| Hotline: 0983.970.780

Cần hình thành kênh phân phối, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

Thứ Hai 24/08/2020 , 14:30 (GMT+7)

Sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP cần đảm bảo được yếu tố chất lượng, mẫu mã và gia tăng giá trị kinh tế.

Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến khảo sát cơ sở sản xuất nhung hươu của doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, huyện Hương Sơn. Ảnh: Ngô Thắng. 

Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến khảo sát cơ sở sản xuất nhung hươu của doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, huyện Hương Sơn. Ảnh: Ngô Thắng. 

Sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với sự tập trung cao, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng, nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn.  Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác,...

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 69 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Từ đầu năm 2020 có 255 ý tưởng đề xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP được cấp huyện xét chọn và Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã kiểm tra, chấp thuận 180 ý tưởng sản phẩm đủ điều kiện lập phương án sản xuất, kinh doanh để tham gia chương trình.

“Để góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển biền vững, trong 2 năm qua (2019 - 2020), Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 59 cơ sở tham gia chương trình OCOP, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ cho Chương trình này sẽ tăng lên hơn 40 tỷ đồng”, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Tĩnh thông tin.

Ngoài ban hành chính sách, thời gian vừa qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được ngành chức năng quan tâm, siết chặt. Các chủ cơ sở OCOP phải xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Văn phòng điều phối NTM tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thường xuyên kiểm tra các khâu liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì nhãn mác, lấy mẫu kiểm nghiệm,...

Mô hình gắn sản phẩm OCOP với điểm du lịch cộng đồng tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn. Ảnh: Ngô Thắng.

Mô hình gắn sản phẩm OCOP với điểm du lịch cộng đồng tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn. Ảnh: Ngô Thắng.

Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại tập trung chú trọng trên các trang thương mại điện tử nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh, trong khu vực mà còn lan tỏa trên cả nước. Hiện Hà Tĩnh đã xây dượng được 13 cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại các huyện và tại các điểm dừng xe trong tỉnh; năm 2019 có 55 sản phẩm và 6 tháng đầu năm 2020 có 48 sản phẩm được tham gia các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm của Hà Tĩnh bước đầu được khách hàng tin dùng, lựa chọn.

Năm 2020 Hà Tĩnh phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao; phát triển mới 3 - 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực cho ít nhất 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện Chương trình OCOP; quản lý chặt chẽ 72 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao năm 2019, nâng cấp các sản phẩm lên 4 - 5 sao.

Theo thống kê, doanh thu bán hàng của các sản phẩm OCOP năm 2019 đạt hơn 323 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2018), lợi nhuận đạt 66,2 tỷ đồng (tăng 49,7% so với năm 2018); 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu đạt hơn 126 tỷ, lợi nhuận ước trên 19 tỷ đồng.

Đối với liên kết hợp tác sản xuất, Hà Tĩnh hình thành mô hình Hội quán OCOP. Hiện đã có 5 Hội quán ra đời, gồm: Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh; hội quán OCOP nhung hươu Hương Sơn; hội quán cam Thượng Lộc; hội quán dưa lưới; hội quán sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đưa vào vận hành khá hiệu quả 3 mô hình điểm do Trung ương chỉ đạo, gồm: gian hàng giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại Cửa Lò (Nghệ An); mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại các xã: Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) và xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), hiện các xã đã thực hiện nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư, homestay, bố trí các tuyến tham quan trong xã, từng bước hình thành điểm du lịch.

Riêng dự án phát triển sản phẩm rươi, cáy, gạo hữu cơ tại huyện Đức Thọ, tỉnh đã lựa chọn chủ thể tham gia Chương trình OCOP, khảo sát, xác định được sản phẩm của dự án là rươi, cáy, gạo và đã xác định vùng sản xuất với quy mô gần 102,9 ha. Mục tiêu phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Hiện, Hà Tĩnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án để trình Bộ NN - PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thẩm định.

Phát biểu tại cuộc làm việc Nguyễn Minh Tiến, Cục Trưởng – Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho rằng, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh làm tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình OCOP. Từ đó, giúp tăng doanh thu, nâng cao thương hiệu sản phẩm của tỉnh.

Văn phòng điều phối NTM Trung ương đề nghị Hà Tĩnh sớm hoàn thiện hồ sơ dự án phát triển sản phẩm rươi, cáy, gạo hữu cơ tại huyện Đức Thọ để trình Bộ NN - PTNT phê duyệt. Ảnh: Ngô Thắng.

Văn phòng điều phối NTM Trung ương đề nghị Hà Tĩnh sớm hoàn thiện hồ sơ dự án phát triển sản phẩm rươi, cáy, gạo hữu cơ tại huyện Đức Thọ để trình Bộ NN - PTNT phê duyệt. Ảnh: Ngô Thắng.

Trong cuộc làm việc mới đây với tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh  Văn phòng điều phối NTM Trung ương đề nghị Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm OCOP qua internet, hướng tới công nghệ số, phát triển sản phẩm mới. Đây là yếu tố nội hàm, trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng NTM.

“Đề nghị Hà Tĩnh sớm hoàn thiện hồ sơ về dự án phát triển sản phẩm rươi, cáy, gạo hữu cơ tại huyện Đức Thọ để trình Bộ NN - PTNT phê duyệt đảm bảo tiến độ. Đồng thời, cần gắn xây dựng sản phẩm OCOP với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.