Tăng cường phối hợp quản lý tàu cá
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT, tỉnh BR-VT), toàn tỉnh có 5.815 tàu cá đang khai thác, trong đó có khoảng 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, chủ yếu bằng nghề lưới kéo, vây, rê, câu, chụp. BR-VT được xem là thủ phủ đánh bắt hải sản của vùng Đông Nam bộ, là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Thực hiện các khuyến nghị của EC, Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT đã phối hợp với lực lượng biên phòng đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và công tác chống khai thác bất hợp pháp cho cán bộ quản lý thủy sản các địa phương, BQL cảng cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, DN thủy sản và bà con ngư dân, nhất là các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm. Tổ chức cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh BR-VT cho biết: “Thời gian qua, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản qua cảng được ngành chức năng tỉnh triển khai quyết liệt. Mọi tàu thuyền ra vào các cảng cá đều được hướng dẫn ngư dân thực hiện ghi nhật ký hành trình, nhật ký khai thác để thực hiện đối chiếu với thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được có vi phạm hay không”.
Theo ông Văn, thực tế nhận thức trong cộng đồng ngư dân, DN về công tác chống khai thác trái phép được nâng cao; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từng bước được cải thiện; việc xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ngày càng quyết liệt hơn.
Đặc biệt, huyện Long Điền từng là “điểm nóng” về tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài, nhưng do được tuyên truyền giúp ngư dân nâng cao hiểu biết về các khuyến nghị của EC nên tình trạng vi phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời tăng cường thực hiện triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên toàn địa bàn tỉnh.
Đến nay đã có 2.334/2.912 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Cụ thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn 453 tàu chưa thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân do một số tàu hành nghề lưới vây cá cơm, nghề lưới dù có chiều dài trên 15m nhưng là nghề đánh bắt truyền thống, chỉ hoạt động vùng lộng, ven bờ, thời gian đánh bắt trong ngày nên đa số chủ tàu còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa bảo đảm yêu cầu; việc đầu tư kinh phí, bố trí nguồn lực, trang thiết bị cho hạ tầng nghề cá để chống khai thác trái phép còn hạn chế. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Trước khi ra khơi, các tàu cá đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản, khi rời cảng, các Trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu bắt buộc phải điện thoại “lệnh” cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật”.
Tàu cá không phép có thể bị phạt từ 800 triệu tới 1 tỷ đồng
Về kết quả Đoàn kiểm tra IUU trên địa bàn tỉnh BR-VT, bà Phan Thị Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) đánh giá cao BR-VT đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về IUU. Tuy nhiên, tỉnh cần quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong công tác xử lý đối với các tàu vi phạm vùng đánh bắt hay tự ý tắt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đồng thời, phải bố trí thêm lực lượng nghiệp vụ, bổ sung thêm nhân lực và tài chính để bảo đảm thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của Chính phủ về IUU.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết: “Hiện nay việc cấp giấy phép hoạt động đánh bắt trên địa bàn BR-VT mới chỉ đạt hơn 50% so với tổng số tàu, việc đăng kiểm cũng mới đạt khoảng 60%. Do đó, BR-VT cần sớm khắc phục hạn chế này bởi theo quy định của EC, việc tàu chưa được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, ở mức 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng”. Theo ông Hùng, việc tàu cá ra khơi chưa được đăng kiểm sẽ có nguy cơ cao gây mất an toàn cho cả tàu lẫn ngư dân và sẽ không được bảo hiểm chi trả nếu xảy ra tai nạn trên biển.
Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản cũng được EC đòi hỏi cao, do đó nguồn hàng xuất khẩu cũng phải chứng minh được nguồn gốc là không thuộc tàu đánh bắt vi phạm. Ông Nguyễn Đình Thụ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nam Bộ cho rằng, nếu không xử lý triệt để các tàu cá vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, yêu cầu của sản phẩm xuất khẩu. “Thực tế cho thấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng đã dẫn tới việc kiểm soát nguồn thủy sản đầu vào chưa nghiêm, khiến cho nhiều lô hàng khi xuất khẩu đã bị từ chối do trộn lẫn giữa nguồn hàng được kiểm duyệt và hàng vi phạm”, ông Thụ nói.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn Công tác Bộ NN-PTNT đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của tỉnh BR-VT trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Tuy nhiên, Đoàn cũng nêu thêm một số kiến nghị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC...
"BR-VT cần thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá; triển khai các giải pháp hạn chế tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình và ghi chép nhật ký khai thác, nếu còn để tàu cá vi phạm thì sẽ rất khó gỡ “thẻ vàng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.