| Hotline: 0983.970.780

Cần gấp 538 tỷ đồng và 10 ngàn tấn gạo hỗ trợ vùng hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Bảy 26/03/2016 , 13:58 (GMT+7)

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng 26/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3. Một trong những nội dung được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong phiên họp này là vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

13-29-39_ttg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chậm trễ trong việc hỗ trợ cho nhân dân, lưu ý không để dân đói, dân khát

Theo báo cáo của Chính phủ trong tháng 3 và Quý I/2016, tình hình SXNN gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt: Rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSCL, khô hạn và thiếu nước ngọt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại về SXNN và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2016 ước giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp giảm 2,5%; lâm nghiệp tăng 6,3%; thủy sản tăng 2,3%.

“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay và sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%” – Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát cho hay, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn. Cả vùng Nam Trung bộ có 23.000ha phải dừng trồng lúa, trong đó, Ninh Thuận, Bình Thuận có số diện tích lớn nhất (hơn 45%). Vùng ĐBSCL có 210.000ha lúa bị thiệt hại (mất khoảng 1 triệu tấn lúa). Hàng ngàn ha cà phê, tiêu ở Tây Nguyện bị hạn, khô héo.

“Tình hình sẽ còn nặng nề hơn trong các tháng tiếp theo. Hiện nước ngọt từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) đã về đến Lào (cách chúng ta khoảng 800Km). Phía Lào cũng đã có kế hoạch để xả nước trên sông Mê Kong xuống hạ lưu để giúp Việt Nam khắc phục hạn, mặn” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Đề cập đến các giải pháp khắc phục, đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt hiện nay, người đứng đầu ngành NN – PTNT cho hay, sẽ tập trung với trồng trọt cố gắng vụ đông xuân ở miền Bắc thắng lợi. Điều chỉnh khung thời vụ, lịch thời vụ và cơ cấu giống phù hợp để né ấm của nền nhiệt. Với ĐBSCL và miền Trung thì điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng lúc nào xuống giống, các giải pháp canh tác cho vụ hè thu tới đây để bù đắp những thiệt hại từ vụ đông xuân.

Hiện nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên không còn nước nên biện pháp cấp bách là tích cực bảo vệ cây lâu năm. Thứ 3 tuần tới sẽ có cuộc họp bàn các giải pháp sinh học chứ dùng nước để tưới là khó vì nước không còn. Lo lắng chính là cao su, nếu hạn tiếp tục căng thì nó không chỉ ảnh hưởng đến lượng mủ trong năm nay mà còn cả năm tiếp theo.

13-29-39_bt-co-duc-pht
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nếu không làm tốt các giải pháp ứng phó với BĐKH và hỗ trợ thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên

Bên cạnh những vấn đề khó khăn thì tình hình xuất khẩu quý I của lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng khá (3,1%) trong khi năm ngoái thời điểm này đang tăng trưởng âm. Các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều đều tăng giá trở lại; đặc biệt là tôm giá đang tăng lên rất cao. Tiến độ xây dựng nông thôn mới cũng chuyển biến tích cực, đến hết tháng 3 có thể đạt 20% số xã và 17 huyện đạt chuẩn NTM.

Thời gian qua, Bộ NN – PTNT đã mời các đối tác quốc tế tại Hà Nội, họ đã cử các đoàn đi đến 6 tỉnh để khảo sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và các đoàn đều có báo cáo rõ tình hình ở những nơi đến kiểm tra là rất nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các đoàn sẽ có cuộc họp vào thứ 4 tuần tới để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến tháng 5/2016, Phó Tổng Thư ký LHQ sẽ thăm Việt Nam. Các đối tác cũng đã có kế hoạch sẽ đưa Việt Nam vào danh sách nước được đề nghị LHQ hỗ trợ vì bị ảnh hưởng bởi Enilno.

“Nếu không làm tốt thì tỷ lệ hộ nghèo vùng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tăng lên. Đề nghị Chính phủ phê duyệt đề nghị của liên Bộ để hỗ trợ cho các tỉnh như làm hồ, đập tạm, để trữ nước. Hiện có hơn 1 triệu người dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt. Liên bộ đề nghị khoảng 538 tỷ đồng và các địa phương đề nghị hỗ trợ 10 ngàn tấn gạo cho nhân dân” – Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan điểm của Chính phủ là không để dân khát, dân đói và việc hỗ trợ phải đúng địa chỉ. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải làm khẩn trương vấn đề này.

“Đối với nguồn kinh phí 538 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, Chính phủ sẽ ưu tiên cho việc làm hồ, đập tạm để trữ nước. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ rà soát lại các thủ tục liên quan, đấu mối với các Bộ, ngành để Thủ tướng ký quyết định ngay.

Đối với đề nghị của các địa phương cần 10 ngàn tấn gạo để hỗ trợ người dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng giao Bộ Lao động TBXH rà soát và trình ngay văn bản để Thủ tướng quyết định luôn. Tôi nhắc lại là tinh thần không được chậm trễ, không để dân đói, dân khát và phải đến đúng địa chỉ” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.