở kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở, chủ động các biện pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Từ năm 2016 đến nay, bằng các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã được hỗ trợ 9.904 tỷ đồng để xử lý 201km sạt lở bờ sông, bờ biển. Qua đó góp phần hạn chế sạt lở, đảm bảo an toàn dân sinh trong khu vực.
Trong đó, nhiều giải pháp phòng chống sạt lở ứng dụng công nghệ mới đã được áp dụng, điển hình là giải pháp hai hàng cọc bê tông ly tâm, bước đầu đem lại hiệu quả phòng chống xói lở, khôi phục lại rừng ngập mặn trong khu vực.
Thực hiện Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL và Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ về kinh phí của trung ương và nỗ lực của địa phương trong việc huy động nguồn lực, đến nay các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã hoàn thành di dời 200.000 hộ dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai vùng ĐBSCL đến nơi an toàn, trong đó có các hộ thuộc khu vực sạt lở vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng được các Bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm thực hiện thông qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân. Qua đó góp phần không nhỏ trong việc tăng cường công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ NN- PTNT dự kiến bố trí 2.850 tỷ đồng để xử lý 10 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 45,1km (bờ sông 17,6km, bờ biển 27,5km). Hiện còn 80 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 141km, trong đó bờ sông 60km, bờ biển 81km chưa có kinh phí xử lý.