| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/01/2021 , 15:02 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 15:02 - 12/01/2021

Cần giải pháp phục hồi thị trường lao động

Thách thức lớn nhất của người Việt Nam khi bước vào mùa xuân Tân Sửu, đó là cần một giải pháp để phục hồi thị trường lao động

Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê của Tổng cục Thống kê vừa đưa ra con số đáng báo động: 1,3 triệu người mất việc làm trong năm 2020. Rõ ràng, hệ lụy của Covid-19 đã thực sự phơi bày.

Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp vào nhóm thành công nhất trên thế giới về khả năng ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus corona. Thế nhưng, bên ngoài những khu cách ly, thì những chiếc khẩu trang không thể nào che giấu sự âu lo về sụt giảm tài chính của người dân.

Sự giằng co không mệt mỏi của cả xã hội với Covid-19 cũng dần dần chấp nhận một sự thật khá bẽ bàng, khi chúng ta tạm thời khống chế được đại dịch thì sức khỏe nền kinh tế cũng gánh chịu không ít tổn thương. Hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn thì thị trường việc làm cũng teo tóp lại, và lao động bị thất nghiệp tăng lên. Chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2020 đã có khoảng 1,2 triệu người không còn cơ hội việc làm, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm 2019.

Theo khảo sát chưa đầy đủ, Covid-19 đã đẩy 81 triệu lao động trên thế giới vào cảnh thất nghiệp. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Những chuyên gia ngành thống kê phải thốt lên “mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt thập kỷ qua”.

Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc, người phải nghỉ giãn việc, người nghỉ luân phiên, người giảm giờ làm và người giảm thu nhập. Cụ thể hơn, có 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% người bị giảm giờ làm, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, thách thức lớn nhất của người Việt Nam khi bước vào mùa xuân Tân Sửu, đó là cần một giải pháp để phục hồi thị trường lao động. Bởi lẽ, Covid-19 không chỉ tước đi việc làm cũ mà còn cản trở cơ hội việc làm mới. Khi nhiều hoạt động sản xuất và thương mại co cụm, thì người lao động không thể làm đúng chuyên môn đào tạo, mà cũng không thể tìm công việc phổ thông để mưu sinh tạm thời. Chịu tác động nặng nề nhất là lĩnh vực dịch vụ, với 71,6% lao động loay hoay trong nỗi ám ảnh thất nghiệp.

Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách nhằm vừa đảm bảo chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội. Trong điều kiện bình thường, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, 1,6 triệu việc làm mới kia đã không xuất hiện trong năm 2020. Nghĩa là, quý 1/2021 sẽ có một lực lượng lao động mắc kẹt giữa hai trạng thái mất việc làm và thiếu việc làm.

Người lao động đang ngấm đòn của Covid-19. Giải pháp phục hồi thị trường lao động cũng quan trọng không kém sứ mệnh đẩy lùi hoàn toàn virus corona trong năm 2021. Tăng cường đầu tư công để hấp thụ lao động phổ thông, đã và đang được triển khai tích cực. Thế nhưng, muốn kích cầu tiêu dùng để làm đòn bẩy tạo ra việc làm, thì không thể không tính tiếp bài toán giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân.